"Nhà văn vô sản chân chính không chỉ cần viết cho giai cấp công nhân, mà phải viết để giai cấp công nhân đọc được. Nhà văn vô sản chân chính không đơn thuần sử dụng cuộc đời người vô sản để làm tư liệu cho tác phẩm mình, sự sáng tạo của anh ta phải bùng lên ngọn lửa cách mạng. Jack London đích thực là một nhà văn vô sản – đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay ở Mỹ với tài năng lớn lao… ” (Báo “Quần chúng mới” – 1929)

Nhà văn Jack London

1.Niềm tin quả cảm

Mười chín tuổi, đó chưa phải là khi người ta phải trở thành anh thợ lò làm việc quần quật 13 tiếng một ngày, 29 ngày trong một tháng với thù lao 8 xu (cent) một giờ;
đó chưa phải là khi những cô cậu bạn học tại trường trung học Ô-clân (Ocland) tìm đến với những tác phẩm của Ba-bơp, Xanh Ximông, Phuriê, Prudông, Spen-xơ; và đây, người ta say sưa với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Các Mác; và người ta cả gan kêu gọi tiêu diệt chế độ hiện hành. Đó chỉ có thể là Jack London – biểu tượng chói lọi của nền văn học Mỹ cũng như nền văn học vô sản thế giới.

 

Chỉ có thể là Jack London – nhà văn XHCN chân chính, người buộc những cái đầu tư bản bảo thủ nhất phải nghe mình tuyên truyền CNXH, phải tán dương các tác phẩm của mình.

Tuổi thơ – đó là khoảng thời gian Jack phải nếm trải đủ vị cay đắng của cuộc sống : 11 tuổi – giao báo – 12 đôla/tháng, 14 tuổi – công nhân xưởng đồ hộp – 10 xu/giờ, chưa tròn tuổi 17 – nhân viên tuần cá, sau một khoảng thời gian không ngắn làm tên cướp sò liều lĩnh.

Qua đủ thứ công việc nặng nhọc, làm lụng như điên dại, Jack chán ghét cảnh bán sức lao động với cái giá rẻ rúng, hủy hoại thân thể mình cho kẻ khác thỏa mãn trong khối của cải. Anh nhận ra rằng, số người như anh ngày càng nhiều lên : bị vắt kiệt sức đến khi có kẻ khác khỏe hơn thế chỗ, ông chủ sẽ không ngần ngại quẳng kẻ yếu hơn ra đường… Cần có một sự thay đổi, anh đặt niềm tin vào cái mới. Và đây, anh đến với một hệ tư tưởng mới -vô cùng non trẻ – tư tưởng XHCN. Niềm tin của anh được khẳn định từ sau khi đọc Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Tự tiếp thu tư tưởng XHCN của Jack London là con đường rất mau, từ CNXH không tưởng đến CNXH khoa học. Jack có thể tiến nhanh trên con đường đó, ngoài tố chất thông minh và niềm ham học hỏi, còn có căn nguyên là sự trải nghiệm cuộc sống từ rất sớm. “Dân Ô-clân đã mang nặng ấn tượng rằng, hễ ai là người theo chủ nghĩa xã hội thì một là đạo đức người đó phải đáng nghi ngờ, hai là trong đầu người đó có cái gì không ổn. Một người theo CNXH là hiện tượng rất lạ lẫm đến nỗi các phóng viên đổ xô đi tìm Jack” (“Thủy thủ trên yên ngựa” – Iêcvin Stâunơ). Jack tham gia Đảng Công nhân XHCN ngay từ những ngày đầu tổ chức này được thành lập. Tại công viên Tòa thị chính, “cậu bé XHCN” Jack  nhảy lên ghế đá, trước đám đông người, giận dữ tuyên bố : Chủ nghĩa tư bản là hệ thống ăn cướp có tổ chức. Cảnh sát đáp lại bằng một chuyến xe tù đưa anh vào đồn. Một kẻ cả gan thuyết giáo về CNXH trước đám đông nơi công cộng, cả gan chửi rủa chế độ, đòi công hữu hóa tất cả tư liệu sản xuất, kẻ đó phải ngồi tù – chính giới Ô-clân phẫn nộ. Nhưng Jack đã được tha bổng, đơn giản vì anh còn quá trẻ. Nếu như Kip-linh, Nit-xơ… có ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách viết, thì Jack coi Đac-uyn, Spen-xơ, Mac là những người cha tinh thần cho tư tưởng và tác phẩm của mình. Ai có thể tìm ra sự tương đồng giữa quan điểm của Kip-linh, Nit-xơ với Mac? Phải chăng có sự mâu thuẫn ngay trong tư tưởng của nhà văn?

2.Tư tưởng và tác phẩm

Jack London từng nói rằng, anh là nhà văn duy nhất biết kiếm sống nhờ CNXH, và sẽ bòn rút CNTB tới đồng đô-la cuối cùng (?!). Nhưng, như Stâu-nơ đã viết : “Thực ra, con người này đã lật bỏ những điều đã thốt ra từ cửa miệng. Trước tiên, anh vẫn là một nhà văn, hơn nữa – một người XHCN, còn cái chàng trai thực dụng với ý định kiếm rõ nhiều tiền vẫn chỉ lẽo đẽo theo anh đằng sau một quãng xa”. Jack vẫn luôn là một nhà văn XHCN chân chính. 

Jack tuyên bố : “Trong xã hội, niềm tin vào nguyên tắc đúng đắn về sở hữu công cộng đã hình thành và lớn mạnh như được ủ men. Việc đó là của bàn tay ta. Chất men chính là chúng ta, những người xã hội chủ nghĩa. Muốn xoa dịu nỗi bất bình, các đảng phái già nua khác buộc lòng phải trả lại nhân dân một số quyền lợi nhất định. Đó cũng là kết quả của sự truyền bá của chúng ta, những người XHCN”. Nhận thức của Jack London về sức mạnh quần chúng, sức mạnh giai cấp là rất rõ ràng. Anh luôn nhấn mạnh “nhân dân” và “chúng ta” (những người theo CNXH) như những danh từ chính yếu, cốt lõi trong những bài diễn thuyết, trò chuyện. Và rộng ra, anh đề cập tới sức mạnh vô sản quốc tế, rằng bảy triệu người trên khắp thế giới “đang dâng trọn sức mình cho cuộc đấu tranh vì sự thắng lợi của sự dư thừa của cải trên thế giới, cho cuộc đấu tranh lật nhào chế độ hiện hành. Những người này gọi nhau là đồng chí, kề vai sát cánh dưới lá cờ cách mạng”. Biện chứng về tư tưởng XHCN sâu sắc mà Jack London đã tiếp thu thể hiện ở việc nhấn mạnh vai trò của cuộc đấu tranh giành chính quyền : “Chính quyền của giai cấp tư sản đã phá sản, vì thế cần phải tước bỏ chính quyền khỏi tay nó”. Chỉ khi chính quyền về tay, bảy triệu đại biểu của giai cấp công nhân mới có thể đi tiếp trên con đường “đấu tranh vì sự thắng lợi của sự dư thừa của cải trên thế giới”. Nếu có một “bản án” kết tội những ung nhọt của CNTB đương thời nào bằng văn chương được coi là xuất sắc, thì nó cũng khó có thể vượt qua “Gót sắt” – sự vận dụng kỳ tài chủ nghĩa Mác vào văn chương. Hãy cùng nghe Jack London diễn giải lời của tập đoàn thống trị : “Các anh cứ giơ cánh tay khỏe mạnh ra cướp lâu đài, cướp cuộc đời an nhàn sung sướng của chúng tôi mà xem. Chúng tôi sẽ cho các anh biết sức mạnh là thế nào. Chúng tôi sẽ trả lời các anh bằng trái phá, bằng bom, bằng súng máy. Chúng tôi sẽ dày xéo những nhà cách mạng của các anh dưới gót chân chúng tôi, chúng tôi sẽ giẫm lên mặt các anh mà đi. Thế giới này là của chúng tôi. Chúng tôi là chủ của nó, nó sẽ mãi mãi là của chúng tôi. Còn cái đám lao động, chúng nó gục đầu xuống đất đen từ khi bắt đầu có lịch sử kia. Chừng nào tôi, những người cùng giai cấp với tôi và những người nối nghiệp chúng tôi còn nắm chính quyền thì bọn lao động các anh còn phải gục đầu xuống đất đen” (Vũ Cận dịch). Với “Gót sắt”, Jack London đã một lần nữa khẳng định yêu cầu cấp thiết của cách mạng XHCN là việc giành chính quyền về tay quần chúng lao động. Những người không vừa lòng Jack London có thể chỉ trích là đã đánh đổi từ nhà văn hạng nhất lấy anh tuyên truyền viên hạng xoàng, nhưng đại đa số phải khẳng định rằng, anh có thể kết hợp tuyên truyền và nghệ thuật nhuần nhuyễn đến nỗi khó nhận ra đâu là ranh giới. “Thời gian không đợi” đã chứng tỏ điều đó.

Tác phẩm "Tiếng gọi nơi hoang dã" của J.L

“Từ thế hệ này qua thế hệ khác, lao động mãi mãi là nguồn gốc của tất cả của cải. Một túi khoai tây, chiếc đàn dương cầm hay cỗ xe hơi bảy chỗ – hết thảy đều do lao động đẻ ra chứ không phải cái gì khác. Sự lừa đảo chỉ bắt đầu sau đó, khi động tới việc phân chia của cải”.

3.Nhà xã hội chân chính

Ở Jack London, không khó khăn gì để có thể nhận ra một vài điểm mâu thuẫn trong quan điểm. Từ trong gia đình, anh luôn là người chồng hết mực, là người cha gương mẫu, nhưng lại có khi anh chia tay vợ mà rất lâu sau mới để lại lý do. Người ta có thể thông cảm cho anh được, bởi sau đó, anh vẫn hết lòng với các con, và quan tâm lo lắng đến người vợ.

Trong quan điểm nghệ thuật, có thể nói, anh là người chiến binh quả cảm dám đạp đổ bức tường ngăn cách giữa hiện thực và sáng tạo với độc giả. Chính anh là người luôn phủ định lối văn chương kiểu cách ướt át nhẹ nhàng một cách phi lý, vậy mà cũng có khi, anh viết ra không biết bao nhiêu lời bay bổng, dẫu đó chỉ là những bức thư tình cảm, mà chắc hẳn phải khiến những cái đầu lãng mạn nhất cũng phải ngả mũ.

J.L

Trong tư tưởng, anh là một người XHCN, nhưng trong anh lại có hình ảnh một cá nhân đầy sức mạnh và quyền năng, mà Nit-xơ đã gieo vào, và được phụ họa bởi tư tưởng Kip-linh. “Chủ nghĩa xã hội không phải là hệ thống lý tưởng nhằm đem lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại, nó ra đời chỉ để tạo điều kiện tốt cho những chủng tộc ưu việt. Ý nghĩa của nó là tăng thêm sức mạnh cho các chủng tộc đã được chọn lọc, đồng thời lấn át các chủng tộc nhược tiểu khác cho tới ngày những chủng tộc ấy suy vong hoàn toàn. Các chủng tộc được chọn lọc sẽ trở thành chủ nhân toàn thế giới”. Đó đã là lúc, anh vô tình xuyên tạc tư tưởng chủ nghĩa Mac – người cha tinh thần của anh. Nhưng đó là những điểm quá nhỏ bé, trong một Jack London đã quá vĩ đại. Người ta tôn sùng anh, không chỉ bởi anh là một nhà văn lớn, mà còn bởi bất cứ ai khi gặp Jack, đều phải cảm phục. Con người XHCN trong anh không khi nào ngủ quên, vì như anh đã trả lời một người hâm mộ, đề cập qua tác phẩm “Mac-tin I-đơn” : “Mac-tin I-đơn chết, vì anh ta là kẻ cá nhân chủ nghĩa, tôi sống, bởi vì tôi là đảng viên xã hội, tôi tự nhận thức được ý thức xã hội của mình”.

Nguyễn Văn Trung – Thư Viện Sách Việt

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *