Gia đình chị Kim Chi có 3 thành viên. Chồng chị bỏ cách đây 7 năm để lại cho chị hai đứa con nhỏ nheo nhóc. Cách đây 2 năm, chị Chi phát hiện mình có khối u trong ngực trái. Sau khi vay mượn tiền của bà con lối xóm lên bệnh viện Ung bướu TPHCM khám thì được các bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh u vú trái, phải tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, chưa được chữa trị đến nơi đến chốn thì khối u đã di căn qua phần ngực bên phải và vùng nách khiến chị thường xuyên bị đau nhức không làm gì nổi.
Video clip chương trình Trái tim nhân ái – Kỳ 209: Chị Trương Thị Kim Chi
Băng qua một quãng đường khá xa, chúng tôi mới tìm được nhà chị Kim Chi nơi đồng sâu hoang vắng. Ngôi nhà sàn nhỏ đã không còn đủ sức đứng vững như chính sự sống của người phụ nữ nơi đây đang héo mòn vì bệnh tật.
2 năm mang lấy khối u ác tính, chị Chi đã phải trải qua những ngày tháng đớn đau khi bệnh tật dày vò. Những khối u quái ác cứ lần lượt di căn khắp cơ thể khiến chị phải thường xuyên đối mặt với những cơn nóng sốt, đau nhức triền miên, nhiều khi không thể làm nổi những việc nhẹ trong nhà. Để rồi, không biết bao lần đi đến bệnh viện lại về vì không tìm đâu ra số tiền 4 triệu vô hóa chất, nước mắt của người mẹ nghèo vẫn lặng lẽ rơi khi sự sống vốn mỏng manh giờ đây chỉ biết níu kéo bằng những viên thuốc ở trạm y tế và tình thương lớn lao dành cho hai đứa con thơ vẫn rất cần một vòng tay ấm…
Bệnh tật khiến cuộc sống gia đình càng rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn, nhưng nỗi đau thể xác và những cơ cực mà chị đã trải qua có thấm vào đâu vết thương lòng cứ ngày đêm nhức nhối. Người đàn ông đến với chị rồi đi để lại đứa con vẫn nói chưa tròn chữ. Manh áo, chén cơm và những chật vật của cuộc sống rày đây mai đó khiến bước đường mưu sinh của ba mẹ con càng thêm trĩu nặng. Để rồi, một ngày bắt đầu với những cơn đau, nhưng chị vẫn cố bươn chải bằng nhiều công việc làm thuê mướn. Thế nhưng, sức khỏe yếu đau, công việc cứ thưa dần, chị phải trông nhờ vào những tàu lá chuối bữa có bữa không mà bà con thương tình cho cắt hay đôi tay phải ngâm hàng giờ dưới làn nước lạnh mà công việc làm bong bóng cá nhiều mùi hôi khó chịu, không mấy thích hợp với những người mang lấy bệnh ngặt nghèo như chị…
Nơi dòng sông nhỏ, đã một lần chị chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của đứa con ruột thịt thì giờ đây, cũng chính nơi bến vắng này, ngày ngày chị cùng cháu Thanh -đứa con trai mới 9 tuổi đầu đi xách từng xô nước về giữa biết bao nguy hiểm. Nhìn cái dáng lom khom khó nhọc của chị, nhìn bước chân liêu xiêu của cháu Thanh mới thấm thía hết cảnh một gia đình không có người đàn ông trụ cột giữa cơn thắt ngặt của bệnh tật khó nghèo…
Nghe những lời tâm sự của chị Chi mới thấm thía hết nỗi day dứt cứ đè nặng cõi lòng người mẹ khi nhìn các con lớn lên chịu nhiều thua thiệt. Đồng sâu heo hút, tuổi thơ của Duy Thanh và Thanh Trúc đâu có những bộ quần áo mới tươm tất như các bạn bè đồng trang lứa mà chỉ có những trò chơi bình dị và cả những khát khao tưởng chừng như giản đơn nhưng khó thành hiện thực: chờ mẹ bớt đau để được đưa đến trường trong mỗi sáng tinh sương đến lớp…
Còn đó những nỗi đau, còn đó những nhọc nhằn mà ba mẹ con phải niếm trải… Thế nhưng, tận cùng của khốn khó vẫn còn nhịp sống yêu thương mà chị Chi luôn nâng niu, gìn giữ. Chút sức lực hao mòn, hết mùa lúa, bà con quanh xóm lại thấy chị còm cõi đi mót từng cọng lúa nơi đồng sâu heo hút. Bữa nào khỏe, chị tìm được năm, bảy ký đỡ lo phần gạo được đôi ngày. Thế nhưng, khi những chiếc máy gặt đập liên hợp xuất hiện nhiều hơn trên những cánh đồng thì bước chân mỏi mòn của người mẹ nghèo càng trĩu nặng hơn khi mất đi một nguồn sống. Để rồi, mỗi khi công việc phải tạm ngừng vì cơn đau kéo đến, chị trăn trở nhiều hơn cho những ước mơ xanh bao giờ thành hiện thực?
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Chị Trương Thị Kim Chi, ấp Tân Hiệp, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang 2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo |
Kim Thơ