Trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều tầng lớp nhân dân, văn học dân gian chiếm một vị trí khá quan trọng. Quan trọng, bởi nó không chỉ đóng vai trò là cơ sở, là nền tảng để phát triển nền văn học hiện đại, mà qua sự sàng lọc của nhiều năm tháng, tự bản thân nó còn trở thành một loại hình nghệ thuật độc lập và độc đáo, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật vốn rất đa dạng và phong phú của con người.

Ở Vĩnh Long, văn học dân gian bao gồm ba bộ phận, đó là ca dao, dân ca, giai thoại và chuyện dân gian, trong đó, ca dao là bộ phận ra đời đầu tiên và gần như cùng lúc với dân ca.

Vào khoảng đầu thế kỷ XVI, lưu dân Đàng ngoài tiến hành chinh phục đất phương Nam. Trong công cuộc khai hoang lập ấp, ca dao đã ra đời, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống của người dân. Nó chính là những tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người trên vùng đất mới. Một mặt, nó phản ánh chân thực mọi bình diện của cuộc sống; mặt khác, nó là những tác phẩm thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ và tài hoa của nhân dân lao động. Từ ca dao, dân ca ra đời, sau đó tiến dần đến các loại hình nghệ thuật khác rất đặc trưng và rất độc đáo của người phương Nam như ca ra bộ, đờn ca tài tử, cải lương…

Ca dao được thể hiện dưới hai hình thức là thơ lục bát lục bát biến thể. Là sáng tác dân gian, ngôn ngữ trong ca dao thông thường rất giản dị, trong sáng, gần gũi với cuộc sống đời thường, được nhân dân lao động  ưa thích. Mặt khác, là thể thơ, ngôn ngữ trong ca dao đồng thời cũng rất ngắn gọn, súc tích và giàu tính biểu cảm. Thuở xưa, khi chưa có các phương tiện lưu trữ hiện đại như bây giờ, ca dao được bảo tồn trong dân gian chủ yếu theo lối truyền khẩu. Do truyền khẩu, ca dao có thêm một đặc trưng nữa là tính dị bản. Tính dị bản làm phong phú kho tàng ca dao. Tuy nhiên, cũng do sự bảo tồn theo lối truyền khẩu nên kho tàng ấy ít nhiều đã không tránh khỏi sự thất truyền. 

 
 Sông nước miền Tây

Nội dung của ca dao rất đa dạng và phong phú. Phản ánh trung thực cuộc sống của người dân lao động, ca dao đã bắt đầu từ việc mô tả phong cảnh và các trạng thái của tự nhiên, rồi đến những thói quen sinh hoạt, đời sống tình cảm, tâm tư của con người… Khởi đầu, ca dao phản ánh quá trình khai hoang lập ấp, một quá trình không ít khó khăn, gian khổ của lưu dân để thích nghi với cuộc sống trên vùng đất mới :

"Xứ đâu có xứ lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh".

"Chèo ghe sợ sấu cắn chưn

Xuống sông đỉa cắn, lên rừng cọp ăn".

Dầu vậy, cùng với thời gian, bàn tay lao động cần cù và khối óc thông minh của con người đã biến thiên nhiên hoang dã thành những cánh đồng màu mỡ trù phú. Xóm thôn hình thành, đời sống ổn định, Vĩnh Long đi vào trong ca dao như một miền đất tươi đẹp và no ấm :

"Vĩnh Long cảnh lịch, người xinh

Ruộng vườn tươi tốt, dân tình hiền lương".

Hoặc :

"Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh

Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm

Bà Phong, Bà Phận, Ông Cớ, Ông Nam

Dưới sông cá bạc, tôm vàng

Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui".

Vậy nên :

"Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh".

Với hơn 100 con sông và rạch lớn – nhỏ, Vĩnh Long là tỉnh có mật độ sông rạch vào loại cao nhất ở ĐBSCL. Trong cuộc sống đời thường, đôi khi, sông rạch làm lòng người e ngại bởi sự cách trở đò giang "Có con đừng gả cù lao/ Một mai sóng gió làm sao nó về", nhưng hầu hết trong các trường hợp, sông rạch bao giờ cũng là nguồn cảm xúc, nguồn thi hứng dạt dào để con người gửi gấm vào đó mọi nỗi niềm, mọi cung bậc của trái tim :

"Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả

Rạch Cái Cá, cá lội thành đàn

Lòng tôi tha thiết yêu nàng

Như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi".

"Sông Mang Thít có dòng nước xoáy

Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung

Người đi mang nỗi nhớ nhung

Sông này vẫn giữ thủy chung với người".

Không chỉ nổi tiếng là một vùng đất tươi đẹp và trù phú, ở Vĩnh Long còn có câu rằng "Long Hồ là xứ địa linh/ Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng". Quả vậy, lật lại những trang lịch sử của Vĩnh Long từ buổi đầu cha ông khai hoang lập ấp cho đến những ngày chống giặc ngoại xâm thì thấy chẳng thời nào trên mảnh đất này vắng bóng những anh hùng hào kiệt, kể cả trong lao động, trong chiến đấu, trong khoa học, trên văn đàn hay trên chính trường. Ca dao còn ghi :

"Vĩnh Long có cặp rồng vàng

 Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Luân Thần"(*)

hay :

"Ai về thăm lại Trà Ôn

Tháng giêng mùng bốn giỗ ông Ngọc Hầu"(**)

chính là để nhắc nhở những thế hệ đời sau không quên tài đức và ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đối với dân với nước.

Cũng giống như hầu hết các loại hình nghệ thuật khác, trong nội dung phản ánh của ca dao luôn dành một vị trí đặc biệt cho việc bày tỏ những nỗi niềm hay những khát vọng về tình yêu đôi lứa. Xưa nay, tình yêu luôn là một phần quan trọng trong đời sống của con người, cho nên, dù được thể hiện qua nhiều hình thức, dưới nhiều góc độ, theo nhiều cung bậc khác nhau đến thế nào thì tình yêu ấy vẫn có sức mạnh thu hút, làm rung động và xao xuyến lòng người.

"Sông Tiền cá lội huyên thiên

Lòng anh muốn bắt con cá lội riêng một mình".

"Nước sông Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn

Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm trôi

Bậu với qua hai mặt một lời

Trên có trời, dưới có đất

Ngãi trăm năm vương vất sợi tơ mành

Tử sanh, sanh tử chung tình

Dẫu ai ngăn đón, tôi với mình cứ thương".

Là một bộ phận của văn học dân gian, ca dao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa dân tộc là truyền thống đạo lý tốt đẹp, là nề nếp gia phong, lối sống giản dị, có tình có nghĩa, có trước có sau :

"Rắn trun khác rắn rằn ri

Bông lan chẳng dám sánh chi hoa hồng

Em là con gái ở đồng

Người còn đói rách, em không lượt là".

"Nhà em nền đất, cột cau

Tuy nghèo tiền bạc, nhưng giàu tình thương

Cha làm ruộng, mẹ làm vườn

Nghèo mà thanh bạch, mọi đường cũng xong

Em tuy thấp kém mặc lòng

Việc nhà, việc nước, góp công giữ gìn".

Nằm trong kho tàng văn học dân gian, các bài ca dao, đặc biệt là ca dao cổ, phần lớn đều khuyết danh. Thật ra, ca dao không phải tự nhiên mà có. Nguyên thủy, nó chính là sáng tác của một cá nhân. Do quá trình lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác, hoặc do được thêm thắt, chỉnh sửa nhiều lần mà tên tác giả của nhiều bài ca dao đã bị thất truyền. Theo một số quan điểm mới, đó là điều thiệt thòi cho tác giả. Chẳng hạn, ít ai biết rằng, có những câu ca dao rất nổi tiếng như "Anh đi, anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương" là của Á Nam Trần Tuấn Khải, hay câu "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?" là của nhà thơ Bàng Bá Lân, hoặc câu "Bướm vàng đậu nhánh mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn" chính là của nhà thơ Kiên Giang – một nhà thơ ở ĐBSCL. Ở Vĩnh Long, trong vài thập niên trở lại đây có một số sáng tác của các nhà thơ như Việt Chung, Truy Phong, Mặc Khải, do gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, được nhân dân lao động ưa thích, nên đã trở thành ca dao. Những sáng tác này được các nhà nghiên cứu – lý luận gọi là ca dao mới.

Các nhà thơ Việt Chung, Truy Phong, Mặc Khải là những người cùng thời. Tuy nhiên, chỉ cần nghiên cứu các tác phẩm ca dao cũng đã thấy sự khác biệt trong phong cách sáng tác của họ. Trong khi Việt Chung thiên về việc mô tả phong cảnh hoặc đặc sản ở các địa phương, qua đó gửi gấm chút tình thi nhân thì ca dao của Truy Phong trước hết lại là sáng tác của một người cán bộ làm công tác tuyên truyền, trong đó bao gồm những lời giáo huấn về đạo lý sống ở đời, nhắc nhở trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là những khẩu hiệu khô cứng, mà thực sự là những tác phẩm rất sinh động, độc đáo, thể hiện đầy đủ các đặc trưng của thể loại. Bên cạnh những sáng tác này, Truy Phong còn có một số bài ca dao khá ấn tượng, mô tả cuộc sống hồn nhiên, êm đềm nơi làng quê :

"Dưới có đất, trên có trời

Sao mai lấp ló thì tôi ra đồng

Một ngày tôi phát hai công

Phát rồi chẳng nghỉ, xuống sông, tôi mò".

"Cá trê nướng, nước mắm gừng

Canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu

Cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều

Cơm bao nhiêu hạt, bấy nhiêu nồng nàn".

Ca dao của Mặc Khải có một đặc điểm nổi bật là rất trữ tình. Mặt khác, trong một số sáng tác của Mặc Khải ít nhiều có chịu ảnh hưởng của ca dao cổ, điển hình như bài ca dao :

"Cái cha đi xắn măng le

Cái mẹ chặt củi, đội về nấu ăn

Cái gà nấu với cái măng

Cái cha uống rượu, nằm lăn trên sàn".

hay câu "Ông già ngồi tựa bờ ao/ Ông câu cá bạc hay sao đáy hồ?" gợi nhớ đến câu ca dao rất nổi tiếng đã được nhắc đến trên đây "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?".

Trong lao động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống đời thường, ca dao có ý nghĩa đặc biệt. Ca dao là tiền thân của dân ca, mà ca dao và dân ca đều được các nhà thơ, các nhạc sĩ vận dụng vào trong sáng tác để cho ra đời nhiều bài thơ, nhiều ca khúc rất hay, được quần chúng nhân dân rất yêu thích. Điều đó có nghĩa là ca dao đã góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Trong đời sống, ca dao được sử dụng nhiều nhất dưới hình thức hát ru con và ít năm trước đây là hò đối đáp. Sức truyền cảm và dấu ấn của hát ru con mạnh mẽ đến nỗi ngày nay, hàng năm ở một số nơi đều có tổ chức các cuộc thi hát ru con hoặc hát các làn điệu dân ca. Ca dao còn được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường. Thông qua đó, ca dao giúp cho các em học sinh nhận thức được những giá trị bền vững của nền văn hóa dân tộc. Vì những ý nghĩa sâu xa của ca dao, thời gian qua, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện đề án sưu tầm ca dao trong nhân dân, hướng đến mục tiêu bảo tồn một trong số những di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cha ông.

Thu Hà

—————————————————————

(*) Phan Thanh Giản

(**) Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *