Người nào cũng ba lô, túi xách và va li kéo tay. Lên tàu thì lấy sách báo ra đọc ngay. Một không khí sách tràn ngập trong các toa tàu. Mỗi năm một lần, vào cuối tháng chín, dân Bắc Âu lại đổ về đây, để được gặp những nhà văn quốc tế và khu vực.

Từ chuyến tàu đến hội chợ

Hội chợ Sách Quốc tế Gothenburg ở Thụy Điển có quy mô lớn nhất ở Bắc Âu, và đứng thứ hai ở châu Âu, sau Hội chợ Sách Frankfurt. Mấy lần đến Gothenburg, nhưng đây là lần đầu tôi đi tàu hỏa đến hội chợ. Những lần trước đều đi máy bay, từ một điểm quá cảnh ở Tây Âu mà bay thẳng đến thành phố cảng lớn nhất vùng Bắc Âu.

 

Một góc hội chợ sách Gothenburg.

Lần này, chúng tôi lên một chiếc tàu hỏa nối từ Copenhagen sang. Ra khỏi thủ đô Đan Mạch, đi hết chiếc cầu dài xuyên biển một lát đã vào đến lãnh thổ Thụy Điển. Chuyến tàu khởi hành lúc 10g36, nhưng nhà văn Đan Mạch dẫn đường muốn cho chúng tôi đi sớm nên kéo tất cả đến nhà ga, xin đổi vé lên chuyến 8g30. Được thôi, nhà tàu bảo, quý khách có thể lên tàu, tự tìm lấy chỗ trống mà ngồi. Chấp nhận. Đổi lên chuyến tàu sớm tức là không còn được quyền đòi hỏi có ghế dành sẵn. Nhóm chúng tôi tan tác, mỗi người ngồi một nơi. Tàu bè và chỗ ngồi lịch sự, nhưng hễ có người lên từ ga mới lại hồi hộp. Tự bảo, mình sắp bị đòi ghế, sắp bị đòi ghế. Đùa với nhau là bị đau tim. Một thiếu phụ cao to kéo cái va li lại gần. Tôi đang ngồi ở ghế của chị, nhấp nhổm đứng lên, thì chị bảo: Đúng là ghế của tôi rồi, nhưng tôi sẽ tạm ngồi cái ghế trống bên này, nếu không có ai đòi tôi thì anh có thể ngồi luôn ở đấy cũng được.

Bắt đầu vào đến đất Thụy Điển, từ ga Malmo, rồi ga Lund, người lên tàu hầu hết là đi đến hội chợ. Nườm nượp. Lũ lượt. Họ đổ về thành phố cảng chỉ để dự hội chợ sách. Thế mới gọi là chuyến tàu đi về hội chợ. Người nào cũng ba lô, túi xách và va li kéo tay. Lên tàu thì lấy sách báo ra đọc ngay. Một không khí sách tràn ngập trong các toa tàu. Mỗi năm một lần, vào cuối tháng chín, dân Bắc Âu lại đổ về đây, để được gặp những nhà văn quốc tế và khu vực. Để tham dự những cuộc giao lưu, những cuộc hội thảo văn chương. Để mua sách với giá ưu đãi… Nhà văn ở tâm điểm năm nay là nữ văn sĩ Nam Phi, Nadine Godimer, Nobel văn học 1991, giờ đã 87 tuổi. Trong một tuần hội chợ, có 800 tác giả đăng đàn trong 400 cuộc giao lưu, mỗi cuộc khoảng 50 phút, cuộc này nối sang cuộc khác. Các nhà xuất bản đến từ 36 nước, nô nức bày bán sách và ký hợp đồng bản quyền. Thống kê của hội chợ là có khoảng 100.000 lượt người tham dự. Ngày khai mạc, vé vào cửa là 200 sek (tương đương 30 USD), chưa bao gồm phí tham gia những cuộc hội thảo. Giá vé chung cho bốn ngày hoạt động chính từ 2000 đến 2500 sek, chưa tính 25% thuế VAT. Ngày cao điểm, người xếp hàng mua vé dài dằng dặc trước tòa nhà hội chợ. Cầm chiếc vé, người ta có thể ghé vào bất cứ cuộc giao lưu nào, trong bất cứ quầy sách hoặc hội trường nào.  

 

Các tác giả giao lưu tại hội chợ Gothenburg.

Năm 2003, lần đầu tiên đến hội chợ, chúng tôi có cuộc ra mắt sách và giao lưu với nữ văn sĩ kỳ cựu Sara Lidman. Bà đến Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, và từ dưới hầm tránh bom ở Hà Nội đã nói một câu nổi tiếng: Ước gì sau một đêm thức dậy, tôi được trở thành người Việt Nam. Câu nói có thể khó hiểu với nhiều người nhưng thể hiện thái độ và tư tưởng của nữ văn sĩ Bắc Âu lúc ấy. Năm 2007 tôi lại đến Hội chợ Gothenburg để ra mắt một tuyển tập của mình bằng tiếng Thụy Điển trong hai cuộc giao lưu và một cuộc hội thảo. Bây giờ là lần thứ ba. Giữa một không khí sách tràn ngập, mọi sự tưởng đã quen mà vẫn còn là mới.

Vắng bóng ở Copenhagen

Rời Thụy Điển trở lại Đan Mạch, tôi muốn đến thăm pho tượng Nàng tên cá trên bến cảng. Rất tiếc, nàng đang ở Thượng Hải, trong một hội chợ thương mại quốc tế. Người Đan Mạch đã hào phóng cho đất nước phương Đông xa xôi mượn tạm một biểu tượng. Thế là lần thứ hai tôi không được gặp mặt Nàng tiên cá. Năm 2003, tôi đã đến bến cảng chỉ để nhìn thấy cái bệ đá nàng ngồi. Lúc ấy pho tượng vừa bị một bọn vandal “văn hóa tặc” đánh mìn, hất tung xuống biển. Tượng bị móp méo sây sát, phải đưa đi “điều trị” trong một xưởng phục chế.

Lý giải việc Nàng tiên cá nhiều lần bị bôi bẩn bằng sơn, bị cưa đầu, bị đánh mìn… người thì bảo đó chỉ đơn giản là bọn ngứa tay phá hoại, người lại nói thủ phạm có triết lý hẳn hoi: vì sao người nước ngoài nào đến đây cũng chỉ chăm chăm vào Nàng tiên cá? Cả đất nước Đan Mạch không còn biểu tượng nào khác có ý nghĩa với họ hơn hay sao? Đan Mạch đâu phải chỉ có Nàng tiên cá…

Không có duyên tiếp kiến Nàng tiên cá, chúng tôi đến Tivoli, khu vườn giải trí quy mô nhất trên bán đảo Scandinavia, để gặp phiên bản của nàng. Một pho tượng đúng bằng kích cỡ ấy được dựng lên trong hồ nước của khu vườn. Có chú thích: những người thừa kế của nhà điêu khắc đã hào phóng cho dựng lên pho tượng này để những ai đến vườn Tivoli cũng có thể gặp được Nàng tiên cá. Dù muốn dù không, nhân vật văn chương này cũng đã gắn bó với đất nước Đan Mạch của văn hào Andersen.

Thế còn hoàng tử Hamlet, chàng có được coi là biểu tượng của Đan Mạch hay không? Chàng đã xuất hiện trong vở kịch có cái tên gắn với Đan Mạch hẳn hoi: Hamlet – hoàng tử Đan Mạch. Đại văn hào người Anh William Shakespeare đã sáng tạo ra chàng, cho chàng cái quốc tịch Đan Mạch, đặt chàng vào bối cảnh trong lâu đài Kronborg ở thị trấn Helsingor. Thời Shakespeare đặt bút viết kịch Hamlet, lâu đài mới xây dựng được mấy chục năm, tiếng lành đồn xa, nhà viết kịch đã đầy cảm hứng mà cho nhân vật của mình hành động, suy tư và đi lại qua khắp lâu đài. Bây giờ đến thăm lâu đài Kronborg, vẫn biết nhân vật chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà viết kịch, du khách vẫn ngỡ Hamlet đang đi qua những phòng ốc trong lâu đài, tưởng thấy oan hồn vua cha của chàng trên những bức tường thành… Trong cái lạnh 8 độ C, gió từ eo biển sầm sập đổ vào như muốn thổi bay người, du khách trèo lên bức tường thành, bên những dãy súng thần công la liệt, chụp ảnh và chiêm ngưỡng nơi hàng năm vẫn tổ chức Liên hoan Quốc tế kịch Hamlet, giới thiệu những cách khác nhau dàn dựng vở Hamlet, do đoàn kịch từ nhiều nước mang đến.

Vắng bóng Nàng tiên cá, vắng bóng Hamlet, nhưng những biểu tượng của đất nước Đan Mạch, bên cạnh nhiều biểu tượng khác, vẫn còn đi theo trong tâm trí những người một lần đến đất nước này.

Hội Nhà văn trong phố cổ

Những lâu đài cổ tương tự lâu đài Hamlet thường trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng, trong đó có cả những cuộc giao lưu với nhà văn, giới thiệu sách mới. Nhà thờ ở các phường quận cũng vậy. Tôi đã có những cuộc đọc ra mắt tập Món tái dê trước công chúng và giao lưu ở những nơi như thế. Tác giả đọc khoảng mười phút một đoạn văn bằng tiếng Việt để người đọc thưởng thức âm điệu ngôn ngữ gốc. Sau đó một nghệ sĩ Đan Mạch đọc diễn cảm tác phẩm qua bản dịch tiếng Đan Mạch. Khán phòng thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng cười rộ, chắc là chất hài khi chuyển sang một ngôn ngữ khác vẫn còn gây được hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch khóa này là Lotte Garbers, một phụ nữ đẹp, cao lớn, ở tuổi trung niên. Mặc dù đã có hẹn với tôi từ trước, chị vẫn phải xin phép bỏ ngang cuộc họp ban chấp hành để bước sang phòng khách nói chuyện với vị khách từ Việt Nam đến. Ở một đất nước hơn năm triệu dân, Hội Nhà văn Đan Mạch có hơn một nghìn hội viên. Như vậy có phải là nhiều hay không? Có thể, phó chủ tịch Hội là nhà văn Sally Altschuller thừa nhận. Ngân sách Hội Nhà văn chủ yếu dựa trên nguồn hội phí do hội viên đóng góp. Hàng năm mỗi hội viên đóng góp một khoản tương đương 300 USD.

Tiêu chuẩn kết nạp hội viên vào hội, Ban Chấp hành dựa vào việc chọn sách để mua của hệ thống thư viện. Vì sao không căn cứ vào số lượng và chất lượng tác phẩm của người xin gia nhập hội? Không, ở Đan Mạch việc in ấn không bị kiểm duyệt, ai muốn in gì thì in, ai muốn viết bài khen chê gì thì tùy ý viết, vì vậy không thể dựa vào tiêu chuẩn có sách, có bài khen. Hệ thống thư viện ở đây rất phát triển, các vị thủ thư là người có trình độ, hiểu được yêu cầu của độc giả. Chính việc họ lựa chọn sách nào để mua cho thư viện đã là một tiêu chuẩn đáng tin cậy. Hội Nhà văn Đan Mạch có bản thống kê sách mua vào hàng năm của hệ thống thư viện để kết hợp đánh giá, bình xét và quyết định kết nạp hội viên. Chủ tịch Hội nói: “Mặc dù kinh phí cho mọi hoạt động của chúng tôi đều dựa vào hội phí do hội viên đóng góp, nhưng không phải vì thế mà Hội kết nạp dễ dãi. Bởi vì chúng tôi luôn phải giữ uy tín trước công chúng và với cả nhà nước”.

Sally chuyên viết truyện thiếu nhi, đã nhiều lần sang Hà Nội trong một dự án của chính phủ Đan Mạch hỗ trợ làm sách thiếu nhi ở Việt Nam. Anh khoe tập truyện tranh mới ấn hành. Toàn bộ phần truyện và phần tranh là của tác giả Đan Mạch nhưng lại được gửi sang in ở Trung Quốc. Xong toàn bộ khâu in ấn, đóng gói và vận chuyển trở về Đan Mạch, thì chi phí tính ra vẫn còn rẻ hơn in ở Đan Mạch rất nhiều. Đất nước Bắc Âu có GDP tính theo đầu người cao bậc nhất thế giới, thu nhập cao kéo theo giá sinh hoạt đắt đỏ. Anh kể thêm một chi tiết: khi nhà in ở Trung Quốc vào bìa và đóng xén xong, mới phát hiện ra họ đã bình bản và sắp xếp ngược số trang, theo kiểu sách Trung Quốc. Thế là nhà in phải làm lại. Ngay cả như thế thì chi phí gửi sách sang in ở Trung Quốc vẫn rất phải chăng.

Trụ sở Hội Nhà văn là một ngôi nhà cổ trong một đường phố cổ cũng đã được mấy trăm năm. Ở ngoài sân có mấy cây du lá bắt đầu chuyển vàng và những dây thường xuân rực màu đỏ tía leo trên bờ tường. Cách cổng Hội mấy bước chân là một nhà thờ cũng cổ. Tôi cũng đã có lần giao lưu với công chúng trong một cái nhà thờ đầy không khí sách mà cổ kính như từ thời Hamlet ấy. Hội Nhà văn sánh bên nhà thờ, đấy cũng là một hình ảnh được nhớ ở Copenhagen.

Theo Hồ Anh Thái – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *