Bên bờ hạnh phúc

Ớt đem lại vị cay – một trong năm vị chính của ẩm thực, cái vị vừa cay vừa nóng như xé lưỡi ấy đã “mê hoặc” nhiều người, đến nỗi bữa cơm nào không có ớt là không ngon miệng.

 

Ớt phong phú từ hình dạng (tròn, dài, ngắn, cong, thẳng, góc cạnh), sắc màu (đỏ, vàng, cam, xanh) đến mùi vị (cay, rất cay và không cay chút nào). Ớt có mặt ở khắp nơi trên thế giới, mỗi vùng miền lại có một loại ớt đặc trưng. Với người Việt, ớt lại càng không thể thiếu trong mỗi bữa cơm. Tuy nhiên, cách ăn ớt ở mỗi miền cũng không giống nhau, người Bắc thường ít ăn cay và ớt chỉ để thêm thắt vào món ăn cho đủ vị, người Nam thích ăn ớt với nhiều kiểu chế biến như tương ớt, sa tế, trong khi người Trung là “vua” ăn cay, ớt phải giằm dày đặc trong chén nước mắm, thậm chí có người còn cắn ớt nhai rau ráu như cơm.

Ớt ăn tươi trực tiếp, cắt lát hoặc băm nhuyễn để làm gia vị trong các món nước chấm như nước tương, nước mắm tỏi ớt, mắm sống… được dùng làm gia vị cay trong nhiều món ăn như canh chua, cá kho, thịt kho, mắm chưng… trộn với sả để ướp và chế biến các món chiên, xào, nướng như cá chiên sả ớt, gà vịt xào sả ớt, bò nướng sả ớt…

Ngoài để ăn tươi, ớt còn được dùng làm muối ớt, giã nhuyễn ớt với muối, trộn đều rồi đem rang khô, chấm với các món luộc như gà luộc, thịt heo luộc, cái vị mằn mặn cay cay ăn đến hết cơm vẫn còn thèm. Hay đơn giản chấm muối ớt với trái cây tươi, nhất là những loại trái chua như thơm, xoài, cóc, me… vừa nghe đã ứa nước bọt. Vắt thêm chút chanh vào muối ớt, là có loại “nước chấm” hấp dẫn để dùng với các món cá nướng, chân gà nướng, ốc nướng, cà ri. Muối ớt còn được làm gia vị ướp cho các món hải sản và thịt nướng.

Để bảo quản lâu, người ta thường phơi khô ớt rồi xay thành bột để dùng dần. Ớt bột không còn mùi vị cay nồng như ớt tươi nhưng vẫn được ưa chuộng. Trong các món xào hải sản, cho thêm ớt bột vừa khử được mùi tanh, vừa giúp món ăn thêm sắc màu. Tôm rim hay cá kho cho chút ớt bột vào ăn cũng ngon hơn. Ớt bột còn được trộn trong các gia vị nấu cà ri, nấu bò kho hay làm sa tế. Món ớt sa tế do người Hoa du nhập vào nước ta và dần dần được “cải biên” cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Thành phần chính của sa tế là ớt bột, sả và dầu ăn, ngoài ra còn có thêm tỏi xay, tôm khô, hành tím xay, đường, mắm, muối và màu điều tùy theo khẩu vị và sự sáng tạo của đầu bếp, vì vậy sa tế mỗi nhà đều có một mùi thơm riêng. Ngoài việc dùng sa tế để nêm vào thức ăn đã nấu chín như bún bò, hủ tíu, mì, cháo và cho vào nước tương để chấm những món lẩu, sa tế còn được dùng để ướp nhiều loại thực phẩm như mực, tôm. Đặc biệt sa tế sẽ làm mất mùi những thực phẩm vốn có mùi “đặc biệt” như dê, lòng ruột heo gà.

Cũng như sa tế, thành phần tương ớt không giống nhau, nguyên liệu chính gồm có ớt, đường, muối. Tương ớt cà chua còn có thêm cà chua và giấm, đôi khi người ta còn thêm tỏi xay và rượu vào để cho ra hương vị khác biệt. Ớt để làm tương ớt phải được hấp hoặc luộc chín rồi tách bỏ hạt trước khi chế biến. Tương ớt thường dùng để chấm những món ăn chơi, món khai vị, nướng hoặc chiên như mực khô nướng, cá viên chiên, chả giò hay phở bò, hủ tíu nam vang. Ngày nay, tương ớt được sản xuất đại trà nên người nội trợ có nhiều lựa chọn và không phải tốn nhiều thời gian để pha chế. Tuy ớt kích thích ăn ngon miệng nhưng nếu dùng nhiều quá sẽ không có lợi cho sức khỏe.

Theo Mai Thảo ( Phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *