1. Trong số các tác phẩm văn học VN, tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” có sức sống khá lâu bền. Tác phẩm này xuất bản lần đầu vào năm 1962 tại Sài Gòn và sau đó được tái bản nhiều lần. Gần nữa thế kỷ qua, tác phẩm này vẫn được người đọc yêu mến.

Nhắc tới nhà văn Sơn Nam, tôi lại nhớ đến những truyện ngắn đồng quê của ông thường được đăng tải trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Còn nhớ tạp chí Hương quê của ông thường được đăng tải trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Còn nhớ tạp chí Hương Quê của cơ quan khuyến nông số nào cũng có một truyện ngắn đặc sắc của ông. Không phải là gia đình nông dân nhưng tháng nào cha tôi cũng phải tìm một số để đọc, đâu phải đễ tìm hiểu các biện pháp canh tác mà mục đích chỉ để đọc truyện của nhà văn Sơn Nam được đăng tải trong đó! Với lối viết giản dị, đậm chất Nam Bộ, rất đặc sắc. Các truyện của ông đã chiếm nhiều cảm tình của người đọc. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa quên những câu chuyện trong các truyện ngắn của ông, dù cả đời viết văn của ông đâu phải chỉ viết truyện ngắn.

2. Trong một lần về thăm Sóc Trăng, nhà văn Sơn Nam có ghé qua Tòa soạn báo Sóc Trăng. Hôm đó, ông ngồi nói chuyện với thầy Nguyễn Tử Quang, còn cánh viết trẻ dù rất mến mộ ông nhưng chẳng ai dám đến gần để nghe chuyện. Ông về chẳng bao lâu thì thầy Nguyễn Tử Quang mất, sau đó qua báo chí chúng tôi mới biết ông bị tai nạn giao thông và căn bệnh tuổi già khiến cho việc cầm bút của ông không còn dễ dàng như trước nữa…

Cả một đời làm văn, viết sách biên khảo, nhưng ít ai để ý là ông có một bài thơ rất xuất sắc. Đó là bài thơ Không đề viết thay lời tựa trong tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”. Bài thơ dài 28 câu và có lẽ đó là bài thơ duy nhất của ông được phổ biến, viết về thưở cha ông ta đi mở mang bờ cõi phương Nam. Tứ thơ rất lạ nhưng đọc hoài vẫn hay:

“Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền…

…Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.”

Ông từng cho độc giả biết là bài thơ này vào năm 1961, lúc đó đang bị chính quyền Sài Gòn giam ở nhà tù Phú Lợi.

Một anh bạn của tôi rất ngưỡng mộ nhà văn Sơn Nam, lần nào lên TPHCM anh cũng dành một buổi sáng đi về quận Gò Vấp để đến nhà truyền thống quận này. Lí do rất đơn giản vì sáng nào nhà văn Sơn Nam cũng ngồi quán này để vừa uống cà phê vừa liên lạc anh em văn nghệ, báo chí. Thời gian gần đây, mỗi lần đi thành phố anh không còn đến đó nữa vì theo lời anh “ông già Nam Bộ đã bệnh rồi nên không còn đến đây mỗi buổi sáng nữa”. Chúng tôi cũng nắm được thông tin đó nhưng nghe anh nói thấy cũng buồn.

Biết tôi là người yêu thích văn của ông, anh bạn tặng tôi mộ quyển sách vừa mới được nhà xuất bản Trẻ tái bản, in ấn rất công phu. Đọc lại những truyện ngắn đồng quê của ông, tôi lại nhớ cha tôi những ngày còn sống cũng rất yêu thích những truyện ngắn thế này. Qua đến thế hệ con cháu của chúng tôi vẫn tìm đọc những tác phẩm của ông dù ngày nay những chuyện khai phá miền Hậu Giang của cha ông ta ngày xưa vốn rất xa lạ với lớp trẻ. Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều thế hệ độc giả nối tiếp nhau yêu thích. Những tác phẩm của ông không chỉ để đọc chơi trong lúc trà dư tửu hậu, mà đó còn là cái tình, cái nghĩa lớn nhất giữa người và đất, sự nặng nợ thủy chung; suy rộng ra là tình yêu quê hương đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng sức sống của những trang văn ấy sẽ còn bền lâu.

Tuấn Ba –  Báo Đồng Tháp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *