…Tôi cảm động, dắt xe ra khỏi cổng. Nhưng trong lòng vẫn còn nhiều điều chợn rợn. Tôi đi trước. Nguyễn Huy Thiệp đi đằng sau. Tôi bỗng giật mình. Trong giây khắc, hình như có gì đó nhòn nhọn đang lao vun vút sau gáy. Quay lại. Nguyễn Huy Thiệp mặt cứng đờ, không chút cảm xúc. Dù sao vẫn chỉ là cảm giác của riêng tôi. Khi Nguyễn Huy Thiệp đóng cánh cổng gỗ lại, một sự hoang mang trào dâng. Tôi ra về. Trong lòng sự nghi ngờ lổm ngổm…

Khi mời tôi đến nhà, Nguyễn Huy Thiệp có lẽ đã tiếp tôi theo cách bặt thiệp nhất có thể. Anh giới thiệu phòng trong nhà : phòng làm việc của hai đứa con trai Bách và Khoa, phòng mới của vợ chồng Bách, nơi tạo nên cảm hứng viết văn và vẽ vời, từng cái cây trong vườn…

Nguyễn Huy Thiệp chắc hẳn đang rất hài lòng với không gian êm đềm đó. Nguyễn Huy Thiệp nhã ý mời tôi ở lại ăn cơm, theo phép lịch sự, nhưng tôi từ chối.

Tiễn tôi ra cửa, tôi còn được tặng những chiếc đĩa sứ ký chữ Thiệp to đùng làm kỷ niệm, gói ghém cẩn thận trong chiếc túi ni lông như thói quen của người dân quê tặng khách tới thăm. Đó là một sở tài lẻ khác của Nguyễn Huy Thiệp : vẽ trên đĩa sứ. Có cả chân dung của Lê Lựu, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Chu Diên, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Đỗ Hoàng Diệu, Tô Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Văn Cao, Hồng Thanh Quang và một bức tranh vẽ về Khoa, người con trai thứ hai từng bị nghiện của Nguyễn Huy Thiệp.

Tôi cảm động, dắt xe ra khỏi cổng. Nhưng trong lòng vẫn còn nhiều điều chợn rợn. Tôi đi trước. Nguyễn Huy Thiệp đi đằng sau. Tôi bỗng giật mình. Quay lại. Nguyễn Huy Thiệp mặt cứng đờ, không chút cảm xúc. Dù sao vẫn chỉ là cảm giác của riêng tôi. Khi Nguyễn Huy Thiệp đóng cánh cổng gỗ lại, một sự hoang mang trào dâng. Tôi ra về. Trong lòng sự nghi ngờ lổm ngổm bò.

Vài ngày sau, tôi cố gắng thuyết phục anh, thêm một lần nữa.

Y như tôi đoán, lần gọi đầu tiên, Nguyễn Huy Thiệp trở lại sự lạnh lùng như lúc tôi chưa từng gặp. Nhưng rồi anh cũng đồng ý, hẹn tôi đến trò chuyện và tặng sách tại café phố Hàng Hành. Buổi hẹn chính xác là 2 giờ chiều.

1 giờ 40’ : Tôi đã có mặt tại quán café 39 Hàng Hành. Đợi đúng đến 2 giờ.

2 giờ 10’ : Khách đến và đi. Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa đến. Nhưng tôi quyết định chưa gọi. Nếu thực sự muốn đến, sẽ không cần phải gọi.

2 giờ 20’ : Quá sốt ruột. Tôi quyết định gọi. Nguyễn Huy Thiệp mở máy trả lời. Thiệp đang ở một nơi khá ồn. Anh bảo sẽ đến ngay.

2 giờ 40’ : Tôi vẫn ngồi chờ. Gọi lại lần thứ hai. Nguyễn Huy Thiệp mở máy.

Hóa ra Thiệp đã đến Hàng Hành lâu rồi. Nhưng lại không phải quán tôi ngồi, mà một quán khác, cũng mang số 39, ngay bên cạnh.

Thoáng chút nghi ngại, tôi rời sang bên quán kia. Nguyễn Huy Thiệp đang hí hoáy viết, một xấp bản thảo viết tay vài trang đặt bên dưới. Anh nói đang viết về Hàng Hành, một truyện ngắn đặt hàng Tết. Tôi hỏi :

– Anh ngồi đây từ bao lâu rồi?

– Tôi ngồi từ hơn 1 giờ. Cứ tưởng cô không ra.

Nguyễn Huy Thiệp trả lời miễn cưỡng. Tay lật đi lật lại tờ giấy giới thiệu tranh của một nữ họa sĩ sắp có triển lãm tại Gallery Lê Thiết Cương.

Nói rồi Thiệp đổi ý, bảo qua nhà Lê Thiết Cương phỏng vấn. Tôi lại lóc cóc qua bên đó. Như một con rối ý thức được việc mình đang bị điều khiển.

Gallery Lê Thiết Cương nằm trên đường Lý Quốc Sư. Một gallery khá nổi tiếng, trong thời gian gần đây hỗ trợ giới thiệu tranh của những họa sĩ trẻ. Nơi đây cũng tổ chức nhiều triển lãm ảnh của chính Lê Thiết Cương và bạn bè như “Răng và Tóc”, 80.00… Lê Thiết Cương là dân họa sĩ, nhưng cũng hay thích viết lách. Cương hay chơi với nhiều nhà văn thích “tay ngang” vào hội họa như Nguyễn Huy Thiệp…

Đặc biệt, với Nguyễn Huy Thiệp, Cương có một mối quan hệ sâu đậm. Hai người con trai của Thiệp theo con đường hội họa cũng là những học trò ruột của Lê Thiết Cương. Bởi thế, dù lần này Cương đi Hàn Quốc, nhưng Thiệp khi nào lên phố vẫn thi thoảng ghé chơi.

Đến nhà Lê Thiết Cương, Nguyễn Huy Thiệp bảo tôi chờ cửa trước, còn anh vòng qua cửa sau, vào bên trong, qua cửa trước mở cửa y như chủ nhà. Phải nói rằng, đó là một gallery đẹp. Mọi đồ đạc trong đó, từ những bàn ghế cổ đến những tác phẩm điêu khắc đương đại cũng được sắp xếp hài hòa. Nó cho thấy gu thẩm mỹ cao và sự tinh tế của chủ nhân.

 

Ảnh : Xuân Anh

Lần tiếp xúc thứ hai này, Nguyễn Huy Thiệp và tôi cùng uống trà. Bộ ấm trà cổ với họa tiết đơn giản mà vô cùng thâm thúy. Cầm chén trà trong tay mà xúc động, như ta đang được thưởng ngoạn trà cùng với tổ tiên xa xưa. Thời gian siết chặt lại. Ngọn trà thấm đượm nơi đầu lưỡi. Những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp từ đó mà tuôn ra, lúc khoan lúc nhặt. Nguyễn Huy Thiệp trong dòng mạch đó vừa co ro lại vừa bạt mạng, vừa khiêm tốn lại vừa ngạo nghễ, vừa thực dụng lại vừa mơ màng…

PV : Ngòi bút đã nuôi sống anh hai mươi năm rồi. Anh cũng có không ít danh tiếng, tiền bạc và một cuộc sống gia đình êm thấm. Nhưng nghệ sĩ, nhất là nhà văn, thì cầu toàn lắm. Đến bây giờ, có điều gì khiến anh chưa hài lòng về bản thân?

– Thứ nhất, tôi bỏ đi nhiều cơ hội quá để có thể sống hay hơn. Thứ hai, nói cống hiến thì xa xỉ quá, nhưng tôi có thể làm được nhiều điều tốt hơn. Như học ngoại ngữ hay một số kỹ năng sống khác, lái xe hay tự chăm sóc bản thân. Tôi là người không biết tự chăm sóc bản thân. Đây là điều tôi rất sốc khi lần đầu tiên đi Mỹ năm 1996 theo một chương trình quốc tế. Tôi được đi tới mười mấy bang nước Mỹ theo lời mời của Bộ Ngoại giao Mỹ, sống trong nhiều gia đình người Mỹ nhiều tháng trời. Ô tôi choáng! Đó cũng là lần đầu tôi được đi nước ngoài.

PV : Anh choáng sao?

– Tức là, bản thân tôi, gia đình tôi hay là…. Mình vô lối trong nhiều thứ, từ trong cá nhân mình. Anh không biết đánh răng thế nào. Anh không biết bảo vệ hàm răng của mình ra sao.

Ngay từ nhỏ, trẻ con đã được dạy dỗ cách chăm sóc bản thân. Và bình quân mỗi cuộc đời họ mất khoảng 10.000 đô dành cho việc chăm sóc răng miệng. Xin lỗi nhé, mình cũng không biết làm tình như thế nào. Hay ăn uống mọi thứ của mình ngu quá! Tôi nhìn thấy những mâm cỗ ê hề những độc tố. Bên kia ăn uống rất khôn. Buổi sáng, họ uống nước cam cho sạch ruột và nhấm nháp mẩu bánh mì rất nhẹ nhàng. Buổi trưa ăn nhanh làm việc. Buổi tối gặp bạn bè, uống rượu từ 9 giờ tối.

Tôi thấy từ những kỹ năng cá nhân đến kỹ năng sống trong gia đình và xã hội được nghiên cứu rất hệ thống. Khi đi thuê nhà, nếu có 6 người mà chủ nhà chỉ có 4 phòng thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của những người sống trong đó. Nếu bị phát hiện, ông chủ nhà sẽ bị phạt.

Khi về Việt Nam, tôi viết truyện Không có vua. Trong mấy mét vuông mà có bao nhiêu người đi ra đi vào, rồi cởi quần áo trước mặt nhau. Sau khi đi Mỹ về (hồi đó đã kinh doanh nhà hàng Hoa Ban bên đầu cầu Chương Dương), tôi đã quyết định lấy vốn về, đập nhà cũ và làm cái nhà này. Cô sẽ nhìn thấy đây vẫn là ngôi nhà ba gian, vẫn có phòng cho mỗi người. Và nhà tôi có lẽ là đầu tiên có nhà vệ sinh ở làng này. Sau, tôi nâng thêm một tầng do nhu cầu vẽ của con.

Mình kiếm tiền làm gì nếu như mình sống mệt như vậy?

Tôi đi thăm các trường, thấy họ tổ chức rất giỏi. Ví dụ, ông bà đẻ con phải có trách nhiệm nuôi cho nó học hết phổ thông, đó là trách nhiệm của bố mẹ. Nhưng đến khi vào đại học, anh phải tự vay tiền ngân hàng đóng học phí, dù anh có là con nhà giàu đi chăng nữa. Cho nên, sau khi tốt nghiệp, trên lưng anh có món nợ rất lớn. Anh phải cố học giỏi, kiếm được việc, không thì không thể nào trả nợ. Những thanh niên khi vào trường đại học không thể ỷ lại được. Ở Việt Nam, toàn ông bố bà mẹ gửi tiền cho con. Tưởng học, hóa ra toàn đi ăn chơi. Lối giáo dục thanh niên bên kia không để cho thanh niên ỷ lại và bao cấp như thế.

PV : Theo ý của anh, cái vòng luẩn quẩn nó vẫn còn luẩn quẩn lắm à?

– Chẳng ai thoát được cả. Cô tưởng tôi thoát được à? Cô tưởng NQT thoát được dù ông ấy đi nước ngoài rất nhiều? Trong điều kiện của tôi, tôi cố gắng hoàn thiện tốt nhất.

PV : Những bế tắc trong cuộc sống có dẫn tới những bế tắc trong sáng tác?

– Nhìn chung, người viết thường cố gắng làm sao biết nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều. Một trong những sứ mạng của họ là khai hóa. Khai hóa dân trí, khai hóa sự man di mọi rợ. Tôi nhìn hai thằng con tôi. Mắng : Sao mắt của bọn mày nhìn nhanh thế? Sao đảo đi đảo lại như rang lạc thế? Chúng nó không hiểu tôi.

Mình về chỉ nhìn thấy ánh mắt của con mình là đã đau rồi. Tôi cũng biết thế nên bao nhiêu năm, có thể do chiến tranh, hoặc do điều nọ điều kia nên văn của mình nó man di mọi rợ. Nó vô lối chẳng ra một kiểu gì. Những giá trị đáng kể đấy bị tầm thướng hóa, bị dung tục hóa, bị suồng sã. Rồi những giá trị vớ vớ vẩn vẩn lại được tôn vinh.

Những chuyện ấy nó cũng là những chuyện thường. Nhưng khi mình gia nhập WTO sẽ là điều tốt hơn. Chứ trước kia là một mình mình chơi một kiểu, luẩn quẩn. Cả thế giới họ có một lối rồi. Mình cứ như thế mà làm.

PV : Anh cũng là một trong những nhà văn sống tốt bằng nghề đấy chứ?

– Tôi cũng kiếm được. Nhưng tôi sống rất thanh đạm. Trong chừng ấy năm viết văn, tôi kiếm được khoảng độ 70, 80.000 đô gì đấy. Nhưng nó rải rác. Và nếu chia đều ra thì cũng chỉ bằng một người công chức sống bình thường thôi…

(Còn nữa)
Xuân Anh – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *