…Cái nhìn kiểu Nguyễn Huy Thiệp có thể không phải là sự dò xét, vì người như anh chắc chắn chẳng nề hà đến chuyện người khác nhìn nhận mình ra sao. Có lẽ, cái nhìn đó như muốn khẳng định đẳng cấp cao hơn trong cuộc nói chuyện với tôi. Dù sao, những ảo tưởng trong tôi đã tắt. Ngay từ lần đầu tiên gặp con người này…

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – Ảnh : Xuân Anh

Chẳng hiểu sao trong thời gian này, rất nhiều nhà văn ngại tiếp xúc với báo chí. Có lẽ, sau những tuyên bố quá nổ bong bóng, họ cảnh giác hơn với những cuộc tiếp xúc có khả năng ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Trước tôi, một cô bạn đồng nghiệp cũng đã hẹn lên hẹn xuống để gặp được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ban đầu, ông đồng ý. Thiệp hẹn cô tới một quán café gần Triển lãm Giảng Võ. Khi cô phóng viên đó hộc tốc lao xe tới cùng với một phóng viên ảnh đi kèm, thì nhận được tin nhắn hủy cuộc hẹn của ông. Chán nản và thất vọng, cô yêu cầu Nguyễn Huy Thiệp trả lời qua email để còn kịp nộp bài cho sếp. Hàng chục câu hỏi khá thú vị và thẳng thắn, chắc chắn đã được dày công suy nghĩ. Nhưng nhà văn lại không trả lời. Không một câu nào.

Ban đầu, tôi cũng gặp tình trạng như trên. Tôi gọi điện cho Nguyễn Huy Thiệp và ngay lập tức nhận được câu từ chối, sau đó là một cái dập máy lạnh lùng. Nhẫn nại, mấy ngày sau, tôi liên tục nhắn tin và gọi điện xin gặp mặt. Chẳng hiểu vì lý do gì, rốt cuộc, tôi cũng có được một cái hẹn ngay tại tư gia nhà văn. Rất có thể do tôi quá ráo riết, hoặc cũng có thể Nguyễn Huy Thiệp sau những lẩn tránh đã quyết định đối diện với phóng viên nhằm đảo ngược tình thế để lấy cảm tình từ phóng viên chăng?

Dù sao, tôi cũng sẽ gặp một người không phải “tay mơ”.

Ngõ vào tư gia Nguyễn Huy Thiệp là một con ngõ nhỏ, dài ngoằn ngoèo và hút sâu như hang rắn. Chỉ cần có một xe đi ngược chiều lại cũng đủ gây khó khăn cho người đi xuôi. Phía ngoài ngõ là một chợ phố tạm bợ, nhưng khá đông người. Khó có thể tìm thấy sự thanh thản ở nơi này. Ai cũng hớt hải, chộn rộn và cáu gắt. Xe tôi suýt nữa đâm vào một cái xe đi trước do tắc đường, vậy mà cũng bị một cái nhìn ngoa ngoắt đến cháy lông mày. Chợt nghĩ, đâu đó trong đám người xô bồ này hình như cũng có những nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp. Những con người đã bị tước đi sự mộng mơ, ảo tưởng, niềm tin vào cái đẹp để sống một cuộc sống với con mắt ráo hoảnh.

Hàng ngày, trên con đường trần trụi như thế, nhà văn và “những mảnh nhân vật hóa thân từ anh ta” liệu có khác biệt gì so với đám đông lố nhố đó?

Mở cánh cửa gỗ nâu ẩm mốc rêu, chủ nhà – Nguyễn Huy Thiệp – tiếp tôi là một người đàn ông có nước da nâu sậm, bước đi hơi lật đật, giọng trầm đục, bèn bẹt như một anh nông dân quen cầm cuốc xẻng hơn là người cầm bút. Sau này, khi gặp lại Nguyễn Huy Thiệp một lần nữa, trong bộ trang phục sơ-mi quần âu giản dị, đi xe “mốt” Attila trắng xóa, tôi vẫn không thấy Nguyễn Huy Thiệp thoát ra khỏi bóng dáng ấy. Anh không có nhiều phong thái của các nhà văn thời kỳ trước. Không hiền hậu chất phác như Nam Cao, không lịch lãm như Nguyễn Huy Tưởng, không hóm hỉnh như Tú Mỡ, không uyên bác như Nguyễn Tuân, không thanh tú như Nguyễn Khải. Phải chăng thời đương đại với những ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tinh thần đã tước đi “sự đẹp đẽ” trên khuôn mặt nhà văn?

Theo chân Nguyễn Huy Thiệp, tôi bước vào phòng khách. Căn phòng lồng lộng gió với cửa sổ và cửa ra vào trổ rộng. Nguyễn Huy Thiệp rót cho tôi một ly nước lọc. Về phía mình, anh mở nắp cốc nhựa, bên trong có nước đậu nành đang uống dở. Anh nói, dạo này ngày nào anh cũng uống nước đậu để tăng cường sức khỏe. Câu chuyện dở dang thi thoảng bị ngừng lại, Nguyễn Huy Thiệp cầm cốc nước đậu nành lên, nhấp chút môi. Một động tác nhỏ đó cũng đủ thấy cuộc sống của nhà văn dạo này khá điều độ.

Tôi cũng uống một ngụm nước, tranh thủ lướt mắt nhìn quanh phòng khách. Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn không phải týp người sành như ông bạn thân Lê Thiết Cương. Ngôi nhà có nội thất khá sơ sài, không tủ tường đựng sách, không đồ cổ. Hoàn toàn không đẹp đẽ và kiểu cách như tôi từng hình dung. Ngay bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng rất giản dị. Tuy nhiên, đó không phải là vẻ đẹp được giản dị hóa, mà là sự giản tiện đến tuềnh toàng.

Cây bút từng được ví là sắc sảo như lưỡi gươm ở thời điểm xuống dốc không còn (hoặc cũng có thể là không có) vẻ uy nghi, sự hào sảng và cách nói chuyện đầy mê dụ của một “đức quân vương” (Nguyễn Huy Thiệp được tụng xưng là “ông vua truyện ngắn”). Trái lại, giọng nói lắp bắp khiến những câu chuyện rời rạc càng thêm bị cắt đoạn. Những người nói lắp không phải do tật từ trong cuống lưỡi, mà do tâm lý tự kỷ khiến họ khó khăn trong diễn đạt. Có thể khi gặp những người khác, Nguyễn Huy Thiệp sẽ không như vậy. Nhưng ít ra với tôi, trong hai lần gặp, lần nào Nguyễn Huy Thiệp cũng nói lắp. Anh không thích nhìn thẳng vào mắt người đối diện, chỉ nhìn quanh quất đâu đó. Thi thoảng dừng câu chuyện, liếc xem tôi phản ứng ra sao.

Cái nhìn kiểu Nguyễn Huy Thiệp có thể không phải là sự dò xét, vì người như anh chắc chắn chẳng nề hà đến chuyện người khác nhìn nhận mình ra sao. Có lẽ, cái
nhìn đó như muốn khẳng định đẳng cấp cao hơn trong cuộc nói chuyện với tôi. Dù sao, những ảo tưởng trong tôi đã tắt. Ngay từ lần đầu tiên gặp con người này.

Đó là một buổi tối cách đây chừng hai năm. Một buổi biểu diễn ca trù đầu tiên của đào nương Phạm Thị Huệ tại tư gia, đồng thời cũng là gallery của họa sĩ Lê Thiết Cương. Đào nương Phạm Thị Huệ vốn là giảng viên Nhạc viện Hà Nội về tỳ bà, và được đánh giá là người chơi đàn tỳ bà hay nhất Việt Nam (theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền).

Gallery chật cứng chỗ ngồi. Nhóm của chị Huệ gồm có chị và hai người thầy là cụ Chúc và cụ Đẹ, được phong là Nghệ nhân dân gian, đến từ Hà Tây và Hải Dương. Đây là một nhóm hát ca trù có cỡ, dù khi đó Huệ mới chỉ học ca trù vài tháng. Trong buổi lễ ra mắt đó, có một người đàn ông hơi thấp, bồn chồn đi lại, mặt tỏ vẻ không hài lòng.

Buổi lễ bắt đầu. Tay MC giới thiệu về nhóm và cảm ơn các quỹ tài trợ nước ngoài. Khi ấy, chính người đàn ông mà tôi chú ý trước đó cất lên một giọng nói đanh thép ngay bên cạnh tôi : Nhớ nói là anh Lê Thiết Cương “tài trợ” hai triệu đấy nhé! Rồi giọng lại lí nhí, như chửi tục một câu gì đấy. Tôi liền hỏi ngay người bạn đi bên cạnh, và khi ấy mới hay là “ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp. Chừng mười lăm phút sau, như không tiêu hóa nổi “món” này, Nguyễn Huy Thiệp bỏ về.

Hai năm sau, tôi mới có dịp gặp lại Nguyễn Huy Thiệp. Một lần tại tư gia, lần khác tại một quán café tại khu phố từng là điểm đến của “dân chơi” Hà Nội : phố Hàng Hành.
Buổi trò chuyện này được thực hiện khi tôi ở nhà Nguyễn Huy Thiệp. Nghĩa là khi tôi đối mặt với anh ta, Nguyễn Huy Thiệp cố gắng thể hiện trạng thái mềm mỏng và xã giao nhất có thể. Có lẽ khi mời tôi đến nhà, Nguyễn Huy Thiệp muốn cho tôi thấy một trật tự gia đình, một niềm tự hào lớn lao của anh?

PV : Phải sau 10 năm làm giáo viên, anh mới viết văn. Thế là có khoảng gần 10 năm lặng lẽ của Nguyễn Huy Thiệp. Hồi ấy, khi còn là giáo viên tại Sơn La, anh thực sự mong muốn điều gì?

– Khi ấy tôi là trai Hà Nội xịn, 20 tuổi lên ở vùng núi rừng 10 năm. Tôi đang từ nơi đô hội đi lên vùng núi dạy toàn những… ông bà già. 10 năm sống với rừng núi, thiên nhiên, sách vở. Tôi bạ sách gì đọc sách đấy, từ sách dễ đến sách khó. Gần như kho sách của Khu tự trị Tây Bắc đã bị tôi nghiến gần hết. Hồi đấy, quyền uy của vua Mèo cũng đỡ đi rồi, tôi ở vùng Thái, thấp hơn.

Ở Tây Bắc buồn lắm, không biết phụ nữ, muốn gửi một cái thư phải đi tới 17 cây số. Tôi dạy ở Trường Bổ túc Văn hóa cán bộ (sau này đổi tên thành Trường Bổ túc Văn hóa công nông). Nghĩa là tôi phải dạy người đã đi làm, lớn tuổi. Trong khi mình là một thanh niên 20 tuổi. Họ là những cán bộ miền núi người Thái, người Mèo và bộ đội người Kinh. Văn hóa chỉ lớp 1 lớp 2, nhưng lại nắm giữ chức vụ khá cao, chủ yếu là cán bộ quan trọng nhất của Khu tự trị. Họ có tinh thần kỷ luật cao, rất ham học, nghiêm túc và cố gắng thực sự. Như kiểu týp người cũ đặt ý chí phấn đấu lên hàng đầu. Trong 3 năm đầu tiên, tôi dạy nhiệt tình và hết lòng vì học viên. Giảng giải từng tí một, từ lớp 3 đến lớp 10. Tôi tốt nghiệp Sử, nhưng phải dạy tất cả các môn, từ Văn, Địa lý, đến Chính trị, Toán… vì thiếu giáo viên.

Giáo viên cấp III chỉ có 3 người, trong đó có tôi, một anh giáo viên Toán và một giáo viên Văn (học bổ túc lên). Hồi ấy quy củ chẳng ra làm sao, lớp của tôi bị nợ rất nhiều môn. Những chương trình từ lớp 3 đến lớp 10 nhiều như thế, tôi phải tìm cách rút gọn đi.

3 năm sau, tôi cũng nản, thất vọng. Tôi nhận ra không ai dạy được ai, nhất là khi đã có tuổi rồi. Bộ óc già đi, muốn nhét chữ thì cũng chịu.

PV : Khi ấy anh đã nghĩ sau này mình sẽ quẳng phấn mà cầm bút thành nhà văn?

– Mơ ước thì từ nhỏ tôi cũng loáng thoáng nghĩ tới, vì nhà tôi có nhiều sách. Khi lên Tây Bắc, đọc nhiều hơn, thì cái mong muốn ấy được thêm củng cố. Nhưng tôi cũng chẳng biết viết thế nào. Có lẽ do đọc nhiều quá nên trong lòng mình tự bộc phát lên thôi. Cũng có những truyện tôi viết từ năm 20, 21 tuổi. 10 năm sống trên đó tôi giống như một tu sĩ.

PV : Những người tài đa phần cô đơn lắm! Họ thường xuyên khắc khoải, đau đáu chứa đựng những điều chưa thực hiện được. Một nhà văn Nga có nói, hạnh phúc là hành động tìm mọi biện pháp để lấp đầy sự thiếu hụt mình không thể nào thực hiện được. Thực sự, đó là những khoảng trống không thể nào lấp đầy, vì khi lấp đầy được là khi ấy anh “hỏng”. Anh sẽ chẳng còn viết, chẳng còn hoàn thiện được nữa. Hồi trẻ, anh đã cảm nhận được điều đó chưa?

– Mới chỉ lờ mờ thôi. Mà sao tuổi trẻ của tôi không cô đơn? Chỉ khi người ta sống, càng về gi&agrave
; mới càng cô đơn. Tuổi trẻ trong lòng có nhiều ham muốn điều này điều kia nên tôi không thấy cô đơn. Tôi chỉ thấy buồn thôi. Nhưng về sau, càng nổi tiếng tôi càng thấm thía sự cô đơn. Tôi có nhiều người yêu và cũng có nhiều người ghét.

Khi trở về Hà Nội, tôi cảm nhận rõ ràng về sự lạc lõng, dù quê cha đất tổ ở đây. Lúc ấy, tôi chưa có danh tiếng. Phải làm đủ việc, lao động vất vả nuôi gia đình. Nhìn ra xã hội thấy mình chẳng bằng ai. Tôi cũng mong muốn, khát khao có danh tiếng như họ. Cũng muốn đi nước ngoài, trở thành người nọ người kia. Nhưng thực sự nhu cầu kiếm tiền nhiều hơn. Tôi hiểu rất rõ : không kiếm được đồng tiền sẽ nguy to.

PV : Lý trí khi ấy đã đạp đổ những giấc mơ. Anh có thấy mình tỉnh táo quá không?

– Tôi không biết. nhưng tôi nghĩ ai cũng tỉnh táo thôi. Hơn nữa, khi ấy tôi có bố mẹ già, đã có vợ và 2 đứa con. Vợ tôi dạy học ở trên Bắc Ninh. Lúc đó, tôi không viết văn. Tôi làm việc ở Triển lãm Giảng Võ, buôn bán giấy.

PV : Ngày ấy làm gì có buôn bán. Ý anh nói là buôn lậu?

– Bọn tôi buôn lậu từ trên Tuyên Quang, mua với giá bao cấp của Nhà nước. Tôi còn nhớ, mua ở Tuyên Quang có 350 đồng một cân, mà đem về Hải Dương bán được 1.800 đồng. Nếu đem tới Nam Định còn bán được 2.000 đồng cơ mà! Tôi rất liều lĩnh. Tôi tự tổ chức và tìm thêm một, hai lái xe cùng đi theo tôi. Hồi ấy, tôi có rất nhiều tiền, thậm chí có người nhờ lập kế hoạch, tổ chức và bán lẻ cho học sinh ở trường.

Trong quá trình đó, tôi nhận ra rằng, khi mình ở những nơi thấp, xa xôi, lạc hậu thì con người có ý thức hướng thượng, sống nghiêm túc hơn những người ở nơi “cao”. Tôi thất vọng, nên tôi bỏ Nhà nước là thế.

Có nhiều yếu tố khiến tôi bỏ Bộ Giáo dục. Khi đi kiếm sống vất vả, biết nhiều, mong muốn viết văn chương của tôi trỗi dậy.

PV : Có luồng dư luận cho rằng, truyện ngắn của anh giống phóng sự nhiều hơn là văn học. Những truyện sốc thường dễ gây hiếu kỳ. Nhờ đó mà anh đã gặp thời?

– Có lẽ là như vậy. “Có thời có tự mảy may, không thời cả thế gian này cũng không”. Cho nên, có lẽ tôi là một trong những nhà văn hợp thời sau Đổi mới. Tướng về hưu xuất hiện sau 87. Cùng với Tướng về hưu, tôi cũng có một tập truyện trong tay. Thời đến đúng lúc và trước đó tôi cũng có 10 năm tích tụ. Cô làm nghề viết sẽ biết ngay. Mình sống thế nào mình mới viết được. Mình ngồi một chỗ không viết được đâu. Viết phải đi, đọc và sống trong dòng chảy của nhân gian.

PV : Khi ấy, bài phê bình "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió" của “giáo sư” Hoàng Ngọc Hiến có phải chất xúc tác cho danh tiếng của anh vụt sáng?

– Đó cũng chỉ là một yếu tố thôi. Khi tập bản thảo của tôi gửi vào miền Nam, người đầu tiên đọc là Nguyễn Duy và Thu Bồn. Tập truyện đầu tiên của tôi được in trong Sài Gòn.

PV : Anh có nghĩ, nếu in vào thời điểm này, tập truyện ấy chưa chắc gây được nhiều tiếng vang như thế?

– Cũng có thể. Tôi cũng không biết nữa. Bạn đọc mỗi thời một khác. Bạn đọc thời ấy cũng có thể có sự ấu trĩ thế nào đấy, tôi không biết. Bạn đọc bây giờ có trình độ hơn, ghê gớm hơn chăng?

Tôi không rõ tôi có phải là một tay nhà văn gặp thời không. Nhưng văn học phản ánh cuộc sống.

Cái hay cái dở cũng chỉ là một khía cạnh thôi, như xem xét con người có nhiều khía cạnh. Con người đa dạng lắm, ở nhà khác, trong xã hội khác. Khi tôi mặc một bộ cánh là tôi trở thành một người khác. Lúc thật lúc giả, nhiều cái phức tạp.

PV : Anh cảm thấy anh sống thật được với mình đến mức độ nào? Anh có dám khẳng định mình không đeo mặt nạ khi bước ra ngoài xã hội không?

– Tôi không biết, nhưng những người bạn bè đều công nhận tôi sống thật. Tôi là người sống thật…

(Còn nữa)
Xuân Anh – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *