Thời gian qua, báo chí, điện ảnh trong và ngoài nước có sự quan tâm đặc biệt đối với nỗi đau không gì bù đắp nổi của gia đình ông Đỗ Đức Địu, người đàn ông trở về từ cuộc kháng chiến chống Mĩ có 15 người con nhưng 12 người trong số đó đã qua đời vì di chứng chất độc da cam.

Video clip chương trình Trái tim nhân ái – Kỳ 347: Ông Đỗ Đức Địu

Trước sự thương tâm của hoàn cảnh cũng như sự lan tỏa về nghị lực của người cha này đã thôi thúc TTNA vượt đoạn đường hơn 1200 km để tìm đến và sẻ chia câu chuyện của gia đình. Đây cũng chính là hoàn cảnh đầu tiên đánh dấu sự mở rộng của chương trình từ khu vực Tây Nam Bộ ra các tỉnh miền Trung.

Gần hai mươi năm đã trôi qua, cứ mỗi tháng vài lần, đôi chân trĩu nặng của người đàn ông này lại lặng lẽ bước lên đồi cát, nơi yên nghỉ của 12 người con của ông để quét dọn, lo hương khói .

Mỗi đứa con ra đời là mỗi lần hi vọng hi vọng được nhen nhóm sau những khổ đau vì mất con, 15 lần sinh con là 12 lần ông khóc thầm lặng lẽ. Để rồi, dù mấy mươi năm đã trôi qua, thời gian có làm phai màu mái tóc, nhưng nỗi đau đó dường như chưa thể nguôi ngoai trên gương mặt khắc khổ in nhiều nếp nhăn của người đàn ông này.

Điều còn lại khiến ông cảm thấy được an ủi nhất là 3 người con hiện tại. Thế nhưng, di chứng da cam cứ đeo đẳng gia đình như nỗi ám ảnh, không chỉ lấy đi lấy đi biết bao nước mắt mà còn vắt cạn sức lực của những người làm cha, làm mẹ như ông Địu, bà Nức trong những lần ôm con đi tìm sự sống ở khắp các bệnh viện.

Thấy các con được sống với ông bà đã là niềm hạnh phúc, hạnh phúc được kết tinh từ những hi sinh thầm lặng, từ một tình yêu thương vô bờ bến của người làm cha làm mẹ, từ ý chí kiên cường của những con người bước ra từ khói lửa chiến tranh ác liệt. Thế nhưng, đâu đó nơi nếp nhà này vẫn còn đó những âu lo, các con sẽ ra sao khi sức khỏe ông bà đang dần yếu đi vì tuổi tác?

Những lời kể về Hằng có một sức lôi cuốn mạnh mẽ khiến chương trình Trái tim nhân ái một lần nữa vượt đoạn đường hơn 500 cây số để đến với làng Hữu Nghị Việt Nam, thành phố Hà Nội, nơi mà Hằng đang được chăm sóc và nuôi dưỡng.

Hiện tại Hằng đang học lớp làm hoa giả do Làng đào tạo để sau này có thể tự nuôi sống bản thân. Đôi tay khéo léo, tỉ mỉ với công việc, vậy mà Hằng vẫn có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào khi lên cơn động kinh. 16 năm qua của Hằng là nỗi ám ảnh triền miên với những lần rong ruổi khắp các bệnh viện lớn nhỏ từ Quảng Bình đến Hà Nội để nuôi một hi vọng duy nhất là được sống.

Nhưng để có được sức khỏe như vậy là cả quá trình chiến đấu kiên cường với bệnh tật của Hằng và có cả tình yêu thương vô bờ bến của cả những người làm cha, làm mẹ.

Tình yêu đó không chỉ cho Hằng niềm tin để vượt qua sự bủa vây của những cơn đau bệnh tật, mà còn cho Hằng sự lạc quan và vươn tới những khát khao tuổi trẻ như bao người khỏe mạnh khác.

Tranh thủ những giờ phút khỏe mạnh hiếm hoi, Hằng đi hát để kiếm thêm tiền. Mỗi ca từ, mỗi giai điệu như nói thay cho tâm tư sâu kín mà Hằng muốn gửi đến đấng sinh thành, những người đã dành gần trọn một đời để hi sinh tất cả cho con được sống.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Ông Đỗ Đức Địu, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

    Điện thoại: 0168.788.1256

2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *