Bên bờ hạnh phúc

Đối diện với vĩnh cửu

Những năm cuối đời, Xuân Diệu rất nổi tiếng với việc phê bình – giới thiệu thơ, nhất là giới thiệu các tác giả cổ điển. Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Tú Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Á Nam Trần Tuấn Khải… hầu như với bất cứ nhà thơ liệt hạng nào, ông cũng đều yêu mến và tìm được cách tiếp cận. Không một ai đối với ông là bí hiểm, là khó giải thích, hoặc hơn nữa, là không thể giải thích nổi. Trong những bài phê bình và tiểu luận mà cách viết đôi khi rơi vào dông dài và thông tục, nhất là trong những buổi nói chuyện lặp đi lặp lại – ở cái nghề mà có người đã gọi đùa là nghề thầy cúng ấy, thì tránh sao cho khỏi lặp lại? – ông làm được một việc lớn lao là phổ cập hoá thơ, làm cho thơ trở nên dễ hiểu và các nhà thơ lớn trở nên như là của mọi nhà. Tuy nhiên, cũng chính trong những lúc ấy, Xuân Diệu phô ra những nhược điểm lớn của mình – sự nói lấy được, làm cho cái gì cũng trở nên dễ hiểu, do đó đánh mất một chút thiêng liêng của văn học. Do đi với ai, làm cầu nối cho bất cứ ai cũng được, nên Xuân Diệu không thuộc hẳn về ai, không phát hiện được ai đến cùng. Trong khi rất kỹ lưỡng, rất thành thục với những điều ai cũng có thể nhận ra một cách mơ hồ, thì ở Xuân Diệu hơi ít những chỗ mà người thường không thấy và chỉ ông mới thấy. Những phát hiện của ông không mấy khi đạt đến mức bất ngờ và làm người đọc bàng hoàng ngơ ngẩn. Như người ta vẫn thường nói, đọc người khác là đọc chính mình. Hiểu biết tức là sánh ngang. Những tư tưởng sâu sắc chỉ được phát hiện khi người đọc chúng cũng hoàn toàn có điều kiện để nghĩ ra chúng. Ở chỗ này, sự dừng lại của Xuân Diệu kể cũng là điều dễ hiểu. Với những thiên tài độc đáo của dân tộc, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, dù Xuân Diệu đã nói rất nhiều, song muốn lý giải được cái thần của các vị ấy, ông còn cần được nhiều người tiếp tục.

Không phải là Xuân Diệu không biết vị trí của mình ở đâu. Đọc những bài ông giảng giải về các bậc thầy nghề nghiệp mà Xuân Diệu đã viết, người ta luôn luôn bắt gặp một ngụ ý :

– Tôi không sao nói hết được cái vi diệu mà cũng là cái cao cả của nghệ thuật! Các vị ấy là những tay thợ bậc 7, bậc 8 kia đấy! Vâng, đó là những người ở vào tột bậc nghề nghiệp, trong khi một người như tôi, chỉ thuộc loại bậc 4, bậc 5. Vậy thì các anh hãy nghe tôi nói đây, hỡi những tài năng lẫm chẫm bậc 1, bậc 2!

Dẫu sao, so với các nhà văn nhà thơ đương thời, Xuân Diệu là người đã đến với các tác giả cổ điển thành tâm nhất, nhiệt tình nhất.

Mà đây là một việc làm hoàn toàn có ý thức.

Rất hiểu tài năng phê bình ở mình – tài năng đồng cảm phân tích đánh giá cái hay, cái đẹp – ông hướng nó vào một chỗ có thể tồn tại lâu bền :

– Có che tàn, tôi cũng che tàn cho mấy ông to, chứ không làm dáng cho mấy anh trẻ ti toe.

Đối tượng so sánh của Xuân Diệu trong trường hợp này là Chế Lan Viên.

Trên cương vị Trưởng Tiểu ban thơ, tác giả Điêu tàn những năm ấy thường vẫn phải đứng ra giới thiệu anh em trẻ. Và có làm là có lầm lỡ. Một đôi khi Chế Lan Viên đã đứng ra phân tích sáng tác của một hai cây bút mà chỉ một hai năm sau đã không ai nhớ! Xuân Diệu không làm thế. Dù mang tiếng là cay nghiệt với lớp trẻ, ông cũng thây kệ. Cái đích mà ông khao khát chiếm lĩnh là những giá trị còn mãi trong đời. Việc tìm hiểu giới thiệu các tác giả cổ điển, với tất cả sự khó khăn có thể có của nó, chừng nào đó, vẫn bảo đảm cho Xuân Diệu có điều kiện đến với cái đích đã đề ra. Việc ông sốt sắng lao vào nó hết mình là kết quả của cả tình yêu lẫn một sự tính toán khá chính xác.

Đến đây, chúng ta lại có dịp đối diện với một khao khát thường trực mà cũng là một động cơ chi phối toàn bộ con người Xuân Diệu, nó như nhiên liệu, tạo nên năng lượng cho mọi hoạt động của cái cỗ máy tinh vi trong con người tác giả Thơ thơ, đó là khao khát vượt lên trên thời gian, trở thành vĩnh cửu.

Là con người thiết tha với sự sống, chỉ sợ bữa tiệc đời vui vẻ kia mình không có mặt, Xuân Diệu có thích sống mãi trong đời, cũng là chuyện bình thường.

Huống chi, gần như suốt cuộc đời đơn độc, ở ông vắng thiếu hẳn một ít niềm vui trần thế như trò chuyện với vợ, chơi nghịch với con. Sự hướng về cái vĩnh cửu quả thật là cái phao lớn có thể mang lại lẽ sống cho Xuân Diệu, và chắc chắn ông đã tìm thấy ở đó một nguồn nghị lực to lớn.

Tuy nhiên, vấn đề sống chết là cả một câu chuyện lớn và trong cái ham muốn phổ biến là trở thành bất tử, con người ta cũng tự chứng tỏ nhân cách của mình, trình độ hiểu cuộc sống của mình. Nếu như đã không biết sống cái ngày h&o
circ;m nay, thì làm sao người ta có thể biết sống trong vĩnh viễn?! 

Ở trên, chúng ta nói, do ham sống, Xuân Diệu rất sợ chết, và nỗi sợ ấy của Xuân Diệu đôi khi bị đẩy đi quá đà, đến chỗ quá quắt. Nên mỗi lần nghe Xuân Diệu lắc đầu le lưỡi, nghĩ đến cái chết, học theo Trần Thanh Mại, tôi lại không khỏi nhớ tới những bà già nhà quê, lúc chớm già họ cũng bo bo bỏm bỏm, tưởng như mình chết nay chết mai đến nơi rồi và luôn chân luôn tay làm thêm, để dành dụm thêm mấy đồng, nhỡ lúc chết cần tới. Rồi tôi lại nhớ đến sự bình tĩnh đối diện cái chết của mấy thi hào – những người cùng quê hương Hà Tĩnh với Xuân Diệu. Nguyễn Du khi ốm đau, không chịu uống thuốc, chờ người nhà đến bảo thấy lạnh chưa, lạnh rồi hả, thế là nhắm mắt và không dặn gì thêm. Hoặc như Nguyễn Công Trứ, lúc biết mình chết, bảo người thân đốt luôn cái nhà mình đang ở rồi chôn mình dưới đống tro.

Những mẩu chuyện như thế, hẳn là Xuân Diệu biết hết, song vẫn cứ cái cách riêng của mình mà nghĩ, cách riêng của mình mà làm. Thật đúng như ai đó đã nói : “Cuộc lựa chọn của mỗi người với chính mình cho chính mình, tạo nên một cái người ta gọi là số phận”.

Đầu năm 1984, Tuyển tập Xuân Diệu, tập I (thơ) ra đời trong sự chờ đợi. Ai cũng mong tác giả sẽ gạn đục khơi trong, tạo ra cho mình một khuôn mặt khả ái. Nhưng không! Người tuyển quá tham, lấy vào tuyển quá nhiều bài thơ dở. Khi tôi hỏi Vũ Quần Phương, tại sao lại thế, thì được Vũ Quần Phương cho biết cố nhiên là Xuân Diệu có tham gia vào công việc. Và khi có người bàn rằng nên làm cho tinh, thì Xuân Diệu bác đi : “Các cậu buồn cười thật. Chưa phải lúc làm tuyển làm tiếc gì cả. Giống như khi cháy nhà, lúc này làm sao biết được cái gì hay với cái dở. Thấy bài nào bạn đọc chưa biết, hãy nhặt vào đấy, sau này lịch sử định liệu”.

Ở đây, có cả sự biết điều chân thành lẫn sự khôn ngoan hám lợi thô thiển.

Để công chăm lo dựng tạo hình ảnh của mình với hậu thế là một việc mà không ít nhà thơ nhà văn lớn nghĩ tới, song cái cách làm của Xuân Diệu trong nhiều trường hợp thật đã là “làm lấy được”.

Vào những năm ấy, nhà phê bình P. còn đang thao túng đời sống văn học. Ông sớm bắt tay làm những cuốn sách mang tính chất tổng kết, giống như một thứ đúc bia tạc tượng các nhà văn lớn đương thời. P. bảo với Xuân Diệu :

– Anh tặng sách tôi như mang tiền gửi nhà băng, không có đi đâu mà thiệt.

Câu nói quả đã đánh trúng tim đen Xuân Diệu. Bởi vậy, mặc dầu trong thâm tâm không thích gì P., ông vẫn biếu sách và ông giải thích, phải qua P. để đến với các sinh viên đại học.

Thậm chí đây đó còn có thể nói, trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu, Xuân Diệu có lúc đã đi sát tới cái chỗ như là… đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lai.

Sự thực dụng của Xuân Diệu trong việc này vốn có từ trước cách mạng. Chúng ta đã biết, hồi mới ra Hà Nội, ông đã vô cùng tha thiết với việc tham gia vào nhóm Tự Lực. Thế nhưng, khi nhóm này tan, thì tình nghĩa của ông với các bạn cũ cũng cạn luôn, ít ra là ở bề ngoài ông làm cho người ta hiểu như vậy. Trong khi một người như Tú Mỡ nhiều năm sau còn nhắc đến những kỷ niệm về Nhất Linh, Khái Hưng, thì Xuân Diệu không bao giờ đả động đến những ngày làm việc ở Phong hoá, Ngày nay.

Thơ thơ in ra lần đầu (1938), bên cạnh hai chữ Xuân Diệu, còn chua rõ trong Tự Lực văn đoàn. Đến khi in ra lần thứ hai, mấy chữ trong Tự Lực văn đoàn đã bị cạo hẳn.

Từ sau 1945, cái việc chia tay với Tự Lực còn được làm một cách ráo riết hơn nữa.

Nhật ký kháng chiến của Bùi Hiển (1946 – 47) còn ghi rõ, vào những năm ấy, ở thành Vinh, Bùi Hiển có dịp gặp gỡ đủ mặt văn nghệ sĩ từ Nguyễn Tuân đến Hồ Dzếnh. Lạ một điều, là vừa gặp, Bùi Hiển đã được nghe Xuân Diệu phân bua : từ 1940 về trước, khi mới đến với văn đàn, Xuân Diệu còn phải nương tựa vào đám Tự Lực để lấy tiếng. Chứ thực ra có tình nghĩa gì đâu(**).

Chúng ta đều biết, so với Hoài Thanh, Chế Lan Viên là những người có lúc triệt để phủ nhận Thơ mới, thì Xuân Diệu có phần phải chăng hơn. Với những đứa con tinh thần đã dứt ruột đẻ ra, ông kiên trì bảo vệ đến cùng. Khi làm Tuyển tập của mình, ông đã lấy lại gần hết cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió. Kể ra, lúc đó phải coi là một hành động dũng cảm. Nhưng đây là một vài biểu hiện của thái độ phi lịch sử khá khéo léo ở Xuân Diệu : Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như Đi thuyền tặng Khái Hưng, Đây mùa thu tới tặng Nhất Linh, Vô biên tặng Hoàng Đạo thì trong công trình mà ông đích thân tham gia chuẩn bị là Tuyển tập Xuân Diệu ở trên vừa nói, những dây mơ rễ má đó, được ông xoá sạch.

Sợ liên luỵ vì những người bạn cũ, trong các tài liệu chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu (mà đọc kỹ thấy đúng giọng ông, tức do ông tự tay viết ra), nhà thơ giấu biệt chuyện mình từng là một thành viên của Tự Lực.

Và có lẽ chịu sự chi phối của ông – những lời năn nỉ thiết tha – nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, hoặc trong Từ điển văn học in ra 1984, chuyện này cũng được lờ đi hoàn toàn.

Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông muốn bạn đọc biết.

Có cảm tưởng rằng, từ lúc phát hiện ra cái công việc cuối cùng của mình trong đời, là tạc lại hình ảnh mình trong tương lai, Xuân Diệu như có một cái đích. Ông băm bổ lao tới, và thấy rằng làm bao nhiêu cũng là không đủ.

Nhưng không phải không còn những con người khác trong Xuân Diệu.

Trong số những kỷ niệm trò chuyện với Xuân Diệu, tôi nhớ một lần đứng với ông mấy phút trước cửa Hội Nhà văn, cuối năm 1984. Theo chủ trương của Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nơi tôi làm việc), tôi gợi ý để Xuân Diệu viết hồi ký về cuộc đời mình. Nhưng ông từ chối. Ông cho rằng còn lâu mới đến lúc ấy, trước mắt ông còn nhiều việc phải làm và cần làm ngay. Chúng tôi nói lan man sang một ít chuyện khác, và có lúc, tự nhiên trở lại với đề nghị viết hồi ký của mình, tôi buột miệng :

– Tưởng như Xuân Diệu đã viết rất nhiều nhưng còn bao nhiêu chỗ, chính Xuân Diệu chưa khai thác mình!

Lần đầu tiên, tôi thấy ở Xuân Diệu có một thoáng buồn, một chút gì như là chạnh lòng. Chẳng lẽ là như thế chăng, một người đã chịu viết như ông, lại còn nhiều mảng trắng, nhiều chỗ chưa viết? Như thế chẳng là buồn lắm sao?

Nhưng tôi đoán rằng với Xuân Diệu, phút chạnh lòng ấy lại n
hanh chóng quên đi, và ông lại hồn nhiên trở về với cái phương hướng lâu nay ông đã theo đuổi.

Khi Xuân Diệu còn sống, tôi biết rằng giữa ông với Nguyễn Tuân có nhiều sự khác biệt, nên hai “cụ” không ưa nhau. Nhưng muốn hay không muốn, đấy vẫn là hai đỉnh cao trong văn học. Từ thuở chưa về công tác ở Hội Nhà văn, qua báo chí, tôi đã thấy nhiều chuyến đi do Hội tổ chức, có cả Nguyễn Tuân lẫn Xuân Diệu trong một đoàn. Cả lần đi tuyến lửa Quảng Bình 1965, lẫn lần đi thăm Liên Xô, cũng khoảng cuối năm đó. Có dịp, tôi buột miệng hỏi Nguyễn Tuân, và được cụ Nguyễn trả lời :

– Thì ghét của nào trời trao của ấy.

Khoảng năm 1982, Xuân Diệu vừa đi Pháp về, đang nói chuyện trên phòng họp, thì ở nhà ngang, Nguyễn Tuân rỉ tai tôi :

– Đang nói rằng chuyến đi thành công lắm, có nói thế bận sau người ta mới cho đi nữa!

Ấy vậy mà, khi Xuân Diệu mất, tôi nhớ Nguyễn Tuân đã thốt lên một câu từ tận đáy lòng :

– Xuân Diệu mất là mang cả một quãng đời của tôi đi theo!

Quãng đời mà Nguyễn Tuân nói ở đây, cũng là một chặng đường văn nghệ Việt Nam.

Các ông đều là những người ở lại với lịch sử, dù đó không hẳn là cái lịch sử như các ông đã nghĩ.

Vương Trí Nhàn – Cây bút, đời người 

Biển

– Xuân Diệu –

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng.

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi.

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt.

Cũng có khi ào ạt

Như nghiến nát bờ em

Là lúc triều yêu mến

Ngập bến của ngày đêm.

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết.

Để những khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa nơi nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *