Ngày 21/3, hàng ngàn học sinh các trường THPT ở khu vực ĐBSCL đổ về Trường ĐH Cần Thơ để tham dự “Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2010” do Bộ GD- ĐT phối hợp với các ban ngành khác tổ chức.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm xe khách chở hàng ngàn học sinh của hơn 60 trường THPT đến từ 13 tỉnh ĐBSCL bắt đầu đổ về Trường ĐH Cần Thơ. Trong khi đó, bên trong khuôn viên trường đã có khoảng 80 gian tư vấn được dựng lên sẵn sàng phục vụ những thắc mắc của các em học sinh.

Đông đảo học sinh các trường THPT đến tham gia tư vấn tuyển sinh năm 2010 tại Trường ĐH Cần Thơ.

Theo ghi nhận của PV, có 3 khu vực tư vấn dành cho 3 nhóm ngành: nhóm Khoa học- kỹ thuật- công nghệ, Y dược, Nông lâm; nhóm Kinh tế – Tài chính và nhóm Khoa học – xã hội – nhân văn, luật, Công an – Quân đội…

Trong đó, khu vực nhóm ngành Kinh tế – Tài chính là “hút” học sinh của ĐBSCL hơn cả. Tại khu vực này có hàng ngàn thí sinh tham gia với sự tư vấn của đại diện các trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Cần Thơ và ĐH Tài chính – Marketing. Theo đó, hầu hết các thí sinh đều hỏi những vấn đề liên quan đến ngành Ngân hàng và Tài chính bởi có nhiều em cho rằng ngành này môi trường làm việc nhẹ nhàng và nhiều tiền.

Theo Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing (Bộ Tài chính) tư vấn cho các thí sinh biết thì ngành này mặc dù thường làm việc trong các ngân hàng, văn phòng có máy lạnh, tiện nghi và lúc nào cũng “thấy tiền bạc” nhưng không phải “dễ ăn”. Bởi cường độ làm việc ở ngân hàng là rất áp lực và nếu có sơ suất nhỏ thì nguy cơ bị phạt hay thậm chí đuổi việc là rất cao.

Ngoài ngành Ngân hàng và Tài chính thì một số ngành như Marketing, Kế toán, Ngoại thương cũng được các học sinh quan tâm lựa chọn.

Trong khi đó, đối với nhóm ngành Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ, Y dược, Nông lâm thì hầu hết các thí sinh chỉ quan tâm nhiều đến ngành Bác sĩ, Điện tử, xây dựng… Còn đối với nhóm ngành Khoa học – Xã hội – Nhân văn, Luật, Quân đội – Công an thì 2 ngành được học sinh chú ý đến là Luật và Du lịch.

Thạc sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận định rằng các học sinh ở ĐBSCL quan tâm nhiều đến học chuyên ngành 2. Theo Thạc sĩ Hoàng thì đây là điều tốt, tuy nhiên các học sinh cần cân nhắc cho thật kỹ với năng lực của mình trước khi quyết định để tránh những thiệt thòi, tốn kém và thậm chí là lãng phí.

Tại buổi tư vấn, PGS.TS. Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đánh giá, việc tổ chức được ngày tư vấn tuyển sinh quy mô cho các học sinh ĐBSCL là điều rất cần thiết bởi sẽ giúp các em trang bị được những hiểu biết về các vấn đề quy chế tuyển sinh, ngành học, nghề nghiệp của mình trước khi bước vào sự lựa chọn mang tính quyết định là làm hồ sơ dự thi.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *