Trong một cuộc tán gẫu cùng mấy đồng nghiệp trong phòng, câu hỏi của của một bác lớn tuổi khiến cánh trẻ chúng tôi phải ngồi im, phân vân hồi lâu. Câu hỏi thực ra rất đơn giản: "Hàng xóm nhà các cậu là người thế nào?"

Ừ thì hàng xóm, là người sống liền kề. Nhưng quả thực, với kiểu sống hiện nay, chả ai biết hoặc quan tâm đến chuyện hàng xóm nhà mình là ai. Tôi sống ở chung cư, mỗi tầng có 8 căn hộ, hầu hết là vợ chồng trẻ. Sáng sớm sấp ngửa đi làm. Chiều tối về đến nhà thì cũng sập cửa, nhà nào biết việc nhà nấy. Không đóng cửa lại chỉ tổ trẻ con hàng xóm chạy vào, rồi cứ chân bẩn nhảy uỳnh uỳnh trên ghế sofa. Không đóng cửa thì chỉ tổ cho cánh giúp việc tụ tập góc hành lanh thì thà thì thào: cơm nhà tao cá kho, nhà mày cơm gì? Có ba mươi nghìn một ngày mà cũng có cả cá kho cơ à? Chủ nhà tao hôm nay váy ngắn, chủ nhà mày còn trẻ sao mà trông già thế? Túm lại là đủ thứ rất chi là vớ vẩn, nên giải pháp tốt nhất là cửa đóng then cài. Nếu có gặp ngoài thang máy cũng chỉ chào nhau theo kiểu xã giao, còn thì thông tin về nhau vẫn là mù tịt. Bởi vậy ngẫm cho cùng, hai phút đứng chung trong thang máy, tuy ít nhưng cũng là "cầu nối" duy nhất để những người sống cùng chung cư, cùng tầng được tình cờ gặp nhau, chào nhau và … chỉ thế thôi. Bởi vậy – tuy được gọi là hàng xóm nhưng xét cho cùng có khác gì những người lạ sống cạnh nhau. Lấy đâu cái cảnh mà người xưa vẫn nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần".

Cậu bạn tôi tình hình thậm chí còn bi đát hơn. Gia đình có điều kiện không phải chui lên chung cư cao tầng như nhà tôi, mà có nhà lô trong một khu đô thị mới mở ở Hà Nội. Nhà lô nghe thì sang nhưng cũng chẳng khác gì cái hộp, lúc nào cũng kín cổng cao tường. Chứ chả lẽ lại mở toanh cửa mời trộm cắp, chích hút lẫn nhân viên khuyến mại ra vào cả ngày? Mà có đóng cửa cũng đã yên đâu. Chủ nhật ở nhà, cứ mười lăm hai mươi phút, cái chuông cửa lại reo lên eo éo. "Cháu ở trung tâm Hội người mù, bán tăm từ thiện ạ. Đây là giấy chứng nhận của trung tâm". Cái vụ tăm từ thiện này từ chối thì không nỡ, mà mua thì thể nào cả ngày cũng có thêm dăm bảy đoàn khách viếng thăm. Thật giả chả biết thế nào, chỉ thấy là mình đang bị làm phiền. Hết vụ tăm người mù thì đến khuyến mãi, dùng thử dầu gội đầu , bốc thăm trúng thưởng. Dầu gội đầu thì dễ chừng cô vợ đã mua đủ dùng cho cả năm, còn bốc thăm trúng thưởng cái bàn là rởm, vô phúc chạm vào nó chả giật cho lòi mắt ra. Vậy nên có được dùng miễn phí sản phẩm, được phát không quà tặng mà cũng thấy ớn. Hết vụ dầu gội đầu thì đến vụ bếp ga. Thế nào cũng là một cậu thanh niên ăn mặc lịch sự, hỏi han nhã nhặn: "Nhà anh chị dùng ga của hãng nào?" . Người ta ăn vận lịch sự, hỏi han đường hoàng chả lẽ mình không trả lời? Mà trả lời thì câu nọ dắt câu kia, thế nào cậu nhân viên tiếp thị ga kia cũng sẽ tiếp cận được cái bếp ga nhà bạn, lừa lúc gia chủ không đồng ý, dán choét cái quảng cáo ga của hãng hoặc cửa hàng mình lên đâu đó xung quanh khu vực bếp. Thì cũng càu nhàu khó chịu, nhưng còn biết làm sao? Hết nạn nhân viên bếp ga thì đến cánh đồng nát cũng lịch sự nhấn chuông hỏi nhà có giấy vụn bán không. Tiếng chuông cửa nối nhau rít lên, có khác nào tiếng máy khoan xói vào tai! Thế nên cô vợ ra "chỉ thị" đi về là lập tức phải khoá cửa. Người lạ thì lờ đi, coi như không nghe, không biết. Chị giúp việc trong nhà cấm tuyệt đối mở cửa ra ngoài buôn chuyện với hàng xóm. Lệnh thế thì khác nào thiết quân luật. Thế mới có chuyện ông tổ trưởng dân phố sang thu tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, lập tức bị chị giúp việc đuổi như đuổi tà. Cứ người lạ là phải xua đi ngay mà. Luôn "sống trong sợ hãi" như thế thì còn biết hàng xóm nhà mình thế nào nữa!

Ừ, hàng xóm nhà tôi là người thế nào? Là những người lạ hàng ngày tôi gặp. Nghe sao mà chua chát, nhưng đó lại là sự thật.

Còn nhớ ngày bé, chị tôi bị cả nồi canh đang sôi dội thẳng vào người. Hàng xóm nhà tôi khi ấy – nghe tiếng hai chị em khóc đã lập tức nhao sang. Rồi người cấp cứu chị, người dỗ em, người lo gọi xe đưa chị tôi vào bệnh viện. Nếu không có những người hàng xóm tận tình ấy thì có lẽ tính mạng chị tôi cũng khó mà giữ được.

Nói rằng mỗi thời mỗi khác thì cũng đúng. Nhưng khác đến mức mà con người sống cạnh nhau hàng năm hàng tháng mà vẫn xa lạ với nhau, cảnh giác với nhau thì cuộc sống ấy chẳng phải rất đáng sợ sao?

Tạp văn của Phong Điệp

Theo Văn nghệ Sông Cửu Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *