Tuần qua, biên giới Thái Lan – Campuchia đã im tiếng súng sau các cuộc xung đột giữa hai nước do tranh chấp chủ quyền đối với 4,6 km2 đất xung quanh ngôi đền Preah Vihear. Theo các nhà phân tích, để có ngừng bắn lâu dài sẽ còn nhiều việc phải làm nhưng bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN nhóm họp tại Indonesia về vấn đề ngừng bắn tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia

 

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong phiên họp hồi tuần trước đã đồng ý để Indonesia, nước đương kim Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, đóng vai trò trung gian trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan. Và ngày 23/2, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN nhóm họp tại Indonesia đã đưa đến kết quả mà cả Thái Lan và Campuchia đều đồng ý.

Theo đó, Indonesia sẽ cử phái đoàn các nhà quan sát tới khu vực biên giới hai nước để giám sát lệnh ngừng bắn. Bằng giải pháp này, ASEAN đang truyền tín hiệu đến với thế giới rằng, khối này hoàn toàn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình mà không cần phải nhờ tới bên ngoài.

Với các kinh nghiệm từ những phái bộ quan sát tại Đông Timor và tỉnh Aceh của Indonesia, các nước ASEAN tin tưởng, Indonesia có thể hoàn thành sứ mệnh quan trọng này. Tờ Jakarta Post cho biết, với vai trò quan sát viên, Indonesia – bằng trách nhiệm của mình – sẽ khuyến khích và đảm bảo các nước trong khu vực tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn thành viên của ASEAN, trong đó nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Có thể thấy, việc ASEAN chủ động giải quyết tranh chấp tại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia đã tạo tiền đề mới trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN phải hoàn chỉnh 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.

Cộng đồng An ninh – Chính trị APSC được xem là yếu tố quan trọng nhất. Theo đó, ASEAN đang nỗ lực trở thành cộng đồng các nước sống chung hòa bình với nhau và với các nước trên thế giới trong một môi trường hòa hợp, dân chủ và công bằng.

Việc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đồng ý để ASEAN cử phái đoàn giám sát lệnh ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan cũng khẳng định uy tín và năng lực của khối trong việc giải quyết bất đồng của khu vực, khẳng định sự tin tưởng của cơ quan quyền lực nhất hành tinh vào ASEAN. Quyết định này cũng khẳng định sức mạnh của nguyên tắc đồng thuận của ASEAN.

Việc giải quyết xung đột biên giới Campuchia – Thái Lan vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với ASEAN. Nếu thành công trong việc đảm bảo Thái Lan và Campuchia ngừng bắn vĩnh viễn thì ASEAN sẽ càng góp phần củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

Giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng luôn là xu thế tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay. Chỉ có thương lượng mới có thể tránh đổ máu, tránh được nhiều hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Những gì đã và đang xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy, bạo loạn và xung đột không bao giờ là giải pháp tốt.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *