Tượng Phật Bà Quan Âm trong sân nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – Ảnh : Xuân Anh

Tượng Quan Âm với khuôn mặt phi giới tính, nhìn bên trái hao hao là đồng nam, bên phải lại hao hao là đồng nữ, không toát lên sự thoát trần và uy nghiêm. Bức tượng hoàn toàn không ăn nhập với khung cảnh xung quanh. Nó không khiến không gian được thanh thoát, thoáng đãng, mà e rằng, như khiến ngôi nhà lẽ ra thoáng đãng lại có chút gờn gợn. Bức tượng trơ trọi, lẻ loi, đơn côi trong một khung cảnh khá hữu tình. Dường như Nguyễn Huy Thiệp cố nén bức tượng vào đó, chứ có lẽ, nếu có thể cất thành lời, chắc cũng ai oán : Thiệp ơi, ông đừng đẩy tôi đến sự tàn nhẫn và phi lý của hiện thực như đẩy những độc giả của ông nữa!

Có lẽ, bức tượng giống như một nguyên mẫu nào đấy trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp hơn. Phải chăng đó chính là là sự tưởng tượng của Nguyễn Huy Thiệp về nàng Mỵ Nương trong Trương Chi hay nàng Hồ Xuân Hương trong Chút thoáng Xuân Hương? Hay đó chính là Nguyễn Huy Thiệp tự phóng tác mà đặt hình ảnh của mình trong đó? Có lẽ điều này chỉ có Nguyễn Huy Thiệp mới biết được…

PV : Trước khi bước vào nhà, tôi thấy có một tượng Phật Bà Quan Âm bằng xi măng màu ghi xám. Điều gì khiến anh dựng cả tượng Phật trong nhà?

– Tôi dựng tượng năm 1991. Nguyên do thì nhiều lắm. Nó bắt đầu sau một cú sốc về chuyện văn chương và trong cuộc sống. Hồi đấy, tôi có viết kịch bản phim. Hồi ấy, danh tiếng của tôi cũng đang lẫy lừng….

Nó là một nhu cầu nội tâm. Họa sĩ điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng cùng với tôi và thợ cùng làm. Có tượng, ngôi nhà này yên tĩnh hẳn. Bà vợ tôi trồng thêm rau cỏ quanh vườn, không phải mua thêm ngoài.

Khi ấy, tôi rất chán nản. Tôi cũng tự suy nghĩ và sắp xếp lại trong lòng mình. Cuối cùng, tôi tự chọn lựa một lối sống từ năm đó đến giờ là tránh xa mọi cám dỗ.

PV : Tránh xa mọi cám dỗ?

– Không phải. Tôi cũng không biết, nhưng tôi cảm thấy tôi cần phải làm như thế. Và tôi lờ mờ nhận ra, sống ở trong xã hội, có nhiều lối sống khác nhau. Chọn lối sống của người bình thường là điều tốt nhất. Càng ở những nơi tôn danh, tiền bạc, thế lực, nó có thể hợp với người này, người kia, nhưng không hợp với tôi. Tôi chọn lối sống như cỏ cây. Cô đến nhà tôi sẽ thấy vợ chồng tôi tự trồng rau lấy ăn, cố gắng trở về với thiên nhiên. Nhiều nơi mời mọc ghê gớm quá thì tôi cũng lùi đi.

PV : Anh khẳng định, anh đã thoát khỏi những ma lực mê hoặc tạo nên bất hạnh cũng như hạnh phúc của con người : danh tiếng, tiền bạc và sắc đẹp… ?

– Mà tôi cũng giống như mọi người thôi. Tôi cũng ham nổi tiếng, tiền bạc và phụ nữ. Nhưng tôi phải từ chối. Có nhiều người quý tôi đến mức độ tôi cũng không ngờ tới. Có khi cũng phải “chuồn”.

PV : Đâu phải lúc nào cũng “chuồn” được đâu?

– Đúng thế.

PV : Như anh từng nói, anh cũng muốn mọi người hiểu : Nguyễn Huy Thiệp không giống như mọi người nghĩ đâu! (cũng giống như nhà văn Hồ Anh Thái trong một bài viết của Vietimes). Anh bị quá nhiều hiểu lầm?

– Càng người thân càng hiểu nhầm tôi. Đầu tiên từ gia đình, vợ con. Đấy là điều mà tôi rất vất vả. Còn với người ngoài, ví như khi tôi có danh tiếng, khi khách đến, họ thấy nhà tôi rất rộng (1.000 mét vuông), thì sẽ nghĩ này nọ ngay. Mà nghề văn kiếm được tiền bao nhiêu đâu? Nhưng tôi may mắn vì ở trong và ngoài nước in tác phẩm của tôi đều đều từ năm 1987 đến năm 2005. Thế nhưng, nhiều khi tên tuổi lớn quá, không cẩn thận sẽ ảnh hưởng trước hết đến những đứa con của mình. Tôi có hai thằng con trai, cũng may, chúng đều là họa sĩ, bán được tranh.

PV : Anh cũng có những chuyện lo âu về con cái. Phải chăng, trong một gia đình có quá nhiều nghệ sĩ với những cá tính quá mạnh sẽ gây nên nhiều xung đột?

– Giống như một cái cây trong vườn. Khi nó lớn quá thì các cây khác bị mặc cảm, bị co lại. Nguyễn Bảo Sinh có đùa : bố tiến thì con lùi và bố lùi thì con tiến! Cho nên, sống trong gia đình phải nhìn nhau. Tôi chủ trương sống trung dung, không hèn quá và cũng không ngông nghênh quá. Nhìn chung, không thể nào giáo dục được bằng lời nói. Như cuộc sống trong gia đình, tôi vẫn quan sát mọi người, tôi biết ai tận tụy với ai chứ. Giống như trong một cơ quan, ta biết được tay nào ghê gớm, tay nào nói dối và tay nào nói thực ngay.

PV : Với những gì anh đã nhận được từ văn chương, anh có nghĩ chuyện buồn của gia đình anh là một cái anh phải cho đi, đúng theo thuyết quân bình. Mọi thứ trên một đời người cộng lại đều trở về nguyên khởi. Ai cũng như ai. Ai cũng phải CHO thứ này để NHẬN lại một thứ khác?

– Tôi nghĩ, giữa nguyên nhân và kết quả trong cuộc sống của con người có nhiều mối nhân duyên với nhau. Như nhà Phật nói, khi anh gieo nhân nào anh sẽ gặp quả ấy. Sự nổi tiếng có thể đem tới một kết quả tốt và có k
hi ngược lại. Sự giàu có và nghèo hèn cũng thế. Tôi theo thuyết trung dung, không để cho mình hèn quá, cũng không tâng bốc mình lên. Tôi giữ thuyết trung dung trong tư tưởng, tình cảm và lối sống. Tôi khuyến khích mọi người trong gia đình sống như thế. Cách sống thế rất khó. Phải trả giá nhiều tôi mới rút ra được ý thức sống như trên. Đó là cái tu dưỡng cho bản thân mình. Phải biết tự điều chỉnh để có sự cân bằng. Thấy gì lớn quá thì cũng phải lùi đi. Chứ nếu tham sân si đến chết thì khổ lắm!

PV : Danh tiếng của anh có ảnh hưởng nhiều đến con cái?

– Không cẩn thận chúng sẽ ỷ vào danh tiếng của bố.

PV : Hình như là ỷ rồi đấy chứ?

(Cười) Đúng. Chúng nghĩ ông bố nhiều tiền thì muốn gì cũng được.

Nói rồi Nguyễn Huy Thiệp dẫn tôi lên tầng 2, xem xưởng vẽ của Khoa và Bách. Tranh Khoa màu sắc chói lọi, chưa nhuần nhuyễn nhưng đã hé lộ những cá tính rất riêng. Còn tranh Bách theo nghệ thuật pop-art của Trung Quốc, có những bức lạnh lùng và vô cảm như tranh truyền thần (Lê Thiết Cương từng phân tích). Nhìn tranh, dường như Bách có vẻ giống cha nhiều hơn. Cách đây chừng năm rưỡi, Bách có ra triển lãm đầu tiên.

PV : Khi Bách ra triển lãm đầu tiên, có rất nhiều bút danh lạ ký dưới những bài khen triển lãm tranh của Bắc. Có những thông tin, đó là Nguyễn Huy Thiệp chứ chẳng ai xa lạ. Đúng là kiểu “con vẽ bố khen đẹp”. Có phải anh viết không?

– Ừ. Mình cũng phải động viên và sử dụng hết mối quan hệ để giúp nó chứ. Mình giúp người ngoài được mà sao con mình, mình lại không giúp? Hai thằng con tôi, tôi cũng bằng mọi quan hệ của mình để tổ chức triển lãm và bày tranh bán ở gallery. Nó sống được và tự tin thì cũng là điều tốt cho tôi. Có thế, tôi mới rảnh rang đi chơi được. Như trong Trò truyện với hoa thủy tiên, các nhà văn phải biết cách tổ chức đời sống thế nào để anh vừa viết vừa sống được. Văn chương dễ đưa lại tai nạn lắm. Nhiều khi chỉ vì danh hão mà rất phiền. Đánh giá một con người, có khi phải đến khi người ta qua đời rồi mới biết rằng hay hay dở.

PV : Hàng ngày nếu không viết văn thì anh làm gì?

– Tôi chẳng làm gì cả. Lang thang thôi (cười).

Nói rồi Nguyễn Huy Thiệp đứng dậy bắc nồi cơm.

PV : Buổi trưa, mọi người có hay ăn cơm cùng nhau không?

– Có. Vợ tôi cũng hay về. Bà ấy toàn nấu thức ăn trước. Còn tôi chỉ phải cắm nồi cơm thôi.

(Còn nữa)
Xuân Anh – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *