Kí ức với anh Hồng là những tháng ngày băng đồng lội ruộng hay miệt mài trên những cánh rừng bạt ngàn vào mùa thu hoạch với nghề đốn tràm thuê – cái nghề mà phần đông những bà con nghèo nơi mảnh đất Long An một đời gắn bó. Thế nhưng, những khoảnh khắc hạnh phúc đó chỉ còn trong tâm thức khi giờ đây căn bệnh xuất huyết não, u não đang dần bào mòn sức lực của người đàn ông một thời là trụ cột gia đình.
Gần 1 năm đối diện với bệnh tật, anh may mắn thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh sau ca phẫu thuật dài tại bệnh viện Chợ Rẫy với chi phí lần đầu lên đến 100 triệu đồng – số tiền mà cả nhà phải tất tả chạy vạy ngược xuôi mới có đủ điều trị. Mọi cố gắng chỉ níu kéo được chút hơi thở khó nhọc nơi anh bởi suốt tháng năm qua, di chứng của căn bệnh quái ác khiến anh bị liệt nửa người và chỉ nói được đôi ba tiếng giữa xiết bao đau đớn. Để rồi, giữa lúc cảnh nhà nhiều túng quẫn, khóe mắt của người đàn ông này thấy xốn xang hơn khi nhìn vợ con chịu nhiều vất vả…
Cuộc sống không đất, không nhà, chị Nhan – vợ anh Hồng – từng gắn bó với nhiều công việc làm thuê nặng nhọc mong mang đến cho 2 con một tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, từ ngày chồng ngã bệnh, mọi gánh nặng đổ dồn lên thân cò mình chị sớm hôm. Thuốc thang, cơm áo, học hành… trăm mối âu lo đôi khi khiến lòng chị ngổn ngang không biết phải xoay sở thế nào giữa cảnh nhà chật vật. Để rồi, mỗi khi nhìn chồng vật vã với những cơn đau, chị dặn lòng phải gắng sức hơn lo cho chồng và 2 con được ngày yên ổn. Nhưng căn bệnh thoái hóa của chị Nhan ngày càng trở nặng: cánh tay phải mất cảm giác, đốt sống lưng sụp xuống khiến sức khỏe chị sa sút hơn…
Khó khăn, bệnh tật là vậy nhưng chưa một ngày chị chùn lòng. Không thể đi làm xa, mấy tháng nay, chị gắn bó với nghề bán bánh mì nơi làng quê heo hút. Bỏ mặc những cơn đau, chị kiếm được chừng đôi ba chục ngàn cho một ngày dậy sớm thức khuya. Thế nhưng, những ngày mưa – những ngày không bán được, ổ bánh mì ế trở thành bữa cơm chiều cho chị và 2 đứa con thơ. Để rồi, cuộc sống bấp bênh, chị trăn trở nhiều hơn liệu rằng chị có còn đủ sức khỏe gồng gánh gia đình và lo cho anh Hồng được mạnh lành bình yên bên tổ ấm…
Nghèo, anh không sợ. Khó khăn, anh không sờn lòng. Nhưng giờ đây căn bệnh hiểm nghèo lại dày vò anh trong đau đớn khi phải nhìn gia đình oằn mình vì thiếu thốn chật vật. Để rồi, mỗi lần nghe tiếng con non nớt gọi cha, anh cố gắng vượt qua những cơn đau và những ngày dài bó chặt đời mình trên chiếc giường chật chội, tập dần từng bước đi khó nhọc. Nhìn đôi chân cố đạp từng vòng xe hay đôi tay đang cố kéo từng bao cát trên chiếc ròng rọc nhiều nặng nhọc thế mới biết anh đã quyết tâm và gắng gượng như thế nào mong có thể phụ chị những việc nhẹ trong nhà vừa cho 2 con có thêm một bờ vai vững chắc… Thế nhưng, với tình trạng bệnh chuyển biến nhiều hơn và cả một thời gian dài không được tái khám, anh càng trăn trở hơn cho chặng đường dài tương lai phía trước…
Giữa những lo toan, Thùy Linh và Thành Trí như 2 mầm xanh bé nhỏ vươn lên giữa nghịch cảnh. 7, 8 tuổi đầu, hai cháu chưa phụ gì được nhiều cho gia đình nhưng những giây phút ở bên cạnh cha trong cơn đau như thế này càng khiến bức tranh gia đình thêm tròn đầy hạnh phúc. Và có liều thuốc nào hơn khi nghe con thỏ thẻ bên tai mấy lời ngây ngô, non nớt “cha mau khỏe lại nhé để cùng chơi với con. Cha mẹ cùng đưa con đi học. Trường của con nè, đẹp lắm phải không cha…”. Khóe mắt người cha chợt ánh lên niềm vui nhưng trong đó có cả nỗi sợ rằng, liệu mai này mơ ước ấy thành hiện thực không khi bệnh tật, khó nghèo vẫn ngày đêm đeo bám…
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ 1/ Anh Trần Văn Hồng, ấp Bắc Đông, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An 2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo |
Kim Thơ