Thống kê cũng cho thấy, khối A vẫn chiếm lượng hồ sơ lớn nhất với 743.607 hồ sơ (53,9%); khối B: 272.608 hồ sơ (19,8%); khối D: 209.102 hồ sơ (15,2%); khối C: 105.151 hồ sơ (7,6%). Các khối còn lại chiếm 3,5%. Hệ CĐ có 61% hồ sơ khối A; 13,3% khối B; 13,9% khối D; 8,4% khối C; còn lại là các khối khác.
Thông qua số lượng hồ sơ ĐKDT nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định sẽ có một cuộc tranh đua quyết liệt khối A, B và D. Sự giảm nhiệt có thể sẽ diễn ra ở khối C. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh hay giảm nhiệt sẽ chỉ tập trung vào một số ngành trọng điểm.
Khối A, D: Ngành nào có tính cạnh tranh?
Trong các mùa tuyển sinh trở lại đây, khối A vẫn là sự yêu thích của nhiều bạn thí sinh bởi một lẽ các ngành có tuyển sinh khối này khá đa dạng. Điều này càng được thể hiện rõ khi mà ở mùa tuyển sinh năm nay không chỉ riêng đối với các ngành kinh tế, kỹ thuật mà ngay cả một số ngành xã hội cũng mở rộng sang tuyển sinh khối A.
Qua nhiều mùa tuyển sinh cho thấy với việc chỉ tiêu khá rộng mở như vậy nên sự phân hóa khối A được thể hiện khá rõ nét ở sự cạnh tranh “khốc liệt” chủ yếu tập trung ở một số trường “top trên” hoặc một số ngành “hot”.
Theo nhận định của các chuyên gia thì ở mùa tuyển sinh năm nay quy luật của khối A sẽ không khác gì so với các năm trước. Các trường lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Dược… sẽ vẫn hút được các thí sinh có chất lượng tốt dự thi nên chắc mức điểm chuẩn sẽ tương đối ổn định.
Trong khi đó do số lượng thí sinh ĐKDT ngành nghề được xã hội đánh giá là “hot” trong thời điểm hiện tại như ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán tương đối lớn nên điểm chuẩn các ngành này có khả năng sẽ tạo sự đột biến lớn.
Tuy nhiên do số lượng các trường mở các ngành “hot” tương đối nhiều nên chắc chắn sự đột biến tập trung nhiều ở các trường “top giữa” như ĐH Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Tôn Đức Thắng… Đối với các trường “top dưới” đặc biệt là các trường ngoài công lập thì sự cạnh tranh sẽ yếu đi thấy rõ.
Các chuyên gia cũng nhận định, với xu hướng nhiều trường mở rộng tuyển sinh cả hai khối A, D đối với một số ngành “hot” thì việc khối D biến động theo khối A là điều khó tránh khỏi.
Thực tế các năm qua cho thấy, đối với các trường top trên mà tuyển sinh cả hai khối đối với một số ngành “hot” thì điểm chuẩn khối D (chủ yếu là khối D1) thường rơi vào khoảng từ 20-25 (không nhân hệ số môn ngoại ngữ). Bên cạnh đó các trường top dưới cũng có điểm chuẩn khối D biến động trong phạm tương đối rộng (từ 14-18).
Khối B: ngành Y sẽ đột biến
Theo đánh giá của giới chuyên môn thì việc các trường Y năm nay được nhiều thí sinh dự thi khối B đăng ký là điều không có gì khó hiểu. Đây là chính là hiệu ứng tất yếu khi mà ở kì thi năm 2009 điểm chuẩn của các trường này giảm đi một cách đột biến.
Việc điểm chuẩn giảm đã làm cho nhiều thí sinh đánh giá mức độ vào khối các trường Y “dễ hơn” nên năm nay quyết định đầu đơn vào. Xu hướng này thể hiện rõ nét nhất ở trường ĐH Y Hà Nội khi mà số lượng hồ sơ ĐKDT tăng 50% so với năm 2009. Tuy nhiên, sự đầu đơn vào khối các trường Y tăng lại đồng nghĩa làm giảm “sức nặng” đối với các trường khác có tuyển sinh khối B.
Các chuyên gia nhận định với xu hướng như vậy thì chắc chắn điểm chuẩn khối B đối với nhóm các trường Y năm 2010 sẽ có sự đột biến mạnh so với năm 2009. Tuy nhiên sự tập trung này sẽ kéo theo điểm chuẩn một số ngành tuyển sinh khối B khác như công nghệ sinh học, Hóa học, Nông lâm… giảm nhiệt đi đáng kể.
Khối C: Liệu có giảm nhiệt?
Với việc thí sinh đăng ký dự thi ở khối C ở mức khiêm tốn nên sẽ làm tính cạnh tranh ở khối thi này nhẹ nhàng đi đáng kể.
Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia thì với việc một số trường có truyền thống đào tạo khối C cũng cắt một phần chỉ tiêu để tuyển sinh khối A như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ làm cho tính cạnh tranh một số ngành nghề không giảm mà vẫn có tính ổn định hoặc tăng nhẹ.