Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 1.11, bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, cảng Cam Ranh mà Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng rất hấp dẫn với các nước, và cảng này còn sửa chữa cả tàu ngầm.

Thưa bộ trưởng, hiện nay việc triển khai xây dựng cảng Cam Ranh như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Chúng tôi đang lập dự án, đang đàm phán để thuê tư vấn của Nga và mua các thiết bị, công nghệ của Nga. Giai đoạn đầu thì phải thuê một số chuyên gia kỹ thuật của Nga giúp chúng ta xây dựng thành công nhà máy để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật này.

Sau đó còn rất nhiều thủ tục. Chẳng hạn như tổ chức thẩm định, có thể phải thuê chuyên gia của nước khác để phản biện, để đảm bảo tính khách quan, tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất. Rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, lúc đó mới triển khai để xây dựng.

Xin bộ trưởng cho biết quy mô của dự án?

Bây giờ tôi cũng chưa thể nói được quy mô của dự án như thế nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu. Nhưng hướng là sẽ sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, còn đại tu thì chưa làm được.

Tôi đã nghiên cứu cơ sở thiết kế tàu ngầm và cả nhà máy đóng tàu ngầm, tiếp xúc với chuyên gia hàng đầu của viện nghiên cứu của Nga, thì được biết hiện nay các nước khác mua tàu ngầm của Nga đều phải quay trở lại nhà máy sản xuất để đại tu. Như thế mới đảm bảo tàu hoạt động từ 25 – 28 năm cả vòng đời của con tàu, chứ còn chúng ta chỉ có thể sửa chữa nhỏ và vừa các tàu này.

Tàu nước ngoài muốn vào cảng phải cần thủ tục gì, thưa bộ trưởng?

Đây là khu vực chủ quyền của chúng ta. Việt Nam là chủ đầu tư, là quản lý, làm chủ và nếu chúng ta không cho phép thì tàu nước ngoài không thể ra vào được.

Tôi muốn lưu ý, căn cứ dành cho tàu nổi và tàu ngầm của Việt Nam là riêng, còn khu vực làm dịch vụ kỹ thuật hậu cần là riêng không liên quan gì đến nhau, nên không sợ lẫn lộn. Vì thế nó không ảnh hưởng gì đến vấn đề bí mật quân sự của Việt Nam.

Đồng thời nó cũng không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật.

Các nước đều có thể vào cảng nhưng với điều kiện phải xin phép Việt Nam và làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam.

Việt Nam có cho các nước có tranh chấp chủ quyền vào cảng không?

Căn cứ này sửa chữa cả tàu ngầm, tàu mặt nước, tàu quân sự, tàu dân sự. Nhưng tàu sân bay là kỹ thuật đặc biệt, chúng ta chưa có khả năng làm được, tuy nhiên không loại trừ việc tiếp dầu.

Những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, chúng ta có thể xem xét vẫn cho tàu vào. Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng.

Hiện Việt Nam vẫn cho phép tàu hải quân nước ngoài vào thăm cảng của chúng ta theo con đường ngoại giao, ví dụ như các nước ASEAN,Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp, Úc, New Zealand…thì hàng năm vẫn có tàu quân sự vào thăm.

Vì sao lại ưu tiên đối tác Nga, thưa ông?

Vũ khí trang bị của Việt Nam chủ yếu của Liên Xô trước đây viện trợ. Hiện chúng ta vẫn đang quản lý, bảo quản, giữ tốt dùng bền, theo hướng an toàn, đảm bảo tiết kiệm. Những vũ khí mà chúng ta đang đã và sẽ mua cũng chủ yếu là của Nga, vì đây là đối tác chiến lược, về mặt chính trị là tin cậy, về công nghệ thì cũng là một trong những công nghệ hiện đại. Chúng ta đã sử dụng và đã được kiểm chứng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Mặt khác, công nghệ của Nga hiện đại, giá cả hợp lý, so với các nước phương Tây rẻ hơn. Chúng ta cũng quen sử dụng và khai thác có hiệu quả. Do đó chúng ta phải thuê chuyên gia của Nga làm tư vấn, vận hành ban đầu nhà máy thiết bị công nghệ của Nga.

Việc này có được bàn trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Medvedev không?

Hai bên có hợp tác về kỹ thuật quân sự, trong đó có đào tạo nhân sự, mua sắm thiết bị, làm các dịch vụ hậu mãi như bảo hành và sửa chữa. Nga cung cấp vật tư phụ tùng cho các thiết bị chúng ta mua để đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả nhất.

Các cường quốc quan tâm đến cảng Cam Ranh thế nào, thưa bộ trưởng?

Như tôi đã nói, đây là chủ quyền của chúng ta. Các bạn bè, đối tác tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, quyền quyết định là do Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là vấn đề bình thường vì các nước ở khu vực đã xây dựng và khai thác cảng như thế rất nhiều rồi. Trong đó có cả Trung Quốc, họ làm căn cứ dịch vụ hậu cần cho tàu bè của các nước, kể cả tàu của Mỹ, cho phép ra vào làm dịch vụ này.

Hiện nay chúng ta chưa có dịch vụ dành riêng, nhưng một số nhà máy sửa chữa tàu biển dân sự của chúng ta đã cho phép tàu hải quân của Mỹ vào làm dịch vụ sửa chữa. Các nước trong khu vực không có phản ứng gì vì đây là vấn đề chủ quyền của mỗi nước.

Cảng Cam Ranh có hấp dẫn các nước không, thưa bộ trưởng?

Theo bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Cam Ranh hấp dẫn với các nước, vì nó là cảng nước sâu, kín gió Ảnh: TTXVN

Tất nhiên Cam Ranh là hấp dẫn với các nước, vì nó là cảng nước sâu, kín gió. Vì thế nên có tàu đang hoạt động trên đường hàng hải trên quốc tế mà không may gặp gió bão thì người ta vào để tránh bão. Hoặc họ có thể vào để tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, sửa chữa nhỏ và vừa mà chúng ta làm.

Điều này giúp các tàu nước ngoài tiết kiệm hơn nhiều so với trở về các căn cứ xa hơn, hoặc là sau những chuyến đi biển dài ngày họ cũng cần phải cho thủy thủ nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, cảng Cam Ranh cũng gần đường hàng hải quốc tế. Chúng ta coi đây là dịch vụ có thể thu lợi được.

Đã có nước nào đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam?

Hiện nay chúng ta đang xây dựng nên chưa có nước nào đặt vấn đề, nhưng tôi thấy có nhiều nước tỏ ý quan tâm đến vấn đề này, trong đó có Nga. Nga đã chính thức đặt vấn đề với Việt Nam, ASEAN thì ở gần nên có thể có mức độ, còn các cường quốc khác thì chưa đặt vấn đề này với Việt Nam.

Dự kiến bao giờ hoàn thành cảng này, thưa bộ trưởng?

Chúng ta phải phấn đấu, nếu nhanh cũng mất 3 năm. Bây giờ mới đang ở giai đoạn lập dự án, sau đó Nhà nước phải thẩm định, cái gì phát huy được thì làm, không làm được thì phải thuê, mua của nước ngoài.

Ông đánh giá về khả năng hiệu quả của dự án này thế nào?

Hiện tôi chưa thể nói trước được hiệu quả và có thể thu lợi bao nhiêu.

Nhưng theo kinh nghiệm thì việc làm dịch vụ chắc chắn tốt. Tôi đã tới các nước ASEAN, có nước như Singapore, thu lợi dịch vụ nhiều vì tàu của họ cũng ít. Các căn cứ như vậy thu lợi, giảm tốn kém ngân sách của nhà nước. Các nước đều làm như vậy, không riêng gì Việt Nam.

Vấn đề nhân lực như thế nào thưa ông?

Chúng tôi đang có kế hoạch gửi thủy thủ đoàn, kỹ sư, kỹ thuật viên sửa chữa các loại tàu đi đào tạo ở nước ngoài, hiện chúng ta đã đàm phán, ký kết hợp đồng về việc này.

Khi có nhiều tàu của các cường quốc vào cảng liệu có gây lo ngại cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam?

Tôi nghĩ đây đề bình thường vì Việt Nam đang quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới, tăng cường giao lưu, muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách rộng mở của chúng ta.

Đây là chủ quyền của Việt Nam, các nước họ làm thì ta cũng làm, đó là bình thường và không gây lo ngại gì cả. Hiện nay các nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam cũng chưa có ý kiến gì, không có bình luận gì về vấn đề này, các nước vẫn nói đó là chủ quyền của Việt Nam.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *