Được xem là cơ hội để "tân trang" hình ảnh của cơ quan Liên hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu, gầy dựng lại lòng tin và khích lệ tư duy mới sau thất bại ở Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen tháng 12 năm ngoái, Hội nghị ở Bonn, Đức diễn ra trong 3 ngày theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) dường như vẫn "đi theo lối cũ".

Hậu quả của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Các đại điện lại một lần nữa tranh cãi về những chi tiết vụn vặt trong kế hoạch làm việc của UNFCCC, cứ như thể là cơn sốc Copenhagen chưa từng xảy ra. Nhóm Hòa bình Xanh chỉ trích gay gắt: "Những thói quen cũ khó mà mất đi được. Quá nhiều nhà thương thuyết bộc lộ ý định chọn việc tập trung vào ý kiến bất đồng và những khó khăn".

Nhà đàm phán Liên minh châu Âu EU, Artur Runge-Metzer thừa nhận: "Vẫn còn nhiều bất đồng lớn về cách thức đẩy mạnh tiến trình này… để chứng tỏ rằng, UNFCCC có thể thành công, do hiện có nhiều tranh cãi công khai về vấn đề này".

Các nước đang phát triển hầu như không che giấu sự không tin cậy của họ đối với các nước giàu. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ các nước giàu đang tìm cách thay thế Nghị định thư Kyoto về hạn chế khí thải Cacbonic bằng một thỏa thuận tự nguyện mờ nhạt sau năm 2012. Về phần mình, đôi khi Mỹ và các nước giàu khác đã cố nén giận trong khuôn khổ thương thuyết do đồng thuận chi phối, mà theo quan điểm của họ là làm chậm tiến độ một cách nguy hiểm.

Trưởng đoàn thương thuyết Pháp Paul Watkinson cho rằng: "Một số đại diện xem ra không thừa nhận những gì đã xảy ra ở Copenhagen và sự cần thiết phải nhanh chóng đạt được những kết quả cụ thể". Họ đã vận động hành lang để một bán thành công của Hội nghị Copenhagen – một văn kiện vắn tắt do nhiều nhà lãnh đạo phối hợp soạn thảo để ngăn chặn một thảm họa – đem lại lợi ích cho cuộc sống hơn là bị rơi vào quên lãng.

Copenhagen được coi là điểm son chói lọi trong cuộc tranh luận kéo dài 2 năm qua giữa 194 nước. Hội nghị đã mở đường cho một hiệp ước mang tính bước ngoặt về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cuối cùng sẽ rót thêm kinh phí trị giá hàng trăm tỷ USD và cấp cho các nước nghèo dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khúc khải hoàn mới đạt được này gần như bị chuyển thành thất bại.

Dự thảo Hiệp ước Copenhagen đề ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong khoảng 2 độ C, mở đường cho hàng loạt cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và dành riêng khoản viện trợ ngắn hạn khoảng 30 tỷ USD cho các nước nghèo dễ bị tổn thương. Mặc dù hiệp ước trên được sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ, nhưng lại bị các nước ở khu vực Caribe và Mỹ Latinh chỉ trích gay gắt. Điều này khiến hiệp ước trên có một tương lai bấp bênh sau Hội nghị Bonn.

Không ai có thể đảm bảo rằng, hiệp ước hậu năm 2012 sẽ được hoàn tất tại Hội nghị thường niên UNFCCC ở Cancun, Mexico từ ngày 29/11 đến ngày 10/12 tới. Thư ký Ban chấp hành UNFCCC, Yvo de Boer cho rằng, cơ hội tốt hơn đang nằm ở Hội nghị 2011 tại Nam Phi, song chỉ có thể đạt được sau một quá trình kiên nhẫn và thận trọng.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *