Iran vừa bước vào ngày đầu tiên của năm mới (theo lịch Ba Tư) vào hôm 21/3. Với người dân ở quốc gia Hồi giáo này, sự kỳ vọng thì có nhiều, nhưng trên hết vẫn là khát vọng cho một nền hòa bình, ổn định thực sự. Thế nhưng, trước thềm xuân mới, họ không có hoa hồng, không có cành ô-liu, mà chỉ là những số liệu không mấy khả quan của nền kinh tế cùng những tuyên bố cứng rắn của Mỹ, phương Tây và nước láng giềng Israel nhằm bao vây, siết chặt hơn nữa Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Nhà lãnh đạo Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei phát biểu mừng năm mới (Ảnh: AP)

Năm mới đến với người dân Iran cùng với những điều không an lành. Nền kinh tế nước này đang đối mặt với khó khăn chồng chất. Lạm phát hiện ở mức trên 20%, phần lớn hệ thống ngân hàng bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt, tỷ lệ thất nghiệp cao. Xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, ước tính đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, so với 2,2 triệu thùng/ngày trước đây. Tính riêng trong năm 2012, nền kinh tế Iran đã thiệt hại hơn 40 tỷ đôla bởi các biện pháp bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Trên lĩnh vực chính trị, Iran tiếp tục gặp nhiều sức ép từ bên ngoài. Tại buổi họp báo chung mới đây với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ tăng cường hợp tác với nhà nước Do Thái nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Còn ông Netanyahu thì cho biết Tel Aviv có thể sẽ buộc phải sử dụng vũ lực, trong trường hợp cần thiết, để buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Mỹ vẫn lớn tiếng cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran đã chạm "giới hạn đỏ" và nếu quốc gia Hồi giáo này không nhượng bộ sẽ còn những đòn trừng phạt hơn nữa. Liên minh châu Âu thì đang siết chặt trừng phạt Iran khi đưa thêm 9 quan chức nước này vào "danh sách đen" những người bị cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản. Như vậy, hiện có tổng cộng 490 công ty và 105 cá nhân của Iran bị liệt vào danh sách bị cấm cấp thị thực và bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế buôn bán, giao dịch tài chính và dầu mỏ.

Rõ ràng, trên nhiều phương diện, Iran đang chịu sự cô lập nặng nề. Mặc dù lâu nay, trong các cuộc đàm phán cũng như bày tỏ quan điểm về chương trình hạt nhân của mình, Tehran đã nhiều lần khẳng định sẽ sẵn sàng giải tỏa các quan ngại của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế nếu như đạt được một thỏa thuận về việc thanh sát chương trình hạt nhân của Tehran, thế nhưng điều đó chưa làm hài lòng các quan chức Mỹ và phương Tây. Theo giới quan sát, hạ bệ chế độ của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nhằm tạo sự bền vững cho đồng minh chiến lược là Israel tại khu vực Trung Đông, cùng với đó là gây dựng ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực nhiều tài nguyên này, luôn là điều mà Nhà Trắng hướng đến.

Trong tình cảnh như vậy, rõ ràng người dân nước Cộng hòa Hồi giáo Iran không thể hy vọng phép màu nhiệm nào có thể xuất hiện trong một tương lai gần.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *