Nếu chỉ nhìn vào tên sách, độc giả sẽ chọn mua vì hiếu kỳ hoặc phớt lờ nếu có ý nghĩ đây là "tiểu thuyết ba xu". Các dịch giả, nhà làm sách cứ muốn tạo điểm nhấn cho cuốn sách bằng cái tên, nhưng chính điểm nhấn đó đôi lúc lại gây tác dụng ngược.
Trong dòng sách văn học khá đa dạng hiện nay, bên cạnh những tác phẩm định hướng nội dung rõ ràng cho độc giả, có khá nhiều tác phẩm gây sự chú ý ban đầu bằng những tựa đề gây sốc. Kèm theo đó là những trích dẫn, giới thiệu nhấn vào những tình tiết nhạy cảm nhất của cuốn sách. Đây là một chiêu thức tiếp thị mới của các nhà làm sách nhưng cách tiếp thị này hiệu quả tới đâu?

Nội dung không phải như tên sách

Đầu tiên, phải kể ngay đến tác phẩm Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (tác giả Tào Đình, Trang Hạ dịch, NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách này từng gây xôn xao độc giả trẻ khi mới là bản dịch, được đăng tải trên web blog của Trang Hạ. Từng có những độc giả thừa nhận rằng, họ tìm đọc tác phẩm vì cái tên sách… quá sốc.

Tuy nhiên, nội dung truyện hoàn toàn không phải đề cập đến vấn đề nhạy cảm như ấn tượng ban đầu. Cuốn sách là một câu chuyện xúc động và sâu sắc về cuộc sống của cô gái Hạ Âu và anh chàng người yêu Hà Niệm Bân. Nhân vật nữ chính tự cho mình (và bị mọi người gán cho) là một cô gái điếm.

Theo chị Hoàng Thu Hằng, biên tập viên tiếng Hoa của Công ty Truyền thông Nhã Nam, tên gốc của cuốn sách có ý nghĩa hoàn toàn khác với tên sách dịch của Trang Hạ, nội dung của tên gốc tuy khá khó chuyển ngữ sang tiếng Việt cho trọn vẹn, nhưng ý nghĩa thì nhẹ nhàng hơn. Xin lỗi, em chỉ là con đĩ chỉ là một câu nói bất cần của nhân vật chính mà Trang Hạ đã chọn đặt thay cho tên gốc.

Những đầu sách khác kiểu như Hễ sướng thì hét lên (nhà văn Trì Lợi – NXB Phụ Nữ), Giường (tác giả Phan An, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Bách Việt, 2007), Phía sau một khách sạn (gồm 2 truyện Phía sau một khách sạnHợp đồng chăn gối (Khôi Vũ, NXB Văn Nghệ ấn hành)… dễ khiến người đọc liên tưởng đến khía cạnh nhạy cảm khi chưa đọc tác phẩm.

Cùng với tên, bìa 1 của tiểu thuyết Giường là hình ảnh một cô gái để lưng trần khêu gợi. Nhưng nội dung của tác phẩm không phải đề cập đến vấn đề sex hay những “nổi loạn” nào đó của cá nhân, mà chính là hành trình đi tìm một tình yêu đích thực.

Trong khi đó, nội dung chính của Hễ sướng thì hét lên – một quyển sách từng gây xôn xao đối với độc giả Trung Quốc – lại là bức chân dung cảm động về thân phận con người hiện đại. Đó là người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh để đối mặt với những chiều cuộc sống không bình lặng. Còn Phía sau một khách sạnHợp đồng chăn gối là những câu chuyện có thật về những người trẻ, rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời, chịu nhiều tủi nhục và đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Liệu có cần tạo sức “nóng” cho tác phẩm văn học bằng một cách đặt những cái tên gây sốc như thế không? Từng có những tác phẩm nước ngoài được các dịch giả chuyển cho một cái tên khác, nhẹ nhàng hơn nhưng không có nghĩa là làm mất đi giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm.

Tên sách gây sốc có thể tạo được ấn tượng ban đầu, nhưng đôi khi không thật dễ dàng cho sự tiếp nhận. Nếu chỉ nhìn vào tên sách không thôi, hoặc là độc giả sẽ chọn mua vì hiếu kỳ, hoặc là sẽ phớt lờ nếu có ý niệm “tiểu thuyết ba xu”. Các dịch giả, các nhà làm sách nếu cứ muốn tạo điểm nhấn cho cuốn sách của mình, thì chính những điểm nhấn đó đôi lúc lại phản cảm và gây tác dụng ngược với người đọc.

Có cần không, cách tiếp thị gây sốc?

Yếu tố gây sốc còn bị lạm dụng trong phần giới thiệu trên bìa 4 của một số quyển sách. Ví dụ, ngay bìa 4 tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ (NXB Hội Nhà văn, 2007) là những dòng “khơi gợi” : “Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính khiêu dâm”.

Tuyển tập Vệ Tuệ (NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện) cũng vậy, những “tuyển chọn” để giới thiệu trên bìa 4 là : “Cơ thể trong tấm gương có phần mơ hồ, da thịt lấp lánh như bạc… Cơ thể sau khi bị nỗi thèm khát bỏ rơi giống như một thứ đồ sứ buồn và tầm thường”.

Nội dung của tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ khắc họa nội tâm u uẩn, phức tạp của những người trẻ trong thế giới hiện đại, không tìm ra được lý do tồn tại của mình và cũng không ý thức được mình tồn tại vì cái gì. Họ lao vào cuộc sống bằng những thú vui trần tục, thế nhưng chính bản thân họ cũng khát khao tìm một lối thoát. Cho dù những trang viết của nữ văn sĩ Trung Quốc Vệ Tuệ đôi chỗ có phần phóng túng, thì cũng không nên lạm dụng những trang viết đó để giới thiệu khái quát cho quyển sách.

Một mạng kinh doanh sách trực tuyến cũng chọn ngay chi tiết khơi gợi để giới thiệu cho cuốn sách Em không thể sống cô đơn (James Hadley Chae, NXB Văn hóa Thông tin) : “Truyện kể về một cô gái nhan sắc, tài năng, ham giàu nên đã lấy một ông già tỷ phú, nhưng lại say mê những cuộc tình với bọn trai trẻ”, bất chấp tính hiện thực xã hội mà nhà văn muốn đề cập trong tác phẩm.

Còn Chuyện tình một đêm (Chi Xuyên, NXB Văn Nghệ TP HCM), quyển sách chỉ đứng sau Harry Potter trong danh sách best-seller, nhiều tuần qua (do mạng Sahara.com.vn thống kê) cũng là một trong những cuốn được một mạng sách trực tuyến khác viết giới thiệu theo kiểu đề cập ngay đến vấn đề tình dục.

Tuy nhiên, khi đọc Chuyện tình một đêm, người đọc quên mất dấu ấn về lời giới thiệu cố tình gây sốc ban đầu, mà thấy đau xót cho những phận con người trong vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời. 19 câu chuyện (hay đúng hơn là 19 phóng sự) nói về lối sống và những con đường, những cạm bẫy dẫn dắt người phụ nữ vào một số phận bi kịch. Chuyện tình một đêm có sức thu hút đặc biệt, không phải vì vấn đề sắc dục, mà cuốn sách đã phơi bày một hiện thực nóng bỏng của xã hội Trung Quốc đương đại.

Trong chừng mực nào đó, không thể phủ nhận những giá trị văn chương trong các tác phẩm kể trên. Chủ đề chính của các tác phẩm thường hướng đến là những giá trị nhân văn, phản ánh chân thực về những số phận con người. Những trang viết gợi tả về vấn đề nhạy cảm không nhiều và không phải là chủ đề chính của tác phẩm.

Một quyển sách hay, có giá trị thật sự thì hoàn toàn có thể sống mãi với thời gian. Độc giả cũng đủ tinh tế để nhận ra giá trị của quyển sách, chứ không phải đến với tác phẩm chỉ vì những lời giới thiệu gây sốc và hình ảnh phản cảm. 

Tiểu Quyên – Người Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *