1 – Mắt cô đắm đuối nhìn đám rùa biển con vừa chui khỏi vỏ trứng. Sau một đêm, chúng đã giã từ cái vỏ trứng bao bọc để chui ra ngoài, nếu may mắn (mà, dĩ nhiên là chúng may mắn rồi, vì bây giờ cô đang canh chừng cho những bé rùa đáng yêu này mà) thì chúng sẽ ra được biển, rồi lớn lên, sinh con đẻ cái, rồi chết. Nếu không may mắn (cô không thể bao bọc chúng mãi được, làm sao mà cô chui xuống đáy biển để canh chừng cho chúng được bình an?), chúng có thể bị người ta bắt, bị các động vật khác tấn công… Sóng vẫn hiền lành từng đợt vỗ vào bãi cát trắng xoá và hàng phi lao vẫn hồn nhiên hát những khúc nhạc rất nhạt nhẽo của mình vì chỉ ngần ấy giai điệu… Cô yêu những chú rùa con. Nhìn chúng cựa quậy, thoát ra khỏi vỏ trứng rồi vẫy vẫy bốn cái chân bé xíu như bốn mái chèo tí hon rẽ cát đi về phía biển, lòng cô luôn trào dâng một cảm giác nôn nao, hạnh phúc khó tả.

Khi nào thì cô cũng sẽ đi về phía hạnh phúc của mình như những chú rùa biển tí hon kia? Có những đêm, cô thức canh từ khuya đến gần sáng, để dùng đèn pin soi đường hàng trăm bé rùa bé xíu thấy đường ra biển. Cô biết, trong hàng trăm bé rùa đó, nhiều lắm là một hai bé còn sống sót sau sự sàng lọc của tự nhiên lẫn sự phá hoại của con người để thành một anh/chị rùa, rồi thành cụ rùa… Vì thế nên, mỗi lần nhìn những bé rùa bé nhỏ bắt đầu hành trình sống của mình là mỗi lần cô xúc động. Cô có ghi lại hình ảnh này bằng máy quay chuyên dụng của mình nhưng sao cảm giác xem băng hình vẫn không bao giờ đem lại cho cô cảm xúc như khi cô nằm mẹp trên bãi cát, nhìn đám sinh linh bé bỏng kia háo hức rẽ cát… Có lẽ, còn lâu lắm, cô mới trở lại nơi này và giúp những bé rùa khác tìm đường ra biển. Chọn anh hay chọn rùa? Cô đã quá ba mươi, cô không xinh đẹp và cô khó có cơ hội để tìm được một người đàn ông yêu mình như anh. Không thể mãi dõi theo những mái chèo bé xinh rẽ cát, cô cũng phải rẽ sóng tìm hạnh phúc của mình. Ngày mai, anh sẽ đến đây, đón cô và họ sẽ cùng về nhà anh, thăm bố anh đang bệnh, rồi chuẩn bị cho hôn sự của mình. Bố anh không muốn ông phải qua đời mà chưa chứng kiến đám cưới của con trai mình. Anh con trai đã “chiến đấu” với đám rùa biển suốt năm năm qua để đợi chờ trái tim của người con gái mình yêu thương lành đi những vết cứa của quá khứ.

 

2 – Anh háo hức đi đi lại lại trước bản vẽ của mình. Anh đã vẽ cho cô, à, không, cho cả hai, một tổ ấm trong mơ. Ngôi nhà có thiết kế hình một bé rùa, những chiếc mái chèo nhỏ xíu chính là bồn hoa mà cô sẽ chăm bón… Ngôi nhà cũng sẽ tràn ngập không khí của biển, với vỏ ốc, với tiếng xào xạc của phi lao, sóng biển rì rào và phòng ngủ của họ được anh thiết kế với trần mở ra, nhìn thấy cả những vì sao đêm… Năm năm, có lẽ đủ cho những vết thương của cô dịu bớt và cô sẽ tìm lại được chính mình, tìm được niềm vui sống đích thực. Anh nhớ, lần đầu tiên gặp cô trên bãi biển, khi anh đi chạy thể dục buổi sáng, thói quen mà anh vẫn bị bạn bè đùa là lành mạnh một cách kinh dị, nhất là trong những kỳ nghỉ ở biển, mọi người tha hồ nhậu say bét nhè rồi lăn ra ngủ. Cho sướng đời, tội gì đi nghỉ mà cũng phải tập thể dục… (Ấy là họ nói thế, cứ như tập thể dục là thứ gì đó kinh khủng, đày ải lắm). Anh còn nhớ hôm đó, khi mặt trời mới rón rén từ từ nhô mình khỏi mặt biển, cả không gian tắm trong một màu âm ấm dịu dàng sớm mai, anh thấy cô nằm ngủ mê mệt trên bờ cát, tóc xoã, bên cạnh cô là chiếc đèn pin và những vỏ trứng rùa biển đã nứt ra. Sóng ở đây quá êm dịu đủ để không xoá đi những vết di chuyển trên cát của những chú rùa biển nhỏ xíu… Có một ít kiến thức về động vật biển đã giúp anh kết luận ngay cô là ai, sau phút giây đầu tiên hoảng hốt vì tưởng cô là xác chết tấp vào bờ. Không hiểu trời xui đất khiến gì khiến anh không muốn rời khỏi chỗ đó. Và thế là anh tự nguyện thành người canh giấc ngủ cho cô. Đến khi tỉnh lại, cô ngơ ngác nhìn anh rồi bình thản đứng lên đi về phía một ngôi nhà nhỏ ở trên đồi… Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, anh lại đi theo cô, y như một gã si tình ngốc nghếch, mà, thật sự là trông cô cũng chẳng xinh đẹp đến mức choáng ngợp một người con trai.

Tiếng chuông điện thoại reng, lôi anh ra khỏi vùng ký ức. Điện thoại của anh vang lên đoạn cao trào của bài nocturne số 20 cung đô thứ của Chopin. Anh thích bài nocturne này, nó làm anh cảm thấy yêu đời, cảm thấy muốn sống, muốn yêu một ai đó, muốn dang tay để ôm lấy cuộc đời và người mình yêu vào lòng… Anh cài đoạn nhạc đó cho số điện thoại của cô, để mỗi khi đoạn nhạc ấy vang lên, anh biết là cô đang gọi mình.

Anh đây! – anh nói, dịu dàng và đầy quan tâm.

Anh đã mua được vé máy bay chưa? – cô hỏi, có chút lo âu trong giọng nói.

Anh đã mua rồi, mua vé khứ hồi cho anh và vé một chiều cho em. An tâm đi, ngày mai là em đã có mặt ở đây rồi, anh muốn dành cho em một bất ngờ…

Giọng cô cười, nghe chừng nhẹ nhõm một chút.

Ngoài việc cô dâu đến nhà chồng chỉ một ngày trước lễ cưới thì còn gì bất ngờ hơn nữa không? Mẹ đã nói với em hết rồi…

Anh bật cười, mẹ vẫn là mẹ, không thể giấu được cái gì với những người mẹ yêu thương…

Còn nhiều bất ngờ lắm… Em cứ tin thế nhé!

Cô đã tắt điện thoại, anh vẫn để máy, không bấm nút tắt, nghe sự im lặng và mường tượng như cô đã để điện thoại xuống, và lại đi ra bờ biển. Có lẽ, cô sẽ tạm biệt đám rùa biển của cô, dù chúng bây giờ đang ở tận biển khơi và trong số hàng nghìn bé rùa mà cô đã bảo vệ, đã dẫn đường cho chúng ra biển, chỉ còn sống sót lại một số rất ít.

Anh đã làm mọi thứ, mọi thứ có thể để cô an lòng. Có cả những việc anh chưa hề nói với cô như là đi về quê cô và tống cái gã cha dượng kinh tởm của cô vào tù một cách hợp pháp lý và đúng đạo đức. Anh cũng đã tìm đến một bác sĩ tâm lý, nhờ cô ấy vờ làm một du khách đi biển, vờ quen biết cô, để rồi giúp đỡ cô, giúp cô dần thoát khỏi chấn thương tâm lý đã hằn vết quá nặng nề trong tâm hồn cô… Anh cũng đã thuyết phục được gia đình mình để họ hiểu cô và yêu thương cô, anh đã đưa mẹ ra biển, để mẹ làm quen với cô và thấu hiểu rằng cô là một người phụ nữ đáng yêu đến mức nào. Mẹ anh đã nói rằng một cô gái tận tuỵ và dịu dàng với đám rùa bé xíu kia sẽ là một cô con dâu tốt và một người mẹ tốt vô cùng… Làm sao có thể tốt với con người được nếu như không biết tốt với những con vật bé nhỏ? Đó là lý luận của mẹ anh và anh thực sự hạnh phúc biết bao khi mẹ anh đã nói vậy. Bây giờ, mẹ anh đang hối hả sắm sửa cho phòng tân hôn của anh và cô. Anh biết rõ điều đó.

Điện thoại anh lại reng chuông, lần này là giọng của cô: “Anh ơi, mẹ gọi anh”. Anh khẽ mỉm cười, năn nỉ mãi cô mới tham gia trò khỉ này cùng anh khi chịu ghi âm giọng nói làm chuông điện thoại.

Con nhớ về thẳng nhà mình nhé. Mẹ sẽ nấu cho các con bữa cơm chiều, rồi cho con bé xem phòng tân hôn luôn, bất ngờ lắm… (mẹ cười khúc khích, anh yêu nhất giọng cười trẻ trung này của mẹ và hay đùa rằng ngày xưa, chắc bố anh cưới mẹ anh chỉ vì cái giọng cười này quá).

3 – Cô dựa đầu vào người anh. Chiếc máy bay này nhỏ quá… Không sao! Chỉ một tiếng thôi là mình sẽ về nhà. Mẹ đang đợi mình với bất ngờ gì đó… Anh cười khúc khích y hệt như mẹ anh. Cô nghĩ thầm… Tạm biệt những bé rùa của chị… Cảm ơn các em… Cảm ơn vì tất cả… Cô đang đi về phía hạnh phúc của mình. Tổ ấm của cô là anh, hạnh phúc của cô là anh… Nhưng sao cô bỗng thấy lo âu thế nào. Máy bay đột nhiên chao nghiêng, rồi tất cả không còn gì nữa. Cô chỉ kịp cảm nhận hai cánh tay anh vòng quanh người cô, bảo bọc cho cô và giọng nói trấn an của anh: Có anh đây! Em đừng sợ!

4 – Tôi được mời đi dự đám cưới của họ. Một đám cưới chạy tang. Ban đầu tôi cũng không muốn đi vì thấy kỳ kỳ thế nào. Chẳng lẽ họ ăn cơm trước kẻng nên phải chạy trước như vậy? Họ có còn trẻ trung gì đâu mà bồng bột. Có người còn đùa rằng đi đám cưới để xem cô rùa biển đó có gì đặc biệt mà chinh phục được anh chàng kiến trúc sư tài năng, đẹp trai, con nhà gia thế… Tôi đã đến đám cưới của họ. Ngôi biệt thự có sân vườn rộng mênh mông ở ngoại thành của gia đình anh kiến trúc sư hôm nay đông đúc lạ thường. Tôi đã đến đây vài lần, lần nào cũng kinh ngạc về sự biến hoá của khu vườn trong biệt thự này. Dắt xe vào trong cổng rồi, bất giác, tôi có cảm giác là lạ. Đám cưới mà không thấy che rạp. Tôi hỏi một người giữ xe, phòng khi mình nhầm, người đó nhìn tôi với cái nhìn kỳ lạ rồi gật đầu: Dạ, đám cưới ạ!

Tôi bước vào nhà, đi qua con đường trong sân, hôm nay đã thay gạch đỏ bằng lát sỏi, sân vườn thành một bãi biển nhân tạo với cát trắng, những cây phi lao đã kịp xào xạc trong gió nhẹ…

Trước mắt tôi là hai chiếc quan tài, có bài vị của họ đặt cạnh nhau. Trên tường là dòng chữ Lễ tân hôn. Người mẹ đứng như muốn quỵ xuống bên quan tài con, người bố phải có người dìu đang tựa vào quan tài của con dâu… Tiếng người chủ lễ tân hôn như nấc: “Chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc”. Trong đám đông có tiếng nấc nghẹn.

Người mẹ quỵ hẳn, đám đông nháo nhác một chút. Người cha cất lời, giọng run run:

Chân thành cảm ơn cô bác, anh chị em bạn bè đã đến dự lễ tân hôn của cháu. Xin mọi người hãy mỉm cười để chúc lành cho hai cháu trên thiên đường.

Không chịu nổi không khí buồn thảm đó, tôi bước nhanh ra ngoài. Mắt tôi bị vật gì trắng trắng trên bãi cát nhân tạo thu hút. Tôi bước đến gần để xem đó là cái gì. Hoá ra, đó là một ổ trứng rùa biển, những vỏ trứng đã nứt, không có chú rùa con nào… Tiếng sóng biển rì rào từ những chiếc loa nhỏ, giấu kín sau mấy tảng đá tự nhiên nghe buồn thảm quá…

Những người khách đến dự đám cưới vẫn lặng lẽ vào ra… Hoa hồng trắng, hoa lys trắng muốt thơm ngát vẫn bay từ trong nhà ra, thơm ngát cả bãi cát trắng có những vỏ sò, tảng đá và ổ trứng rùa con đã nở…

Minh họa: Hồng Nguyên

Truyện ngắn của Trần Thị Hồng Hạnh – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *