Ngày Tim mạch Thế giới (29/9) hằng năm như lời nhắc nhở mọi người chăm sóc hơn nữa trái tim của chính mình. Liên đoàn Tim mạch Thế giới cho biết hiện bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, dù các tiến bộ y học giúp tăng đáng kể khả năng sống sót cho người bệnh, song thế giới cần làm nhiều hơn nữa để ngăn ngừa căn bệnh được ví như “kẻ giết người thầm lặng” này.

Ảnh minh họa

Cựu thủ môn nổi tiếng người Anh David Seaman hiện là Đại sứ của Quỹ Tim mạch Anh. Ông đang sống chung với bệnh rung nhĩ, tức nhịp tim không đều. Nhân Ngày Tim mạch Thế giới năm nay, ông David Seaman muốn cảnh báo mọi người về bệnh tim mạch. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có đến 36% người dân Anh không biết đây là căn bệnh gây chết người số một tại xứ sương mù.

Ông David Seaman – Đại sứ Quỹ Tim mạch Anh cho biết: “Tại Anh, mỗi ngày có khoảng 180 người chết vì bệnh động mạch vành.”

Giới bác sĩ ở các nước phương Tây cho biết, sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật cùng các loại thuốc mới đã giúp gia tăng đáng kể hiệu quả trong việc điều trị bệnh tim mạch, song số ca tử vong do bệnh này vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Giáo sư Fausto Pinto – Cựu Chủ tịch Liên đoàn Tim mạch Thế giới thông tin: “Năm 2021, có 20,1 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch trên toàn cầu. Năm 2019 là 18,6 triệu người. Thật không may, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch đang thực sự gia tăng.”

Hút thuốc, ít tập thể dục và chế độ ăn uống kém lành mạnh góp phần làm tăng số trường hợp mắc bệnh tim mạch ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bên cạnh đó, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế khiến nhiều bệnh nhân không được chữa trị kịp thời, làm tăng nguy cơ tử vong.

Giáo sư Fausto Pinto – Cựu Chủ tịch Liên đoàn Tim mạch Thế giới chia sẻ: “Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có thể lên tới 60 đến 70%, còn ở các nước có thu nhập cao hơn, tỷ lệ này vào khoảng 30%.”

Tại một số nước phương Tây, tỷ lệ hút thuốc lá – một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh tim mạch, đã sụt giảm nhờ các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng và các biện pháp pháp lý nhằm hạn chế thói quen này, chẳng hạn như cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, tiểu đường lại tăng lên.

Bệnh tim mạch giai đoạn đầu có thể phòng ngừa với tỷ lệ lên đến 80%. Do đó, các chuyên gia y tế tin rằng cần có các chính sách y tế công cộng để khuyến khích lối sống lành mạnh hơn./.

Thảo Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *