Bên bờ hạnh phúc

Sớm gánh chịu nhiều biến cố khi tuổi đời còn quá nhỏ nên cậu học trò Lê Văn Hậu phải tự bươn chải, vừa lo cho việc học của mình, vừa chạy vạy thuốc thang cho bệnh tình của mẹ. Nhưng đối với em, khó khăn không là trở ngại mà nó còn là động lực giúp em phấn đấu kiên cường trong học tập. 

Hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn, yếu ớt ngày ngày rong rủi khắp các nẻo đường quê rao bán bánh mì, bất kể nắng mưa này, từ lâu đã trở nên rất quen thuộc với nhiều người dân ở xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Đó chính là công việc thường ngày sau giờ học của cậu học trò Lê Văn Hậu hiện đang học lớp 11A2, trường THPT U Minh Thượng.

Như bao đứa trẻ khác, Lê Văn Hậu cũng đã được sinh ra đời trong vòng tay yêu thương ấm áp của cha mẹ. Do không đất đai, ruộng vườn mà cha mẹ em buộc phải lênh đênh trên sông nước cùng với chiếc ghe nhỏ, buôn bán tạp hóa dạo, sống lây lất qua ngày. Tuổi thơ của 2 anh em em là chuỗi ngày dài nổi trôi, bất định, hoàn toàn xa lạ với mái trường, chẳng biết đến một con chữ.

Hai anh em Văn Tiền (phải) và Văn Hậu (trái)

Nhưng vì lo cho tương lai của 2 con nên cha mẹ em đã quyết định thuê đất, lên bờ định cư cho 2 anh em Lê Văn Hậu được đến trường, dù đã khá muộn màng. Mẹ em vốn bị bệnh tim bẩm sinh nên không thể làm gì nặng, ngoài những công việc lặt vặt trong gia đình. Cuộc sống của của cả nhà chỉ còn biết dựa vào cha với việc trồng trọt trên đất thuê của người khác. Vậy mà, số phận nghiệt ngã cũng đã sớm cướp đi ngay cả cái hạnh phúc bình dị, nhỏ nhoi ấy, do cha em đột ngột qua đời vì chứng tai biến mạch máu não, khi hai anh em Lê Văn Hậu mới học đến lớp 6.

Cha mất, mẹ không có đủ sức khỏe để làm lụng thay thế, nguồn thu nhập gần như duy nhất của gia đình không còn nữa, việc học của hai anh em Lê Văn Hậu có nguy cơ bị gảy đổ. Để có thể vừa tiếp tục đến trường, vừa chăm lo cho mẹ, hai anh em Lê Văn Hậu đã quyết định một buổi đi học, buổi còn lại thì thay phiên nhau đi bán bánh mì, đến mùa thu hoạch thì đi mót lúa, giăng lưới bắt cá. Cuộc sống tuy hết sức cơ cực, nhưng nhờ có sự an ủi, động viên và chỉ dạy của mẹ hàng ngày, mà hai anh em vẫn luôn cảm thấy ấm áp cõi lòng.

Ngoài giờ học và đi làm thêm, Tiền và Hậu tận tình chăm sóc mẹ từng bữa ăn

Nhưng dường như số phận đen đuổi vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình này. Khi 2 anh em Lê Văn Hậu vừa bước vào ngưỡng cửa THPT thì chứng tai biến mạch máu não một lần nữa hung hãn ập đến, khiến bà bị liệt nửa người. Từ đó, bà chẳng những không thể tiếp tục chăm lo cho hai đứa con, mà ngay cả việc tự chăm sóc cho bản thân mình cũng không còn được nữa. Thế là, dù bên đời vẫn còn có mẹ nhưng mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống, cho đến việc học hành, 2 anh em Lê Văn Hậu đều phải tự lo liệu tất cả, trong sự đồng cảm, chia sẻ của thầy cô, bạn bè, và bà con hàng xóm.

Để giúp cho hai đứa cháu được yên tâm học tập, một người cậu đã đưa mẹ Lê Văn Hậu về Cà Mau chăm sóc. Riêng 2 anh em Hậu và Tiền thì được vợ chồng thầy cô giáo cũ tốt bụng cho về nhà ở và cưu mang, bảo bọc, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 em đi học. Hàng ngày, ngoài giờ học Lê Văn Hậu vẫn tiếp tục đi bán bánh mì để chia sẻ chi phí sinh hoạt với thầy cô. Còn Tiền thì tranh thủ học nghề làm đồ nhôm để kiếm chút tiền mua sách vỡ, bút mực phục vụ việc học.

Đặc biệt, anh em Lê Văn Hậu còn có ý thức rất sâu sắc và đúng đắn đối với việc học, coi đó là lẽ sống, là con đường duy nhất để vươn lên vượt qua số phận, làm mới cuộc đời. Vì vậy mà dù phải sống trong cảnh thiếu áo đói cơm, không có người thân cận kề bảo ban, dạy dỗ, anh em Lê Văn Hậu vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ học, ngược lại còn luôn nỗ lực học tập với tất cả lòng đam mê và hy vọng của mình. Kết quả là 2 em luôn đạt được thành tích học tập tốt, nhất là Lê Văn Hậu, nhiều năm liền luôn là học sinh khá giỏi, từng vinh dự được Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Kiên Giang bình chọn là học sinh tiêu biểu, để cử đi dự liên hoan học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, tại thủ đô Hà Nội.

Bước vào năm học này, gia đình cậu không còn đủ điều kiện để tiếp tục chăm sóc mẹ, do sức khỏe của bà ngày càng suy yếu. Hai anh em Lê Văn hậu đã đón mẹ về ở nhờ trong căn nhà bỏ trống của một người bà con. Thế là, giờ đây, ngoài giờ học, anh em Hậu vừa phải tranh thủ làm thêm, vừa phải thay nhau chăm sóc và giúp đỡ mẹ ân cần trong mọi công việc, từ việc cơm nước, giặt giũ đến vệ sinh cá nhân…

Nhờ có lòng đam mê học tập và tình yêu thương vô bờ bến đối với người mẹ bệnh tật của mình mà anh em Lê Văn Hậu đã vượt qua mọi sự mặc cảm về kiếp sống đói nghèo, cơ nhỡ của bản thân và gia đình, để bền tâm, vững chí bám lớp bám trường và học tốt. Và có lẽ chính những giây phút học tập hăng say bên thầy cô, bạn bè đã giúp cho những niềm đau, nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày của em vơi đi rất nhiều. Không chỉ phấn đấu học tập cho riêng mình, Lê Văn Hậu còn tích cực giúp đỡ các bạn cùng lớp. Vào lớp thì nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng bài, giúp lớp tháo gỡ những vướng mắc lớn trong học tập. Hăng hái tham gia các phong trào do lớp, trường tổ chức. Chính lối sống ấy đã giúp cho Lê Văn Hậu luôn nhận được rất nhiều cảm tình, sự quý mến của thầy cô, bạn bè.

Không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chon cách để mình sống. Lối sống dũng cảm, không khuất phục trước mọi khó khăn, thách thức của Lê Văn Hậu, một lần nữa chứng minh rằng, ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, nếu có đủ niềm tin và nghị lực, con người hoàn toàn có thể vượt qua.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Lê Văn Hậu, lớp 11A2 trường THPT U Minh Thượng huyện U Minh Thượng- tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Ngọc Mến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *