Bên bờ hạnh phúc

Từ mấy chục năm trước, qua phà Cần Thơ đã nghe danh cháo lòng Cái Tắc. Cái Tắc là thị tứ thuộc xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (cũ). Tỉnh Hậu Giang tách đôi để thành lập tỉnh Cần Thơ. Nhưng ở giữa lòng thành phố Cần Thơ hiện nay đã có không ít quán lớn quán nhỏ mượn danh Cái Tắc để trương bảng hiệu, tiếp tục kinh doanh món cháo lòng.

Món ăn của xóm nghèo làm nghề giết mổ ở thị tứ Cái Tắc trở thành đệ nhứt cháo lòng mà ai đó về Cần Thơ cũng muốn có dịp ăn cho biết. Nhưng đó là chuyện của một thời. Mấy năm gần đây, thực khách có thêm cơ hội lựa chọn mỗi khi nhớ tới cháo lòng. Có cả những “tín đồ” cháo lòng Cái Tắc nay cũng ưng ý với cháo lòng nấu theo trường phái Nghệ An.

Tại Cần Thơ chưa có nhiều hơn hai quán ăn bán món cháo lòng Nghệ An. Chị Trần Thị Đào, chủ quán cháo lòng xứ Nghệ, giải thích về tấm bảng hiệu to tướng chiếm hết cả bề ngang mặt tiền: phải ghi rõ như vậy là bởi vì cháo ở đây được nấu đúng theo gu ăn cháo lòng của dân Nghệ An. Mình ghi rõ ràng thì ít nhất cũng mời gọi được một nhóm khách gốc Bắc, Bắc Trung bộ xa quê đi làm ăn trong vùng này.

Nhìn bằng mắt thì tô cháo ở quán cháo lòng xứ Nghệ không khác gì so với cháo Cái Tắc. Nhưng nó độc đáo ở chỗ người đầu bếp biết nương theo từng khẩu vị để chinh phục khách hàng. Tuấn, một lần ghé ăn thử rồi trở thành khách ruột, mê cháo ở quán này vì theo anh, ở đây tô cháo nóng mới múc ra không hề có nêm đường, bột ngọt, tiêu… mà chỉ làm đẹp bề mặt bằng hành lá và ngò gai xắt nhỏ. Chất nêm đầy đủ kề bên, khách tự nêm để ăn là vừa miệng nhất. Rồi dĩa lòng với gan, bao tử, phèo… giòn rụm, dồi huyết mềm mại, dai dai. Rau tươi với những tía tô, húng quế, ngò om… là nét khác biệt rõ rệt nhất mà cháo Cái Tắc không hề có. Chị Đào cam kết với khách, đảm bảo không sử dụng bất cứ loại hoá chất nào để làm sạch lòng. Chị nói, cháo lòng ở Nghệ An được nêm trực tiếp trong nồi khi nấu, còn cháo lòng xứ Nghệ khi đến với Cần Thơ này dù vẫn giữ lại những đặc điểm riêng của cháo Nghệ như lòng phải giòn, có rau thơm ăn kèm, không nêm đường… thì cũng phải có chỗ để khẩu vị miền Nam ngồi chung nữa chứ! Theo chị, thói quen nấu ăn ở vùng này là đầu bếp xài quá nhiều đường, vị ngọt khiến người không quen rất khó ăn. Gu miền ngoài thì nhiều bột ngọt, rất khó thuyết phục khách miền Nam. Chính vì vậy, các loại phụ gia: đường, bột ngọt, tiêu, ớt… nên để khách tự nêm nếm theo khẩu vị riêng là tốt hơn cả. Khách có thể gọi cháo múc tô nếu ăn một mình (10.000đ/tô); khi cả gia đình đi ăn hoặc có bạn bè nhâm nhi có thể gọi cháo phần (20.000đ/phần) rồi múc ra từng chén để thưởng thức từ từ. Với cách ăn này, chỉ một lần đến quán ăn cháo, nếu cần khách có thể tự tay nêm nếm theo gu từng miền.

Thực khách Cần Thơ chỉ mới bắt đầu biết đến quán cháo lòng xứ Nghệ này năm 2002. Lúc đó, khách của quán đa phần là dân phía Bắc xa xứ, là đồng hương… với ông bà chủ quán. Dần dần, những thực khách nói rặt giọng miền Nam cũng tìm đến quán chỉ vì thích được tự nêm nếm tô cháo của mình. Chị Đào nói vui, bây giờ dù trên bảng ghi cháo lòng xứ Nghệ nhưng lý ra phải ghi là cháo lòng ba miền. Có lẽ chị Đào nói đúng, vì tới nay thực khách của cả ba miền đều tìm đến với quán. Trước kia quán cháo lòng xứ Nghệ mở cửa đón khách suốt tuần, không giới hạn giờ giấc. Nhưng thức khuya riết lại không có ngày nghỉ nên chủ quán cuối cùng phải mạnh dạn xin lỗi khách hàng để treo ngay giữa quán một thời gian biểu, lịch bán có giờ giấc và nghỉ chiều chủ nhật mỗi tuần.

Theo sgtt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *