Bên bờ hạnh phúc

Vì sao tình trạng dùng tiếng Việt lộn xộn, tuỳ tiện, bừa bãi hiện nay không hề thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng đáng sợ? Do nhà trường, do sách giáo khoa? Do Nhà nước? Do xã hội? Hay do chính chúng ta?

Minh họa: Hồng Nguyên

 

Chính việc những người có trách nhiệm quản lý, điều hành chưa có chính sách cụ thể bảo vệ chuẩn mực tiếng Việt là nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng tiếng Việt tuỳ tiện, lộn xộn này.

Nói và viết là hai chuyện khác nhau

Trẻ em được sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ nào thì tự chúng nói thành thạo ngôn ngữ đó. Nhưng viết lại là chuyện khác. Không học thì không biết viết. Người biết ít nhất một ngoại ngữ thường viết chuẩn hơn những người không biết ngoại ngữ. Con người tư duy qua ngôn ngữ. Học được một ngoại ngữ là biết thêm được cấu trúc của một ngôn ngữ, biết thêm một công cụ thể hiện tư duy. Những người tư duy tốt thường viết chính xác. Học sinh giỏi khoa học tự nhiên thường viết chuẩn mực hơn.

Thời trước học sinh viết đúng hơn. Thế hệ trước, nói chung viết tốt hơn. Mà thời trước nào có nhiều sách tham khảo về tiếng Việt như hiện nay. Trong công trình Từ điển về từ điển (1999), PGS Vũ Quang Hào cho chúng ta biết tới lúc ấy ở Việt Nam đã có 18 từ điển chính tả, 7 từ điển ngữ pháp, 23 từ điển thành ngữ, 10 từ điển tục ngữ, 8 từ điển đồng nghĩa, 6 từ điển trái nghĩa, 7 từ điển giáo khoa, 10 từ điển học sinh, 220 từ điển thuật ngữ, 48 từ điển tiếng Việt.

Vậy thì, vì sao hiện nay xã hội viết sai hơn thời trước và sai quá nhiều? Chắc chắn sách giáo khoa dở không phải là nguyên nhân duy nhất.

Viết sai nhìn từ phía Nhà nước và công luận

Kinh nghiệm nước ngoài: Người nước ngoài, nhất là Pháp, Anh, Mỹ… rất sợ viết, nói những câu sai. Thời nay, vì có băng ghi âm nên không còn chuyện “khẩu thiệt vô bằng”. Họ lo một lời thất thố, một câu viết sai có thể bị đem ra nhạo báng cả chục năm sau. Sợ viết sai nên người Pháp thường xuyên dùng từ điển khi viết lách. Quan chức càng cao càng thận trọng trong ngôn từ. Thôi thì viết có sách, có từ điển. Bên cạnh việc dùng dư luận xã hội, người ta còn dùng hình thức chế tài với những người nói sai. Theo một bộ luật mới đang được bộ Thông tin truyền thông Nga soạn thảo, “các quan chức và chính trị gia Nga sẽ bị phạt nếu phát âm sai các từ hoặc sử dụng ngôn từ thô lỗ trong các bài trả lời phỏng vấn”. Có điều, luật này khó thực hiện vì “chưa có từ điển nào được dùng làm chuẩn phát âm và khái niệm thế nào là “thô lỗ” cũng chưa được luật pháp quy định” (TT, 2.7.2009).

Chuyện viết đúng sai còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Viết sai thì bị loại: “Nhiều thanh niên Nhật thất nghiệp vì viết sai chính tả” (TT, 19.2.2002).

Kinh nghiệm Việt Nam thời xưa: từ xưa xã hội Việt Nam đã không đồng tình với lối dùng tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi. Những người viết sai thường bị chê cười, phê phán. Trong Phụ san Văn Nghệ số 5.1993, Nguyễn Đức Bính kể lại chuyện sau: Hồi đó báo chí bị kiểm soát rất gắt gao, khó lòng nói được những gì muốn nói. Nhân có một “cụ nghè” viết một bài công kích cộng sản, Ngô Tất Tố xem bài ấy, lấy làm giận lắm, bèn tìm cách sửa người ấy một mẻ. Sau khi tìm được một vài câu văn bất thông trong bài đó, Ngô tiên sinh liền viết một bài chỉ ra những chỗ văn dốt trong bài này rồi buộc tội “cụ nghè” âm mưu phá hoại quốc văn và bôi nhọ đạo Khổng. Ông ví “cụ nghè” như thầy đề trong truyện tiếu lâm sau: Viên tri huyện cử thầy đề đi tịch ký nhà một người bị án. Thầy đề, theo luật lệ, lập biên bản ghi tất cả những tài sản của nhà này. Còn lại một cái váy nâu đàn bà, thầy đề nghĩ mãi không biết ghi bằng chữ gì. Cuối cùng thầy nảy ra một ý: cái váy nâu ở địa phương này người ta gọi là cái “xống nâu”. Thầy đoán rằng tại người ta đọc chệch chứ thật sự phải là cái “sống lâu”. Thầy đề bèn hạ bút đặt tên cho chiếc váy nâu là “thọ nhất bức”. Ngô Tất Tố kết luận rằng học lực của cụ nghè cũng xấp xỉ học lực của thầy đề. Bài công kích cộng sản của “cụ nghè” làm sao có giá trị được nữa!

Thời nay: Từng có người định dùng chế tài để hạn chế nạn dùng sai tiếng Việt. Theo tin từ TT, 28.12.2004, giám đốc Điện lực Đà Nẵng Lê Thanh Minh đã mạnh dạn ra quyết định phạt công chức trong ngành viết sai tiếng Việt. Không rõ quyết định này có được thực thi không. Nếu ở đâu cũng có vài ba giám đốc như vậy, hoặc lý tưởng hơn nữa nếu người đứng đầu tỉnh với nhận thức xả ngôn từ bậy bạ, làm hỏng tiếng Việt cũng là một hành vi chống lại cộng đồng, dám ra quyết định xử phạt những ai “xả rác” ngôn từ ra xã hội thì nạn viết sai tiếng Việt chắc chắn giảm đi nhiều.

Không đưa tiêu chí “có khả năng dùng chuẩn mực tiếng Việt” vào việc thi tuyển công chức, đề bạt cán bộ nên viết sai không chút trọng lượng gì trên con đường quan chức. Kết quả là lời kêu gọi giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày nào chỉ dừng lại ở lời kêu gọi. Nhà nước cần có những chính sách thích đáng, cụ thể để hạn chế những người dùng không chuẩn mực tiếng Việt trong cơ quan công quyền. Hãy đưa việc viết đúng tiếng Việt thành tiêu chí tối thiểu trong việc xét tuyển công chức và đề bạt cán bộ.

GS.TS Nguyễn Đức Dân – Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *