Kinh tế Đông Á đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Trong một báo cáo vừa được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nền kinh tế Đông Á, vốn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế toàn cầu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang trì trệ, thông tin trên tiếp tục góp phần làm bức tranh kinh tế thế giới thêm ảm đạm.

Theo báo cáo, dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội GDP của nền kinh tế Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng 8,2% trong năm nay và 7,8% trong năm 2012, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của năm 2010, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường xuất khẩu trọng yếu như Mỹ, châu Âu tiếp tục sụt giảm.

Theo các nhà kinh tế của WB phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế thấp tại châu Âu là do các chương trình thắt lưng buộc bụng. 

WB cho rằng, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại Đông Á đã bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng của phương Tây, đặc biệt là lĩnh vực điện tử khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Ngoài ra, tình trạng lũ lụt tại một số quốc gia, trong đó có Thái Lan, cũng là nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế này, khi nhiều công ty trong khu vực buộc phải đóng cửa sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động do thiếu linh kiện hoặc gián đoạn dây chuyền cung ứng sản phẩm.

WB nhấn mạnh, nền kinh tế ở Đông Á cần phải tăng cường liên kết khu vực, đặc biệt là mở rộng các hiệp định tự do mậu dịch với ASEAN để tăng cường khả năng xuất khẩu.

WB cho rằng, trong ngắn hạn, thách thức lớn đối với khu vực Đông Á là làm thế nào để cân bằng giữa phát triển và đối phó với với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nên thắt chặt chính sách kinh tế hơn nữa và sẵn sàng hành động để đối phó với bất kỳ rủi ro nào từ vấn đề nợ công tại châu Âu.

Cho dù vị thế tài chính không còn mạnh như trước giai đoạn khủng hoảng năm 2008, song hầu hết các nước có thu nhập trung bình trong khu vực Đông Á vẫn có thể đưa ra các gói kích thích khi cần thiết. Trong trung và dài hạn, WB khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực cần tiếp tục triển khai các biện pháp cải cách nhằm nâng cao năng suất và thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Anh Bằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *