Trong hai ngày qua, do mưa lớn phổ biến từ 200 – 500mm và kéo dài khiến nhiều tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Khánh Hoà bị thiệt hại nặng nề. Tại khu vực Nha Trang, do mưa đến 500mm nên thành phố bị ngập sâu từ 0,5 – 1m.  

Đưa dân qua đường phố Nha Trang sau khi bị ngập thành sông vào ngày 31.10. Ảnh: Thái Bình

  

Rạng sáng ngày 31.10, một chiếc xe ôtô khách chở hơn 20 người, từ Thừa Thiên – Huế đi Lâm Đồng, chạy hướng Nha Trang – Đà Lạt vẫn cố băng lũ, đi qua. Khi đến đèo Khe Me, xã Diên Thọ, đoạn gần sông Cái, gặp nước xoáy, chiếc xe bị chết máy. Lực lượng tại chỗ xã Diên Thọ đã kịp thời ứng cứu, giải thoát tất cả hành khách trên xe.

Phải sơ tán dân

Tại Nha Trang, nhiều phường như: Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hoà, Vạn Thắng, Vĩnh Thái, Vĩnh Nguyên… đã bị ngập. Nặng nhất là các khu dân cư ven đường Phong Châu, đoạn qua phường Phước Hải, nước lũ chảy xiết, dâng cao đến 1m, bao vây, cô lập hơn 700 hộ dân sinh sống khu vực này. Ông Nguyễn Văn Danh, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, đã huy động bốn canô, xuồng máy cùng 90 cán bộ, chiến sĩ để cứu dân, đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Tại phường Vĩnh Phước đã có 37 ngôi nhà bị sập, một người bị thương nhẹ. Hiện nay, phường đã phát 500m dây, 400 bao cát để bà con đắp luỹ không cho nước tràn ngập vào trong nhà. Trong khi đó, sáng ngày 31.10, tại cửa sông Cái Nha Trang, một chiếc tàu câu cá của ngư dân phường Xương Huân đã bị sóng đánh chìm. Bộ đội biên phòng đồn 372 đã kịp thời cứu hai ngư dân. Mưa lớn cũng làm đường sắt bị ngập, sạt lở gây tắc đường tại thị xã Cam Ranh.

Tại Phú Yên, mưa lớn đã làm sạt lở hơn 80m3 đất đá tại km 1320+470 trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, đoạn qua khu vực Đèo Cả, giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Vụ sạt lở đã làm cho các tuyến tàu đường sắt Bắc – Nam bị ách tắc; riêng trên địa phận tỉnh Phú Yên có đến sáu đoàn tàu với 1.222 hành khách phải nằm chờ tại các ga. Ông Nguyễn Đình Tân, giám đốc xí nghiệp vận tải đường sắt Phú Khánh, cho biết: đến 13 giờ 30 ngày 31.10, ngành đường sắt đã tổ chức thông tàu qua đèo Cả, sớm hơn dự kiến 1 giờ 30 phút.

Trước đó, lúc 10 giờ 30 ngày 30.10, ông Phạm Đình Cư, 53 tuổi, trú tại thôn Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà (tỉnh Phú Yên) bị nước lũ làm lật thuyền và cuốn trôi mất tích trên sông Hảo Sơn.

Lo bảo vệ các hồ, đập

Mưa lớn kéo dài từ sáng ngày 30.10 đến nay đã gây ngập lụt nghiêm trọng và gây xói lở nhiều đoạn đường giao thông nối xã Phước Nam và Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Theo TTXVN, đến trưa 31.10, nước đã nhấn chìm hàng trăm hecta hoa màu, trường tiểu học Văn Lâm, trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, chợ trên địa bàn xã và nhiều nhà của người dân cũng đã bị ngập hơn nửa mét. Nước lũ đã cuốn trôi một người ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước hiện vẫn chưa tìm được.

Hiện nay, các hồ Đơn Dương, Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang, Suối Lớn, Ma Trai, Ông Kinh, Thành Sơn… đang xả lũ tại các cửa và qua tràn tự do. Đến 12 giờ 30 ngày 31.10, trời tạnh mưa, thuỷ triều xuống, các đơn vị và ngành chức năng trong tỉnh đang triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống lũ lụt, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Tại Bình Định, đến 16 giờ ngày 31.10, vẫn còn ba chiếc tàu của ngư dân Bình Định cùng 16 ngư dân đang gặp nạn tại vùng biển Trường Sa và các ngư trường phía Nam. Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với bộ đội biên phòng những địa phương kêu gọi các phương tiện đánh bắt và ngư dân đến ứng cứu những tàu bị nạn.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *