Từng là người trụ cột gánh vác gia đình, từng ấp ủ ước mơ đổi đời trên mảnh đất Bình Dương nhiều hứa hẹn, vậy mà gần một năm nay, cuộc sống của anh Lý Hồng Đây chỉ còn là những tháng ngày mòn mỏi, đớn đau từ sau vụ tai nạn điện trong lúc phụ hồ khiến anh không còn khả năng tri giác.

Video clip chương trình Trái tim nhân ái – Kỳ 296: Anh Lý Hồng Đây

Trở về quê nhà ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, mọi sinh hoạt của anh Đây, giờ chỉ phụ thuộc vào người mẹ già và đứa em trai. Còn vợ anh thì tiếp tục bồng chống các con mưu sinh ở xứ người để tự xoay sở cái ăn, cái mặc, chắt chiu lắm mới có thể gởi về vài trăm ngàn cho anh thuốc men. Cuộc sống dưới mái nhà nghèo cũng chật vật, khó khăn không kém, suốt 3 tháng nay, bà Lê Thị Chói chỉ biết ngậm ngùi nhìn con nằm bất động trong tình trạng thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe và y tế. Bà vẫn mong rằng tình yêu thương, sự ân cần của một người mẹ sẽ phần nào xoa dịu những đớn đau không thể cất thành lời của đứa con trai.

Dù mới hơn 30 mươi tuổi nhưng chị Thảnh – vợ anh Đây với gương mặt khắc khổ đã phải trải qua biết bao đớn đau, lận đận của đời người, để rồi đến bây giờ, chị vẫn cứ long đong trên bước đường mưu sinh với đôi bàn tay trắng. Nhưng điều còn lại trong chị là tình thương bao la, là tấm chân tình của một người mẹ, người vợ để cùng chồng con vượt qua bao nhiêu bước trầm luân của cuộc đời. Lặn lội gần hai mươi cây số mỗi ngày với hơn trăm tờ vé số, từng đồng lời kiếm được, chị Thảnh phải tính toán, chắt chiu để xoay sở các khoản tiền trọ hằng tháng, tiền ăn uống hằng ngày của 4 mẹ con và tiền gửi về quê thuốc thang cho chồng. Xấp vé số nhẹ hững nhưng nỗi âu lo, phiền muộn trong chị như cứ chất chồng suốt 1 năm qua.

Sau tai nạn, anh Đây mất hết tri giác, không thể nhận thức được mọi việc xung quanh

Khó khăn của gia đình hiện nay không chỉ là bệnh tình của anh Đây, mà còn là sức khỏe của cháu Lý Thị Nữ, đứa con gái lớn của chị Thảnh, đã phải trải qua lần phẫu thuật khối u não cách đây hơn hai năm. Trước bao khoản chi phí phải trang trải hàng ngày, dù có tiện tặn cách mấy chị Thảnh cũng không thể cho con đi tái khám nên Nữ đành sống chung với những cơn chóng mặt, đau đầu suốt một thời gian dài. Rồi ước mơ đến trường của Nữ cũng dang dở theo những ngày tháng khó khăn của gia đình. Thương mẹ vất vả, 13 tuổi, Nữ thành thạo chuyện cơm nước, chăm sóc em như một người trưởng thành. Nhìn thấy các em hồn nhiên, ngây thơ giữa thiếu thốn, Nữ thấy thương em nhiều hơn và thấy mình phải cố gắng nhiều hơn.

Trở về gian nhà trọ ọp ẹp sau những hối hả, xô bồ của cuộc mưu sinh, có lẽ với chị Thảnh, phút giây bên các con là niềm vui và hạnh phúc nhất của người mẹ. Nhìn các con, chị thấy mình mạnh mẽ hơn và có động lực để cố gắng hơn sau những khó khăn tưởng chừng như rơi vào bế tắc. Không có anh, chị không biết san sẻ cùng ai những buồn vui trong cuộc đời nhiều nước mắt, và con chị vắng đi sự chăm sóc của một người cha khi chưa kịp nói những tiếng ê a đầu đời. Trước chặng đường gập ghềnh mưa gió ngày mai, đôi vai yếu mềm của chị có còn đủ sức để gồng gánh gia đình?

Dang rộng vòng tay để đón con về trong khi cuộc sống bao năm qua của vợ chồng ông Xiêm, bà Chói phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Bước qua tuổi 70, đôi vợ chồng già vẫn chưa có được cho mình một chốn dừng chân thực sự. Căn nhà hiện tại được cất nhờ trên đất người quen, đơn sơ, cũ kĩ, không có vật dụng gì đáng giá, là nơi chứng kiến những thăng trầm của gia đình hơn mười năm qua.

Để rồi, ở cái tuổi lẽ ra đã được an hưởng tuổi già, nhưng ông Xiêm vẫn ngày ngày rong ruổi trên các cánh đồng cùng với đứa cháu nội, để đi bắt từng con ốc về cho đàn vịt ăn. Việc chăn nuôi bao năm qua cũng bấp bênh, lỗ lã, còn vướng nợ nần, nhưng nếu không dựa vào đó thì ông Xiêm cũng không biết phải đặt hy vọng vào đâu để cuộc sống của các thành viên đỡ vất vả hơn, trong khi thu nhập chính trong nhà giờ chỉ trông chờ vào đứa con trai út của ông với những công việc thuê mướn bấp bênh theo mùa vụ.

Còn bà Chói, mang trong mình căn bệnh xuất hyết bao tử bao lâu nay, thường bị tái đi tái lại nhưng bà cũng không được điều trị tới nơi tới chốn. Tuổi đã cao, đôi tay chẳng còn nhanh nhẹn nhưng mọi việc trong ngoài từ nấu nướng đến chăm sóc con bệnh bà đều phải đảm đương, lo toan gánh vác.

Giữa bao gian khó, niềm kỳ vọng của gia đình lúc này là việc học hành của cháu Lý Trường Xuân – đứa con trai của chị Thảnh và anh Đây. Được đưa về quê đi học để chi phí ít tốn kém hơn, nhưng việc học của Xuân gặp không ít khó khăn từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như đường xá đi lại, quyển tập, cây viết. Nhưng tất cả những gì Xuân có được là kết tinh của tình yêu thương, là mồ hôi vất vả của cả gia đình. Hi vọng cháu sẽ hiểu và luôn ghi nhớ điều ấy, để không ngừng cố gắng trên con đường mà gia đình đã trao trọn niềm tin về một ngày khởi sắc ở tương lai.
 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Anh Lý Hồng Đây, ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ

2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *