Bên bờ hạnh phúc

Trong khi những sĩ tử khác có ba mẹ đưa đi thi, Trần Thanh Phong (quê An Giang) một mình khăn gói lên Sài Gòn thi ĐH. Không chỉ đi một mình, số tiền trang trải cho chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày ôn luyện cũng do Phong tự tích lũy lấy.

Nhìn cậu sĩ tử có dáng cao gầy chững chạc, nói chuyện cởi mở, ít ai biết được em đã tự lập từ năm 16 tuổi. Ở lứa tuổi đó, bạn bè Phong hồn nhiên tới trường trong khi Phong phải lo từng bữa ăn, từng khoản tiền để đóng tiền học. Phong chia sẻ: “Ai rồi cũng phải tự đi trên đôi chân của mình, em chỉ tự lập sớm hơn so với các bạn. Tự lập sớm, em hiểu biết hơn, tự tin hơn, gặp khó khăn em dễ ứng biến hơn”.

Với ý nghĩ “Ai rồi cũng phải tự đi trên đôi chân của mình”, Trần Thanh Phong xin ba mẹ được ra ngoài sống tự lập từ năm 16 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình nề nếp, Phong luôn cố gắng hết sức trong học tập để ba mẹ vui lòng. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn. Trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10, em không đậu vào trường chuyên của tỉnh. Mọi ước mong của ba mẹ sụp đổ, Phong cảm thấy có lỗi với ba mẹ vô cùng. Nhưng em quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình và cũng để chứng minh cho ba mẹ thấy trường chuyên không phải là tất cả.

Nói là làm, Phong xin ba mẹ được ra ngoài sống tự lập. Thương con vô cùng nhưng thấy Phong kiên quyết, ba mẹ em phải đồng ý. Em xin vào ở trong tu viện Nguồn Sống, nơi dành cho trẻ em lang thang. Phong được các xơ cho ở miễn phí. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, Phong đi tìm việc làm thêm.

Phong làm tất cả mọi việc chẳng ngại khó khăn “miễn sao có tiền”. 3h sáng, Phong thức dậy, đi lấy báo về giao bán cho các cửa hàng. Tới 5h sáng em mới xong việc để về nhà chuẩn bị sách vở tới trường. Thời gian từ 6h sáng tới 5h chiều là thời gian Phong dành để đi học. Đây là thời gian rảnh rỗi duy nhất mà em có được sau một ngày tất bật ngược xuôi.

Tan trường, bạn bè được về nhà nghỉ ngơi thì Phong lại phải vội vã chạy tới quán café phụ bưng bê đồ uống. Mệt rã rời nhưng tới 10h đêm Phong mới được nghỉ. Về tới nhà, em lăn ra ngủ sau một ngày vất vả vì “sáng mai còn phải dậy sớm đi giao báo”. Làm cật lực như thế nhưng mỗi ngày em cũng chỉ kiếm được 45 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi đó Phong phải thật tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống.

Không có tiền đi học thêm, thời gian rảnh để học bài cũng không có nhưng Phong luôn cố gắng hết sức đạt kết quả học tốt. Em tận dụng mọi thời gian học trên lớp để vừa học bài vừa ôn bài luôn. Phong nhất quyết không xin tiền của ba mẹ. “Đã tự lập thì phải sống tốt bằng chính sức lực của mình. Vì thương ba mẹ nên em càng cố gắng, khổ nữa em cũng chịu được”.

Thời gian đầu công việc vất vả mà không đủ sống, nhiều lúc Phong nản chí muốn từ bỏ tất cả. Những lúc nhớ gia đình, em không ngăn nổi nước mắt. Nhưng nghĩ đến ba mẹ, Phong cố gắng vượt lên. Tới bây giờ khi ngồi nói chuyện về gia đình, Phong vẫn rơm rớm nước mắt. Tình thương ba mẹ chính là nghị lực giúp Phong vượt qua khó khăn.

Làm việc cật lực, Phong tiết kiệm được 2 triệu để lên Sài Gòn thi ĐH. Phong được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ cho ở nhà trọ miễn phí. Nhờ đó em tiết kiệm được một khoản tiền để lo chi phí ăn ở. Số tiền còn lại sau khi thi ĐH xong không nhiều, Phong vừa ôn thi vừa lo tìm việc làm để có thể trụ lại đất Sài Gòn. “Ngay sau khi thi ĐH xong, em sẽ đi tìm việc làm. Việc gì cũng được, em không ngại khổ” – Phong quả quyết.

Phong đăng kí thi vào khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Ước mơ của Phong là trở thành một nhà xã hội học. Trước mắt, được bước chân vào giảng đường ĐH là mục đích mà Phong đang cố gắng thực hiện để có thể về nhà gặp lại ba mẹ.

Nhìn vẻ chững chạc của cậu học sinh cao gầy, khuôn mặt rất sáng, chúng tôi chúc cho ước mơ và những nỗ lực của em sẽ thành hiện thực.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *