Tan hoang sau lũ lụt, Hà Tĩnh vẫn dành một tuần kỷ niệm 245 năm ngày sinh, 190 năm ngày mất của đại thi hào. Các sự kiện sẽ được làm giản dị, tập trung phản ánh tinh thần nhân văn và sức sống trường tồn của tác giả ‘Truyện Kiều’.

Tuần văn hóa du lịch Quê mình quê thơ diễn ra từ 27 đến 31/10. Đây là sự kiện kết thúc tháng cao điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, do UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Hội nhà văn Việt Nam thực hiện.

Sáng 14/10, trong buổi họp báo công bố chương trình, ông Vũ Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, cho biết mặc dù đang phải khắc phục những thiệt hại nặng nề, 12 người chết, hàng nghìn người bị thương, tổn thất nhiều tỷ đồng do trận lụt vừa qua, tỉnh vẫn quyết tâm tổ chức thành công chuỗi sự kiện.

Tượng Nguyễn Du tại Khu di tích đại thi hào ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: vanhoahatinh.gov.vn.

Nguyễn Du là người con của Hà Tĩnh “địa linh, nhân kiệt” nhưng cuộc đời ông cũng có gắn bó và đóng góp không ít cho sự phát triển của Thăng Long. Từ năm 1802 đến năm 1814, ông sống ở kinh thành, làm quan dưới triều Nguyễn.

Đã hơn 200 năm, vị trí của Nguyễn Du trong nền văn học Việt Nam vẫn không thể thay thế được. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, thời đại của Nguyễn Du, thế kỷ 18 – 19, là những năm tháng lịch sử loạn lạc biến động bậc nhất nhưng cũng sản sinh ra một thế hệ tác gia cổ điển đỉnh cao của Việt Nam. Ngoài Nguyễn Du, còn có Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…

Nhà văn Ngô Thảo nhận xét: “Hà Nội sở dĩ thành Hà Nội như ngày nay là nhờ tinh hoa bốn phương tụ về, như Nguyễn Du, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hồ Chí Minh…”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục soạn kịch bản và làm điều phối viên cho chương trình tưởng nhớ Nguyễn Du tại Khu di tích của đại thi hào ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đêm 31/10. Ông nói: “Làm lễ kỷ niệm trong thời điểm này mà tiêu tốn tiền bạc phí phạm thì không đang tâm. Chúng tôi chủ trương tiết kiệm”.

Cách đây 3 tháng, nhà văn đã xây dựng xong kịch bản, thiết kế sân khấu, khán đài. Mới đây, ông phải chỉnh sửa, bản chất kịch bản vẫn giữ nguyên nhưng quy mô phải thay đổi để giảm kinh phí. Thời lượng giảm từ 120 phút xuống còn 85 phút, khán đài vòng cung phải hủy bỏ, thay vào đó là mặt bằng cho người dân đến xem. Số lượng diễn viên quần chúng tham gia cũng phải giảm đi.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục là tác giả kịch bản và điều phối viên của "Lễ kỷ niệm 245 ngày sinh, 190 năm ngày mất Nguyễn Du" tối 31/10, chương trình trọng tâm của Tuần văn hóa "Quê mình quê thơ".

Tối 31/10 sẽ diễn ra đêm trình diễn múa, sắp đặt đương đại, chú trọng các tiết mục lẩy Kiều, diễn Kiều do dân gian thể hiện. Chương trình tái hiện tình người bao la của đại thi hào như ông từng bộc lộ qua Văn tế thập loại chúng sinh và nhiều tác phẩm khác. Nguyễn Khắc Phục cho biết, hai chủ đề chính của 85 phút trình diễn là “Tại sao Nguyễn Du trở thành thiên tài?” và “Tại sao Truyện Kiều có sức sống bất diệt?”.

Bên cạnh chương trình đêm 31/10, Tuần lễ Quê mình quê thơ còn có nhiều sự kiện khác như đêm thơ Nguyễn Du – Puskin 29/10; trao giải Nguyễn Du lần thứ 5 ngày 29/10; trưng bày ấn phẩm, hiện vật về Nghi Xuân, Nguyễn Du và Truyện Kiều từ 27/10 đến 31/12. Ngoài ra, có nhiều hội thảo về các vấn đề văn hóa, khoa học, văn học. Tất cả sự kiện diễn ở tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Phạm Mi Ly – eVan
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *