Năm tháng chiến tranh lại chậm chạp kéo qua mùa mưa 1974 và đột ngột bừng khởi vào mùa xuân 1975. Giữa lúc chúng tôi đang ngỡ ngàng, tràn ngập niềm vui chiến thắng, niềm vui giải phóng thì lại nghe tha thiết : “Mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời… ” bài thơ của Thanh Hải đã được Trần Hoàn đồng cảm đến từng hơi thở. Một cảm giác lâng lâng rất thực, không “đại ngôn” dẫn vào hồn người đang thanh bình thơ thới.

Ấn tượng của Một mùa xuân còn dâng lên đâu đó, người mến mộ âm nhạc lại một lần nữa phải ngạc nhiên trước “Ngủ ngon A-kay ơi!… Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ…”. Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm viết ra trong những ngày trăn trở, suy tư ở vùng rẫy nương căn cứ đã được giai điệu Trần Hoàn chắp cánh. Nỗi suy tư dường như được giải phóng trong âm thanh.

Và cứ thế nhiều năm sau giải phóng, Trần Hoàn đã “tung hoành” trên địa danh của Bình Trị Thiên. Anh viết nhiều, viết khỏe, bài nào cũng có một cái gì rất Trần Hoàn. Nó cứ kêu thốt bỡ ngỡ trong cảm xúc tinh khôi. Để rồi lại chợt đằm thắm, trầm lắng trở lại với Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm. Người không yêu nước thương quê đến cực đoan như thế, thì không bao giờ có thể bật ra một giai điệu làm mềm lòng ta đến thế.

Ở Hà Nội, anh lãnh nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (có lúc thêm cả Thể thao và du lịch). Trách nhiệm nặng nề vẫn không làm mất đi con người nhạc sĩ trong anh. Trần Hoàn vẫn vượt qua mọi công chuyện để có lúc thanh thản cùng âm nhạc. Như một lần tâm sự cùng anh em đồng nghiệp ở Đài tiếng nói Việt Nam, anh muốn cho xã hội hiểu rằng, người cộng sản không hề khô khan, duy ý trí. Người cộng sản là người giàu tình cảm, song có lúc đã phải kìm nén vì đứng trước những hiểm nghèo của vận mệnh đất nước. Còn khi có điều kiện, họ cũng chan chứa trữ tình như mọi người vậy. Và có lẽ như vậy, nên người ta thường nhận ra cái “trữ tình” đó dù ít, dù nhiều trong bài hát của Trần Hoàn.

Đã từng viết về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hoàn còn hết sức tâm đắc trong những bài ca về Bác. Nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của Bác, anh đã cho xuất bản một tuyển tập gồm 105 bài cũng là để nhớ về năm kỷ niệm này. Còn dịp kỷ niệm 100 năm của 5 năm về trước, anh đã viết “Trên bến Nhà Rồng”. Và cũng làm sao quên được “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Ở những thể hiện này, thấy một bút pháp không lụy kỹ thuật, thấy tình cảm đã lôi léo, đã xui khiến tác giả đi những lối bất ngờ trong thương nhớ. Trong những bài ca ngợi Bác, ta lại nhớ đến Trần Hoàn.

Cái đáng nhớ nhất ở những giai điệu Trần Hoàn không phải sự lạ, sự già dặn mà là sự trẻ. Nghe anh từ “Bà Ba”, “Con trâu kháng chiến” đến “Chào mùa xuân”, “Khúc hát người Hà Nội”, vẫn thấy một cái gì hồn nhiên, thanh xuân không thay đổi. Sinh ra 10 năm trước thời khởi ra tân nhạc, 17 tuổi mang trong trí nhớ những Thiên Thai, Suối mơ, gia nhập cách mạng, chàng thanh niên Nguyễn Tăng Hích đã làm nên một nhạc sĩ Trần Hoàn với những sáng tạo riêng biệt.

Nguyễn Thụy Kha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *