Gia đình nghèo, không đất sản xuất, cuộc sống của ba chị em Thắm đều phải nhờ vào đồng tiền công ít ỏi từ công việc vót câu, vót đũa của người mẹ tảo tần. Gánh nặng mưu sinh lại càng thêm chất chồng khi người chồng – người cha của gia đình ấy mãi mãi ra đi lúc Thắm vừa tròn 10 tuổi. Bước qua những khổ đau, gian khó, Thắm vẫn bám lớp, bám trường để rồi trái ngọt em nhận được là thành tích học tập sáng chói suốt nhiều năm liền.
Đã bao năm qua, các thầy cô giáo, các em học sinh và bà con sinh sống xung quanh trường THPT Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cũng đều đã quen thuộc với hình ảnh cô học trò dân tộc Khmer ngày ngày bơi chiếc xuồng cũ kỹ từ một sóc nhỏ bên kia sông thị trấn để đến trường, bất kể nắng mưa. Đó là em Thị Ngọc Thắm – học sinh lớp 12A1 của trường. Và điều đặc biệt hơn ở cô học trò nhỏ này là không phải chỉ vất vả trên con đường đến trường, do sông ngòi cách trở, mà bao năm qua em còn phải cùng gia đình chống chọi với cuộc sống đói nghèo và mất mát tình thâm.
Mẹ của em Ngọc Thắm nuôi con bằng công việc vót câu, vót đũa như thế này
Cũng như bao đứa trẻ khác, Thị Ngọc Thắm cũng đã được sinh ra đời trong một mái gia đình ấm áp với đầy đủ mẹ cha. Tuy cũng gieo neo, nghèo khó, do nhà không có đất sản xuất, chỉ biết trông cậy vào nguồn thu nhập ít ỏi có được từ nghề làm thợ mộc của cha và nghề làm thuê của mẹ. Song, cuộc sống hàng ngày vẫn luôn chan hòa tình yêu thương và đầy ắp tiếng cười. Nhưng rồi cái hạnh phúc đơn sơ ấy cũng đã sớm vỡ tan, do cha em đột ngột qua đời trong một cơn đột quỵ, bỏ lại giữa dòng đời người vợ góa bụa, cùng ba đứa con côi cút. Trụ cột gia đình đã mất, bà Thị Phượng – mẹ Thị Ngọc Thắm – buộc phải một mình gánh vác cuộc sống bộn bề, gồm có nhà cửa, cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của 3 cô con gái.
Nhưng sống trong một sóc Khmer heo hút, không chữ nghĩa, không nghề nghiệp, không vốn liếng, bà còn biết phải làm gì để đảm đương tốt vai trò vừa làm mẹ vừa làm cha của mình ngoài việc làm thuê làm mướn. Thế là, bằng sức chịu đựng dẻo dai vốn có, bà đã lao vào làm lụng với đủ mọi công việc. Trước tiên là những công việc đồng áng, như dậm lúa, làm cỏ, cắt lúa… nhưng tiền công có được chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu một gia đình, lại khi có khi không, nên có lúc túng quẫn đến nổi gạo cũng không còn đủ để nấu, bà buộc phải bỏ nhà bôn ba lên TP Rạch Giá làm công nhân cho một nhà máy chế biến thủy sản. Nhưng đi làm xa nhà thì bà lại đau đáu nỗi lo về chuyện học hành và sự an toàn của những đứa con ở nhà, nên cuối cùng bà cũng đã trở về quê sống đấp đổi qua ngày với cái nghề vót câu, vót đũa và trồng rau quanh nhà để chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học.
Ngọc Thắm là một cô học trò giỏi và rất có trách nhiệm với gia đình
Để chia sẻ gánh nặng gia đình với mẹ, chị cả của Thị Ngọc Thắm đã phải rời quê hương lên Bình Dương làm công nhân và chẳng bao lâu sau thì lập gia đình với một người đàn ông quê ở tận Nghê An. Giờ thì nhà chỉ còn có mẹ và 2 chị em Ngọc Thắm nương tựa vào nhau mà sống. Và đó cũng chính là niềm hạnh phúc quý báu mà em còn có được, giúp em cảm nhận được chút an ủi, chút niềm vui trong cuộc đời, để có thêm nghị lực mà vững vàng bước tiếp.
Sớm nhận thức được hoàn cảnh khốn khó của gia đình, ngay từ nhỏ, Thị Ngọc Thắm đã biết đỡ đần cho mẹ nhiều công việc trong gia đình, nhất là khi nhận thấy mẹ ngày càng gầy guộc, héo hon vì quá lo toan cho cuộc sống và chuyện học hành của 2 cô con gái. Vì vậy mà ngoài giờ học, Ngọc Thắm luôn tranh thủ thời gian phụ giúp mẹ mọi công việc trong nhà, như nấu ăn, giặt giũ… Còn thời gian nữa thì trồng trọt rau cải quanh nhà, hoặc vót đũa, vót câu để bán kiếm thêm thu nhập…
Có lẽ, điều quan trọng nhất đối với em trong giai đoạn này vẫn không gì khác hơn là việc học. Học để đổi thay cuộc sống và là cách tốt nhất để có thể bù đăp lại sự mất mát và hy sinh to lớn mà đã quá nửa đời người mẹ em đã âm thầm chịu đựng vì cuộc sống và tương lai của những đứa con.
Từ nhận thức đó mà bất chấp mọi khó khăn, trở ngại, từ điều kiện đi lại bất tiện, đến cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, em vẫn bền lòng vững chí bám lớp, bám trường và học tốt. Không có điều kiện học thêm như bạn bè đồng trang lứa, Thị Ngọc Thắm chọn phương pháp tự học là chính. Ở trường thì tiếp thu kỹ lời giảng của thầy cô, về nhà thì mượn thêm sách tham khảo để mở rộng kiến thức. Với tinh thần cầu tiến, hiếu học, cùng bản tính cần cù, chăm chỉ trong học tập, nhiều năm qua Ngọc Thắm luôn là học sinh khá giỏi, được xếp ở tốp đầu của lớp.
Được theo học tại lớp 12A1 – lớp chọn của trường THPT Bàn Tân Định là một vinh dự đối với Thị Ngọc Thắm nên em luôn có ý thức phấn đấu sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của nhiều người. Bên cạnh mục tiêu phấn đấu chính là học tập cho thật tốt, em còn có nhiều nỗ lực trên tất cả các mặt sinh hoạt và rèn luyện khác để trở thành một học sinh toàn diện của lớp và trường. Vì vậy, không chỉ học tốt, Ngọc Thắm còn là một học sinh gương mẫu trong việc thực hiện nội quy của trường, lớp.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thị Ngọc Thắm đạt 51 điểm. Kết quả này hoàn toàn tương xứng với những nổ lực của em trong suốt quá trình học tập. Đồng thời cũng là niềm cổ vũ mạnh mẽ giúp em vững tin hướng đến kỳ thi Đại học và cao đẳng sắp tới.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ 1/ Thị Ngọc Thắm, học sinh lớp 12A1 trường THPT Bàn Tân Định, huyện Giồng riềng, tỉnh Kiên Giang 3/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 4/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long |
Ngọc Mến