Tôi theo chồng về xứ biển, lòng vẫn nhớ bến sông quê nhà nằm êm đềm bên bờ sông Hậu. Dòng nước ngọt đã thấm vào da thịt tôi thời thiếu nữ, làm hồng tươi đôi má, sông đưa tâm hồn tôi trôi về bao miền ước mơ thầm kín, nén lại rồi òa vỡ vào những đêm trăng dát vàng lóng lánh mặt sông.

Ngoại tôi cười hở cả hai hàm lợi, có đi rồi khắc biết, con gái miệt ấy đái tóe lửa. Các chị họ con bác tôi, ở cách một hàng giậu thưa kề bên nhà ngoại tôi được dịp cười rũ, cười rung cả đôi gò đảo. Chị Yến, con gái thứ của bác tôi vóc vạc đầy đặn, đuôi mày cuối mắt sắc sảo đẩy đưa, có nụ cười khinh bạc chỉ hơi nhếch mép nhìn tôi tỏ chút lòng thương hại.

*

Tôi trở lại sống với lũ học trò chân đất của mình, sau một tuần về quê. Chỉ một tuần thôi, sao tôi nghe bồn chồn, ray rứt không yên. 

Đầu năm học, từ ngôi trường nơi chợ huyện, tôi đã riu ríu nghe theo chồng chuyển công tác ra nơi đầu sóng ngọn gió này. Chưa hết một học kỳ, chồng tôi đã không còn mặn mà với nghề gõ đầu trẻ. Anh đánh bạn cùng cánh vạn chài, lân la theo đoàn thuyền đánh cá, rồi nhảy phóc xuống tàu ra khơi. Anh đã từ bỏ giấc mơ thời hai đứa còn ngồi chung trong mái trường sư phạm, được thấy trẻ em nghèo khó lam lũ quê mình tất cả đều được đến trường. Ước mơ nhỏ nhoi mà cao đẹp đó đã đưa tôi đến cùng anh, đã nuôi dưỡng tình yêu của tôi, dẫn tôi đi đến nơi cuối đất cùng trời này. Thế mà…

Mất người đồng hành, hụt hẫng, tôi sống trong chuỗi ngày thắc thỏm đợi chờ. Nhẩm tính từng ngày. Tôi thương ngày mồng 9, mồng 10 ngày tàu cập bến. Tôi héo hắt mỏi mòn theo ngày 19, ngày ánh trăng thôi rạng rỡ, tàu nhổ neo tách bến xa bờ làm chuyến ra khơi kế tiếp. Cứ thế, mỗi con trăng tôi sống gần chồng không quá mười hôm. Nhưng mười hôm trên bờ, mười hôm tôi nâng niu, anh có dành cho tôi được bao nhiêu! Anh nhập vào nhóm đờn ca tài tử. Nâng phím đàn, anh rót ngọt đôi câu vọng cổ, điệu đàng nhả khúc Nam Xuân, Nam Ai…Đến bài Tứ đại oán, Văn Thiên Tường rồi Bình sa lạc nhạn, tiếng đàn ngọt lịm của anh như oán như than, dân miệt biển mê mẩn tâm hồn, lim dim con mắt tưởng có con chim nhạn đang bay vừa sà xuống đất. 

Anh không còn của riêng tôi nữa. Anh là nguời của những hàng quán mọc lên dày đặc ở đầu cửa biển này. Mùi nước hoa trên áo anh, vết son đỏ trên má anh cứ chẻ khúc giấc ngủ nhiều mộng mị của tôi. Tôi gầy guộc teo tóp, thở dài nhìn ngày tháng qua đi. Tôi không còn biết chia sẻ cùng ai. Ước gì tôi còn mẹ, còn được ở gần ngoại.

 *

Chị Yến, người con gái của xứ cù lao trái ngọt cây lành, bỗng có mặt trong căn nhà lặng lẽ của tôi như một định mệnh, như cơn bão thắt lòng.

Tôi không tin có ngày chị Yến lại tìm đến xứ này. Giai thoại ngoại tôi kể còn treo lơ lửng như một nỗi ám ảnh. Tôi không sao quên được trận cười ngặt nghẽo, cười rung lớp vải thưa che bầu vú căng mọng của các chị con nhà bác tôi đêm ấy. Nhớ nhất vẫn là nụ cười của chị Yến.

Đưa mắt hững hờ nhìn gian nhà trước trống lạnh, gợi nhớ điều gì, chị liếng thoắng: “Chị đang chờ ông ấy mua nhà cho chị ở Sài Gòn…”. Mắt tôi nhìn chị có ngấn nước. Mắt chị nhìn tôi ánh lên vẻ tự hào. Tôi biết thời xuân sắc của chị chưa qua, nét mặn mòi vẫn còn làm cho bao kẻ đắm đò. 

Phút thăng hoa rồi cũng qua đi. Như chợt nhớ lại cảnh đời eo xèo của tôi, để chữa thẹn, chị bỗng nhỏ giọng: “chờ đợi, đợi chờ… quanh quẩn hoài tù túng, chị thử một lần xuống em, trước là biết nơi em ở, sau là muốn thấy xứ này có gì hấp dẫn mà em không thể dứt ra, một năm về quê chỉ có đôi ngày đã thấp thỏm ra vào mong ngóng không yên”.

Ngày tôi không đến lớp, hai chị em đi loanh quanh, đi từ đầu ra đến cuối bãi. Nhà cửa xóm làng vắng tanh, không một bóng đàn ông. Đám trẻ con mình trần trùi trụi, mặt mày lem luốc, tóc tai vàng cháy đang chí chóe gọi nhau ngoài bãi. Ngay ngạch cửa, hai phụ nữ tằn mằn ngồi bắt chí cho nhau. Trên chiếc chiếu hoa ngả màu rách bươm, cánh phụ nữ đang túm tụm xòe những lá bài vàng ố. Tôi nói đây là xóm không chồng. Chị Yến vặn lại, “xóm khôngchồng?!”. Ở xứ cù lao yên bình, chị chỉ loáng thoáng nghe đến cơn bão số 5 tàn phá xóm biển, nhấn chìm bao nhiêu con người dưới lòng biển sâu… Tôi không trách chị.

Chúng tôi chầm chậm đi dọc dài trên bãi. Bỗng chị bước chậm rồi dừng hẳn lại nắm lấy tay tôi, mắt môi ướt rượt. Chị chậm rãi: “Sao tự dưng… chị thấy lòng thanh thản khi về đến chốn này!” Mắt chị sáng lên. Tôi đọc trong đó có điều gì rất thầm kín. Tôi chưa hiểu và cũng chưa kịp hiểu. Hằng ngày tôi đến lớp như người thầy cần mẫn. Có chị, tôi có người bầu bạn, bộc bạch hết những dự định tốt đẹp của mình cho lũ học trò khốn khó. Chồng tôi mãi như cái bóng. Gần chị tôi như được chia sớt nỗi buồn. Đã bao đêm tôi nằm lắng nghe chị tâm sự về tháng ngày hương lửa mặn nồng bên người chồng cũ, người một thời được chị hết lời ca tụng. Anh cũng hơn một lần xuống tận cửa biển này tìm chị để rồi lặng lẽ quay về. Anh không chịu được sự ghẻ lạnh.

*

Nắng. Cái nắng vàng bệch không chút gió. Xa xa, những con tàu câu mực neo đậu như những nét chấm phá. Bốn bề vắng ngăn ngắt. Đang nắn nót dòng chữ cuối cùng của bài tập viết, tôi nghe rõ bước chân gấp gáp đang ghìm lại trước cửa lớp. Một đôi mắt đỏ quạch. Một tiếng kêu nghẹn ứ dồn nén:

 – Cô ơi, Thầy…ở…kia…kìa.

Viên phấn trên tay tôi nhẹ hẫng. Tôi chạy bổ nhào theo bước chân đứa học trò cũ đến báo tin. Không kịp gởi lớp. Không kịp dặn dò học sinh. Tôi chạy loằng ngoằng dọc triền đê mấp mô, đầu tóc rối tung, tim vỗ loạn nhịp, bên tai vẳng lại tiếng lớp học như bầy ong vỡ tổ. Ngã xuống lại tức tưởi đứng lên, bàn chân tóe máu. Lô xô đám đông, mọi người tự giãn ra nhường khoảng trống rợn người cho tôi. Chồng tôi nằm đó, trên chiếc băng ca, cái mền cháo lòng đắp ngang ngực, dải băng trắng quấn quanh đầu thấm đỏ máu tươi. Tôi quỵ xuống căng mắt nhìn anh. Nghiệp như ngủ mê. Ngủ mê từ tiền kiếp. Tôi khản giọng gọi tên anh. Tôi áp má xuống lồng ngực anh, khuôn ngực đầy đặn, căng tràn nhựa sống… 

Thoang thoảng bên tai tiếng ai thút thít. Tôi vụt ngẩng lên. Chị Yến đang ôm mặt, gục xuống, toàn thân run rẩy. Nước mắt đầm đìa, chị đưa mắt khe khẽ nhìn tôi rồi bỗng rít lên: “em ơi!”.

 Tiếng kêu đứt ruột không một âm vang.

 Không gượng nổi, chị quỵ xuống, áp mặt xuống má Nghiệp, hai tay run lẩy bẩy sờ sẫm khuôn mặt đã trắng bệch của người đã chết. Chị vò đầu, bứt tóc, chị gọi tên chồng tôi đến mỏi mòn, gọi như người vợ hiền tắm mẳn đau xé khóc chồng! Chỉ trong phút chốc, một cuộc đổi vai tròn trịa đến không ngờ. Đám đông xì xào bán tín bán nghi. Tôi sững sờ. Tôi hoảng loạn nhìn chị, tự nhích ra… nhích ra… nặng nề đứng lên. Tôi con chim rét mướt muộn phiền lại trúng đạn. Tôi cứ thụt dần, thụt sâu về phía sau. Tiếng kêu gào khóc kể của chị như ma ám cứ đuổi theo tôi… 

*

Khi tiếng đàn nhịp phách lơi lả nói cười còn đang vẫy gọi, màu son tươi chưa nhạt nhòa trên áo anh, tai bay vạ gió bỗng đổ xuống gia đình tôi. Nghiệp không có tên trong danh sách thủy thủ đi tàu chuyến này. Khi cột khói đã cuộn tròn bốc cao, tàu vừa nhổ neo rời bến, bước đi nghiêng ngả chếch choáng hơi men, anh đã làm một màn nghệ thuật xiếc tài tình. Anh lao xuống như tên bay và nằm gọn ở boong tàu. Anh ngủ một giấc ngon lành giữa làn gió biển khơi xa. Nửa khuya, khi đoàn tàu kéo mẻ lưới đầu tiên anh bỗng tỉnh giấc bước đi loạng choạng. Anh đi vớt trăng trên biển. Biển trời yên ắng, tiếng rơi tũm khác gì cơn chấn động…Mọi người hoảng hốt nhớ tới anh. Nhanh như cắt, những cái bóng phóng xuống mặt biển còn đang sủi tăm. Đưa được lên tàu, người anh đã mềm nhũn, chân tay quặt quẹo. Bộ điện đàm với đất liền làm việc liên tục. Chiếc ô- bo của bộ đội biên phòng túc trực ngay cửa biển, chạy xé nước cưỡi sóng đưa anh về đất liền…Anh thở những hơi cuối cùng khi tàu vừa đến trạm xá đầu tiên.   

Ảnh minh họa

 

Có ai phân biệt chồng chết do bão dữ hay do sự cố trên biển. Tôi chính thức nhập vào đội ngũ xóm không chồng ở cửa biển. Thiếu anh, nhà cửa càng thêm trống vắng. Trước đây, vẫn vậy, nhưng tôi cảm nhận anh vẫn là chủ gia đình, anh vẫn còn đó và quanh quẩn đâu đây. Nhưng nay…

Ngày ma chay buồn bã kéo dài. Tôi trở lại trường với những chú chim non bé nhỏ của mình, lòng như bớt đi nỗi quạnh quẽ. Tôi đâu biết, khi tôi vừa bước đi chị Yến cũng lặng lẽ lên tàu về quê. Từ phút giây chị khóc ngần ngật bên xác chồng tôi, tôi tránh nhìn vào mắt chị. Mắt chị còn giữ lửa. Đốm lửa của hạnh phúc. 

*

“…Chị muôn vàn tạ lỗi cùng em! 

Chị không ngờ chị em mình lại rơi vào tình huống thế này, có miệng mà nói chẳng nên lời. Đường đời chị đã nếm trải hết rồi, yêu thương chất ngất đủ rồi…Nhưng…chỉ một khúc quanh, một phút giây ngắn ngủi chị mới thật sự sống cho mình. Em ơi, chị nếm hết vị ngọt ngon của tình yêu … em để rớt rơi! 

Cũng vì cơn cớ này chị đã chạy trốn em. Em vô tư quá. Em thánh thiện quá. Biết bao lần chị đã dập xóa để bức thư này tới tay em. 

Mấy lần xuống thăm em, chị nhớ rõ, luôn trúng nhằm lúc Nghiệp còn lênh đênh trên biển. Một lần… Chị đang tắm táp…Tấm cao su che chắn cửa nhà tắm gió đánh đòng đưa. Chị cẩn thận túm góc buộc lại mấy lần. Dòng nước mát rũ sạch bụi đường xa. Từng gáo nước chảy tràn qua mái tóc, rớt trên ngực chị. Chị đưa tay ve vuốt. Nước tràn xuống- tràn xuống- từng dòng nước chảy lệch qua khe. Chị reo vui đón nhận tin lành. Chị sung sướng ngửa ra. Bỗng tấm cao su tốc lên. Chị hoảng hốt đứng chết trân. Trước mặt chị là Nghiệp. Mắt Nghiệp đờ đẫn. Sao chị không kêu lên? Em ơi, em hiểu cho chị, chị không còn kịp lấy tay…cõi vô thường dằng dặc đó, nói gì quơ vội cái áo cái quần…

 Chị gặp…chồng em buổi đầu trong tư thế và tâm thế như vậy. Từ đấy Nghiệp luôn tránh mặt chị.

 … 

Như ma đưa lối quỷ dẫn đường, chị lại lần xuống. Cửa nhà em vẫn mở toang trống vắng. Vừa đặt túi xách trên bàn, cái bàn chông chênh nơi hằng đêm em chong đèn soạn từng trang giáo án, thao thức đợi chờ bước chân của Nghiệp. Trong phòng, Nghiệp đang lè nhè réo gọi tên em. Em vẫn chưa về. Nghe gọi mãi, không chịu được, chị đánh bạo bước vào, sẽ sàng đưa ly nước cho Nghiệp. Nghiệp quáng quàng bật dậy tu một hơi rồi lại vật xuống ngủ vùi. Chị bước trở ra rồi lại ngập ngừng trở vào. Len lén nhìn thân hình cường tráng của Nghiệp. Chị nhắm mắt không dám nghĩ nữa… 

Nghiệp lại gọi tên em. Hình như có làn sóng. Em ơi, chị thực sự đứng bên bờ vực. Không thể cưỡng lại, chị ghé xuống… lịm đi trong cơn khát…

Chỉ một lần và một lần duy nhất là hạnh phúc cả đời… 

Giọt máu này là của Nghiệp và từ buổi đó chị chỉ biết có Nghiệp. Chị tránh mặt cái con người hãnh tiến, già nhân ngãi non vợ chồng bên chợ huyện quê mình, từ bỏ luôn cuộc sống cao sang mà người ta đã sắp sẵn cho chị ở thành phố xa lơ xa lắc nào đó.

 Giờ em biết hết rồi, em phân xử thế nào là tùy em. Em định đoạt hết. Nếu em cho phép, nhân ngày giỗ đầu năm này của Nghiệp, chị bồng cháu xuống để cha con nó “gặp” nhau. Bao đêm chị đã nghĩ kỹ rồi, quê quán của cháu là ở dưới đó, cái xứ nước mặn, nơi mẹ của nó đã bén chút duyên thừa.

 Chị giờ này không nhà không cửa. Anh Henri đã bán căn nhà từ đường do tổ tiên để lại. Di tích của dòng họ rồi cũng không còn. Thôi em ơi, cũng đành vậy thôi. Mang tiếng ở chung làm gì mà che chắn tường thành bít rịt, nhìn nhau như người xa lạ. Còn khoảng đất trống sau nhà, “má” sau của chị, người đã có lòng cho chị bú mớm từ thưở mới lọt lòng, kêu chị về cất nhà ở gần bà cho có mẹ có con. Nhìn dáng bà liêu xiêu chị cũng muốn chiều cho bà vui lòng, nhưng còn con của chị, còn giọt máu của anh Nghiệp…”

*

 Gió hoang hoải ràn rạt chì chiết rít qua cửa lớp… 

Đang đọc bài chính tả cho học trò viết, tiết học bỗng bị cắt giữa chừng. Tôi đang tiếp “người khách lạ” lần đầu tìm đến xứ này. Cầm bì thư được niêm phong cẩn thận, tôi không thể tin vào mắt mình. Thư chị Yến gởi cho tôi hơn mười năm, nay tôi mới được đọc. Thư đã vàng ố, nhiều nếp gấp, chữ bị dập xóa. Tôi bồi hồi, bối rối, vừa xem thư vừa nhìn chừng thằng bé. Từ sóng mũi, cái miệng cười đến ánh nhìn như phiên bản của Nghiệp. Không sao lầm lẫn được. Trong phút chốc, tôi muốn ôm chầm lấy nó và gọi thật to lên:

 – Con ơi!

Truyện ngắn của Lê Minh Hiền – Văn nghệ Sông Cửu long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *