Xuôi dòng kênh nhỏ, mất hơn 20 phút đi vỏ lãi từ xã Xuân Hòa chúng tôi mới tìm đến được ấp Hoà Thành – nơi anh Tiện đang cư ngụ. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nên cuộc đời của anh Tiện cũng gắn với nghề làm than đầy vất vả nơi đây. Mỗi ngày trôi qua, đôi tay và gương mặt luôn lắm lem vì bụi than, mà thu nhập từ công việc bốc vác chẳng được là bao, nên chúng tôi càng thấm thía cái cực nhọc của đời lao động nghèo trong tay không tấc đất.
Vất vả cả ngày, anh Tiện trở về ngôi nhà diện tích ngót nghét chưa đầy 20 m2 được chắp vá bằng mớ cây gỗ cũ mục, cùng lớp lá tả tơi, riệu rã. Thế nhưng dưới mái lá đã chẳng còn đủ lành lặn này vẫn luôn nồng hơi ấm của đôi vợ chồng nghèo của anh và vợ. Chị Cao Thị Diệu – vợ anh Tiện – từ lúc cưới nhau tới nay vẫn cố làm thuê làm mướn quanh nhà, gằn chắc chiu số tiền công ít ỏi để nuôi dưỡng hai đứa con là Ngọc Nhi và Danh Sủng được ăn học.
Cuộc sống gia đình những tưởng êm đềm vì đồng vợ đồng chồng cố tâm làm lụng, nào ngờ cảnh tình rơi vào thắt ngặt kể từ khi anh Tiện biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Khối u đa ổ ở gan, và nhiều hạch nơi vùng bụng, có dấu hiệu di căn tuyến thượng thận và xương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của anh.
5 tháng phát bệnh, bao lần mệt mỏi, đớn đau, có khi cơ thể sưng phù sinh tử, mà anh Tiện đành phải nén chịu cho qua bởi chẳng có tiền điều trị bệnh.
Đời người lao động nghèo không tấc đất trong tay, chỉ biết bán sức mình đổi lấy chén cơm cho gia đình, đến khi lâm bệnh cũng chẳng còn khoản dành dụm nào để có thể chạy chữa, đành nhìn vợ con vì mình mà chịu khổ cực. Đó cũng chính là những trăn trở đến nhói lòng của anh Tiện kể từ khi biết mình mắc căn bệnh u gan nghiệt ngã.
Chồng ngã bệnh, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của gánh mưu sinh đều dồn hết lên vai chị Diệu. Phải vất vả nhiều hơn gấp đôi ba lần, phải gánh luôn cả trách nhiệm của một người chồng, miệt mài sớm tối với đủ việc làm thuê, nhưng nguồn thu nhập cũng chẳng được là bao so với những khó khăn quá lớn của gia đình.
Cha lâm trọng bệnh, mẹ vất vả trăm bề, 2 đứa trẻ tuổi còn quá nhỏ cũng sớm phải lam lũ. Mỗi buổi trưa hè sau khi đến lớp, Danh Sủng ra vườn hái rau bắt ốc. Còn con gái lớn Ngọc Nhi thiệt thòi hơn, phải nghỉ học từ năm lớp 6, đi làm đắp bùn thuê quanh xóm trong khi bản thân mình đang mang căn bệnh hạ canxi máu.
PB Ngọc Nhi: "Con xin nghỉ học để phụ mẹ lo cho cha chứ một mình sức mẹ thì không làm nỗi, tại mẹ con bệnh nữa. Làm công việc này cũng mệt lắm, có khi con mệt con chóng mặt con đi lạng lạng luôn mà con không dám nói mẹ biết. Tại mẹ mà biết con mệt là mẹ không cho con làm, mẹ bắt con nghỉ để mình mẹ làm hà."
Mang trong mình căn bệnh tiểu đường tuyp 2 đã hơn hai năm, mỗi lần trầm mình lâu với nước là tay chân chị Diệu lại tê cứng, nhưng chị vẫn cố gắng chịu đựng. Bởi hơn ai hết chị hiểu rằng những vất vả hiện tại của mình vẫn chưa là gì so với cơn đau mà chồng đêm ngày gánh chịu.
Gia đình có 4 thành viên nhưng đã có đến 3 người sức khỏe không được mạnh lành. Điều duy nhất cũng là nguồn sức mạnh để họ từng ngày đối diện với bao khó khăn chính là tình thương trọn vẹn mà các thành viên dành cho nhau. Chúng tôi tin rằng, tình thương vẫn luôn ươm mầm từ những hy sinh lặng thầm này chính là nền tảng cho những khát khao mãnh liệt về những tháng ngày bình yên rồi sẽ trở về bên tổ ấm.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Anh Trần Văn Tiện – ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. ĐT: 0365142417 2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long. |
Ngọc Anh Thư