Nằm ở vùng ngoại ô phía Tây thành phố Hyderabad, bang Telangana của Ấn Độ, pháo đài Golconda được xem là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của người Ấn Độ. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 như một pháo đài “bất khả xâm phạm”, đến nay công trình này vẫn tồn tại dù trải qua bao thăng trầm.

Golconda – Pháo đài “bất khả xâm phạm” của Ấn Độ

Ấn tượng đầu tiên khi đến với pháo đài Golconda là bức tường thành sừng sững làm bằng gạch đá kéo dài hàng cây số. Đây là lá chắn bảo vệ cố đô Golconda cổ xưa, tiền thân của thành phố Hyderabad ngày nay. Điều đáng chú ý là công trình đồ sộ này được làm hoàn toàn bằng sức người. Thiết kế của pháo đài cho phép các trạm canh gác có thể nghe được những tiếng động từ xa ở bên ngoài thành.

“Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và thán phục cách người Ấn Độ ngày xưa xây dựng pháo đài to lớn này mà không cần đến máy móc hỗ trợ. Thật kỳ diệu.”
Sự vững chắc của pháo đài đã giúp bảo vệ Vương quốc Golconda cổ xưa qua nhiều cuộc chiến. Điều đó cũng thu hút các thương nhân từ khắp nơi đến đây giao dịch, góp phần tạo nên sự phồn hoa của cố đô và giúp Hyderabad ngày nay trở thành trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất Ấn Độ.

Đến với pháo đài Golconda, du khách còn có dịp thưởng thức màn trình diễn ánh sáng 3D đặc sắc vào ban đêm. Chương trình mang đến câu chuyện sống động về lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm qua, từ thời Vương quốc Golconda đến thành phố Hyderabad, trong đó có sự ra đời của pháo đài Golconda. Ấn Độ đã đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét công nhận pháo đài Golconda là di sản thế giới.

Thuận Hải, Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *