Khi xây dựng đường trên cao dành riêng cho xe gắn máy sẽ giải quyết nạn kẹt xe so với hiện tại gấp 10 lần, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng diện tích cây xanh… Đó là tính toán của công ty khoa học công nghệ Việt Tiệp Khắc trong đề xuất gửi cơ quan chức năng TP.HCM.

Mô hình đường trên cao cho xe máy. Ảnh: TL

 

Ngày hôm qua 28.10.2010, công ty khoa học công nghệ Việt Tiệp Khắc (gọi tắt VTK), đã đề xuất với sở GTVT TP.HCM được phép nghiên cứu thực hiện dự án phát triển hệ thống đường trên cao dành cho xe gắn máy.

Để cung cấp thông tin thêm cho bạn đọc, ngày 29.10, phóng viên đã tìm hiểu sâu hơn ý tưởng này của công ty VTK.

Giải quyết nạn kẹt xe, tai nạn giao thông

Theo cam kết của công ty VTK, khi xây dựng đường trên cao dành riêng cho xe gắn máy sẽ giải quyết nạn kẹt xe so với hiện tại gấp 10 lần, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng diện tích cây xanh… cho TP.HCM.

VTK lập luận, đặc thù giao thông của TP.HCM là số lượng xe gắn máy chiếm 80% các loại phương tiện, chiếm 70% tổng số vụ tai nạn giao thông. Do đó, cần phải tách xe gắn máy ra khỏi các phương tiện khác bằng hệ thống đường trên cao dành riêng cho xe gắn máy phối hợp với hệ ga đa năng, phù hợp với hệ thống giao thông cụ thể tại TP.HCM. Hệ ga đa năng sẽ có tác dụng vừa là cầu vượt, điểm lên xuống cho xe gắn máy. Giữa các hệ cầu vượt này sẽ được nối với nhau bằng hệ thống đường trên cao dành riêng cho xe gắn máy. Hệ thống đường trên cao bên trên có thể làm rộng thành địa điểm kinh doanh, nhà vệ sinh, điểm giữ xe, thư viện mini, hệ thống phun sương…

Toàn bộ hệ thống này sẽ được thi công chủ yếu bằng công nghệ lắp ghép từ nguyên liệu chính là sắt tráng composite. Công nghệ này thi công nhanh gấp 10 lần so với công nghệ đổ bê tông, có khả năng chịu động đất cao vì hệ thống được gá lắp bằng ốc vít sẽ có thể dao động mềm dẻo. Khi thi công sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến giao thông; giá thành rất thấp, khoảng 10 triệu/m2…

Theo VTK, địa điểm trước tiên để đầu tư xây dựng hệ thống tốt nhất là trên các tuyến đại lộ, thuộc cửa ngõ đi vào trung tâm TP.HCM như khoảng từ vòng xoay Hàng Xanh đến quận Thủ Đức hay từ bùng binh Lăng Cha Cả đi huyện Hóc Môn, đường Hùng Vương chạy về miền Tây…

Ngoài ra, khi giai đoạn một đã hoàn thành cũng có thể xây dựng hệ thống đường trên cao ở những con đường đi qua xuyên tâm của thành phố là nơi dễ xảy ra kẹt xe và tai nạn giao thông như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám…

Toàn bộ hệ thống nếu được đầu tư xây dựng sẽ không phải giải tỏa mặt bằng, không sử dụng nguồn vốn ngân sách mà bằng hình thức BOT. Thời hạn kinh doanh trong vòng 50 năm bằng hình thức thu phí xe máy đối với các phương tiện tham gia lưu thông.

Hiệu quả kinh tế

Toàn bộ hệ thống đường trên cao dành cho xe máy sẽ được thi công chủ yếu bằng công nghệ lắp ghép từ nguyên liệu chính là sắt tráng composite. Công nghệ này thi công nhanh gấp 10 lần so với công nghệ đổ bê tông. Có khả năng chịu động đất cao vì hệ thống được gá lắp bằng ốc vít sẽ có thể dao động mềm dẻo. Khi thi công sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến giao thông, giá thành rất thấp, khoảng 10 triệu/m2…

Ông Trần Sơn Tường, giám đốc VTK cho biết, khi xây dựng đường, phía công ty cũng thiết kế làm công viên cây xanh 5.000m2 trên cao tại các điểm ga. Khi hệ thống đưa vào sử dụng sẽ giảm tai nạn giao thông và đặc biệt giảm tình trạng kẹt xe xuống 10 lần so với hiện tại. Ngoài ra, khi dự án đưa vào sử dụng sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư cho việc giải phóng mặt bằng, tiết kiệm ngân sách, tăng tốc độ lưu thông cho người tham gia giao thông…

“Sở dĩ hệ thống được chúng tôi đề xuất không sợ bị lãng phí vì đường ở đô thị Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4% diện tích. Trong khi đó, muốn đủ diện tích đường cho xe hơi, xe buýt phải tăng 6 lần (30% diện tích), khi đó chi phí có thể lên đến ít nhất là 400 tỷ USD. Điều này không khả thi vì số tiền quá lớn, phải đền bù giải tỏa làm xáo trộn xã hội. Do đó, khi đầu tư vào hệ thống này sẽ không bị lãng phí, nó có thể giải quyết áp lực giao thông hiện hữu giữa nhiều làn xe như hiện nay”.

Ngoài ra, ông Tường cho rằng, khi xây dựng hệ thống đường trên cao sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống giao thông hiện tại, hiệu quả kinh tế mang lại ở tất cả các mặt điều khả quan.

Tuy nhiên, theo đại diện sở giao thông vận tại TP.HCM, xây dựng đường trên cao cần phải nghiên cứu kỹ để không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của TP.HCM và giao thông hiện tại. Do đó, sở yêu cầu công ty VTK cần nghiên cứu sâu hơn và báo cáo sở xem xét, trình UBND TP.HCM trong thời gian tới.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *