Mùa lụt đi qua, nước ở ao, hồ, ruộng bắt đầu cạn dần. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để người dân quê bắt được những chú lươn đồng béo nục cải thiện bữa ăn.

Lươn sống ở sình lầy hoặc nơi có nhiều bùn, thân trơn tuột, trông không dễ "bắt mắt" đối với người yếu bóng vía. Bù lại, thịt lươn rất quý vì giàu đạm và các nguyên tố vi lượng, giúp bổ khí huyết, làm mạnh gân cốt, chống khí huyết hư nhược…

Những món ăn từ lươn rất giàu đạm.

Bắt lươn có nhiều cách, có thể dùng cần câu. Người ta thường chọn loại tre tươi có độ dẻo và độ bền để làm cần. Cần câu dài khoảng 1 – 1,5 m, vót nhọn, một đầu cắm xuống đất, đầu kia khắc ngấn để buộc dây. Lưỡi câu loại vừa và chắc chắn. Mồi câu là trùn (giun) đất, tép rang hoặc cá bốc mùi ươn. Móc mồi dài trùm một chút lên dây, che khuất hết lưỡi câu, đi dọc bờ kênh hoặc hồ, cách vài mét cắm một cần, đầu cần câu sát mặt nước. Sau vài giờ cắm câu thì dùng đèn pin đi kiểm tra. Cần nào chúi hết phần đầu thì chắc chắn là có lươn dính mồi. Một tay cầm cần, tay kia dò theo dây câu tiến đến, nắm đầu mà kéo lên. Cần câu nào uốn éo qua lại thì có lẽ mấy chú cá bị dính mồi.

Nếu là một tay bắt lươn chuyên nghiệp thì chỉ cần thò tay vào hang một thoáng sẽ bắt được những con béo nục. Bắt lươn bằng tay nhanh hơn nhưng hơi nguy hiểm vì không may sẽ gặp phải rắn. Ngoài ra, người ta còn dùng trúm để bắt lươn. Chọn ống tre dài cỡ 1 m, đục thủng các lóng cho thông nhau, để lại lóng cuối, gắn cái hom (nan tre) nơi đầu ống, không quên bỏ vào đó một ít tép rang hoặc cá ươn. Men theo những thửa ruộng, con mương, đem trúm đã gắn hom đặt ngay cửa miệng hang để "dụ” những con lươn hám mồi.

Người dân quê câu lươn cải thiện bữa ăn.

Mỗi nơi mỗi kiểu, lươn được chế biến thành chục món ăn: chiên giòn, nướng sả ớt, nướng ống tre, hấp, rang muối, um, lẩu… Muốn có món lươn ngon thì trước hết phải biết cách chọn lươn để chế biến. Lươn nhỏ thì không bổ, lớn quá thì thịt không ngọt, lươn có màu vàng dưới bụng là ngon nhất. Không nên dùng nước sôi mà dùng tro bếp để tuốt nhớt của chúng, cách này giúp làm lươn sạch mà thịt lươn không bị cứng. Tùy từng món mà rút xương lươn hay không, nhưng nhất thiết phải lấy đường chỉ máu của lươn để không còn mùi tanh. Có lẽ quen thuộc và dễ chế biến nhất là món lươn xào sả ớt, thịt lươn băm và cháo lươn.

Lươn làm sạch nhớt, sạch ruột, cắt khúc rồi ướp cùng với sả, ớt, bột cà ri, sau đó cho lên chảo xào, thêm một ít hành tây, tiêu… là có một món ăn với cơm thật đậm đà. Với món lươn băm, thịt phải băm nhuyễn, ướp gia vị, sả rồi xào chín, cho vào đĩa, rắc thêm nhiều rau húng, lạc rang… Món này ăn với bánh tráng, vị bùi của bánh tráng, vị mằn mặn beo béo của lươn xào, thử một miếng mới hiểu tại sao dân nhậu sành điệu "ưa" món này.

Riêng cháo lươn, trước tiên phải luộc lươn vừa phải, để nguội, sau đó gỡ tách thịt lươn khỏi phần xương, dùng dao dằn nhẹ sống lưng lươn cho thẳng ra, giúp thao tác rút xương được dễ dàng hơn. Giã nhỏ xương lươn, lọc lấy nước cốt; thịt ướp gia vị cho thấm, khử qua dầu rồi đổ vào nồi um. Đổ hỗn hợp nước cốt xương và thịt vào nồi cháo đậu đen đã chín nhuyễn, vài phút sau trộn đều, rải một ít tiêu. Như vậy, bạn đã có một nồi cháo thơm, nghi ngút khói. Cháo lươn ăn kèm với rau chuối cây thái mỏng, một ít rau ngò, húng mới đúng điệu.

Bây giờ, bước chân ra chợ là có thể mua được lươn, song đó chỉ là loại lươn nuôi theo kiểu công nghiệp, ăn không ngon. Lươn đồng ngon không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hoang dã mà còn chứa trong đó sự kỳ công của quá trình săn bắt, chế biến.

Theo dulich

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *