Cũng như thơ của một số nhà thơ Mỹ – Latinh khác (đặc biệt la Ghiden – nhà thơ Cuba), thơ Hugơ thường có đặc điểm gần với các điệu hát nhảy. Một số đoạn, số câu lặp lại như một điệp khúc, rất tạo động tác, đồng thời tạo nên một sự dồn nén, chất chứa…

Cuộc đời anh chẳng có gì đâu
Toàn những thứ có-trời-biết-được
Anh đã bảo
Cuộc đời anh chẳng có gì đâu
Toàn những thứ có-trời-biết-được
Một thứ này rồi thêm thứ khác
Dồn mãi vào trong tủi cực của anh

Khi gặp em
Anh ngỡ gặp một thiên thần trinh bạch
Khi gặp em
Anh ngỡ gặp một thiên thần trinh bạch
Nhưng em đã biến thành con quỷ độc
Đã làm anh như dại như điên

Hãy bảo anh, em hãy bảo anh
Gì đã khiến tình yêu đau đớn thế?
Hãy bảo anh
Gì đã khiến
Tình yêu đau đớn thế?
Nó túm anh, nó bẻ vụn anh ra
Mà anh cứ phải yêu trở lại.

("Tình yêu trở lại" – Thơ Lăngxtơn Hugơ; Đào Xuân Quý dịch)

Bài thơ cho thấy thế nào là nỗi thống khổ của con người khi rơi vào "trận đồ bát quái" của ái tình.

Vì rằng, ở đây, ái tình không hiện lên với vẻ mời chào hấp dẫn của một thứ quả ngọt hoa thơm. Nó không vỗ về, an ủi con người, mà trái lại còn kích động tinh thần, giày vò thể xác họ. Chính vì thế mà với "người tình" của mình, tác giả đã không ngớt lời rủa xả, nào là: Em không phải "thiên thần trinh bạch", rằng thì, đó là một "con quỷ độc". Và "con quỷ độc" ấy đã làm nhà thơ hóa điên hóa dại vì nó. Tất nhiên ở đây, ta hiểu Hugơ sử dụng phương thức ném mạnh một vật xuống để nó bật cao hơn đó thôi. Chính Alếchxăng Blốc – trong bài thơ "Ra tòa", cũng dùng phương thức này. Sau khi buông lời trách cứ vợ một cách nặng nề: "Nàng cuồng nhiệt, nàng vô tâm, nàng trống rỗng", nhà thơ nổi tiếng bởi phong thái điềm đạm, lịch lãm này đã liền phải thở than đính chính: "Nàng thiên thần, ôi đừng chấp gì ta". Cả Blốc lẫn Hugơ, trước sau đều muốn khẳng định một thực tế: Họ luôn là người tôn thờ tình yêu, tôn trọng phụ nữ, nhưng quả thật tình yêu đã gây cho họ nhiều vết thương khó chữa.

Ảnh minh họa

Và một trong những cái "khó chữa" là họ khó xác định được nguyên nhân gì đã làm nên nỗi đớn đau của tình yêu. Nói như Hugơ, cái đó chỉ có "em" mới biết và trả lời anh được thôi.

Lăngxtơn Hugơ (1902- 1963) là nhà thơ Mỹ da đen có giọng thơ sôi nổi, mạnh mẽ, đầy tinh thần phản kháng. Bài thơ "Rãnh nước xanh" (in trong tập "Những nhà thơ da đen" – Nhà xuất bản Văn học, 1962) là bài thơ hừng hực sự phẫn nộ căm thù. Tác giả đề cập tới một vụ giết người. Nạn nhân là "ông chủ da trắng" đã phải chết bởi bàn tay một người làm công da đen – một kẻ "tôi mọi" từng bị y bóc lột tàn tệ, và hơn thế, còn bị cướp mất người yêu. Vậy là máu đã đổ cho một cuộc tình có vay có trả.

Cũng như thơ của một số nhà thơ Mỹ – Latinh khác (đặc biệt la Ghiden – nhà thơ Cuba), thơ Hugơ thường có đặc điểm gần với các điệu hát nhảy. Một số đoạn, số câu lặp lại như một điệp khúc, rất tạo động tác, đồng thời tạo nên một sự dồn nén, chất chứa…

Bài thơ làm tôi nhớ tới một câu ngạn ngữ rất hay của Ba Lan: "Tình yêu cũng giống như chiếc răng. Khi mọc, nó làm ta đau. Khi gìn giữ nó, ta phải chịu đau. Khi rụng, nó cũng làm ta đau. Nhưng ở đời, không ai không muốn có răng".

Quả vậy, dẫu biết tình yêu thường đi liền đắng cay, khổ tủi, nhưng trên đời dễ mấy người có thể chối từ, xa lánh được tình yêu?

Theo Nguyễn Tùng Lâm – CAND Online
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *