Bên bờ hạnh phúc

Ở rừng U Minh, khi mùa bông tràm bắt đầu nở, người thợ rừng vào phong ngạn chuẩn bị "gác kèo" lên những cây tràm chiêu dụ ong về làm tổ lấy mật. Kèo thường là cây tràm hay cây cau, được bổ đôi, làm sạch, láng và được thoa một lớp sáp ong để bầy ong dễ đóng kèo.

 

Khi ong xây tổ đến lứa thì người thợ rừng đến lấy mật đem về. Lấy mật ong cũng là một bí quyết, phải đứng phía trên đầu gió mà đốt. Gặp khói cay, tất cả bầy ong bay tỏa ra theo chiều gió và người thợ rừng dùng con dao nhọn rạch thông tổ ong cho mật chảy ra, người đứng phía dưới đưa chiếc thùng nhựa hứng lấy, người ta thường gọi "thúng ong". Mật ong nguyên chất đặc quánh chảy tuôn ra hết. Bấy giờ, chỉ còn lại cái tổ ong, trong đó có nhộng nằm trong các ô hình lục giác, lúc đó người ta rọc tàng nhộng ong đem về đãi bạn bè.

Khách đến chơi, thế nào gia chủ cũng đãi một chầu ong non chấm với mật ong. Đây là món ăn thú vị. Gia chủ lấy chiếc mâm nhôm trải tấm ong non lên, bên cạnh là tô mật ong nguyên chất, bạn cứ tự nhiên xúc mật ong cho vào chén, lấy con dao bén cắt tàng ong non ra thành từng miếng, cứ thế chấm mật ong, cho vào miệng nhai, chất ngọt thanh tao của mật ong hòa quyện cùng chất béo của nhộng, ăn hoài đến ngán mới thôi. Tuy nhiên, có lẽ món nhộng ong mới là món "mức" nhất của tổ ong sau khi lấy mật.

Nhộng ong có hương vị vừa bùi vừa thơm vừa béo ngậy. Ngoài ăn theo kiểu chấm mật, nhộng ong được bà con chế biến ra nhiều món : gỏi bắp chuối đậu phụng, cháo nhộng ong, nhộng xào khóm, nhộng trộn bưởi, nhộng gói lá mướp… Nhưng món ngon dễ làm, được bà con ưa thích vẫn là nhộng ong trộn bưởi.

Để làm nhộng ong trộn bưởi, đầu tiên phải thui lửa tàng ong cho nhộng ong săn lại và dễ lấy ra. Xong, lấy chảo, cho mỡ, bắc lên bếp phi hành thật thơm, cho nhộng vào đảo cho đều, gia vị nước mắm tiêu tỏi, chiên cho chín đều, tắt lửa là được. Bưởi chín gọt vỏ, bỏ hột, xé rời từng tép bưởi trộn chung với nhộng. Xúc một muỗng vừa ong vừa bưởi, cho vào miệng từ tốn nhai, âm thanh trong miệng kêu "bụp", đó là lúc nhộng ong bể ra, chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng vị ngọt thanh của bưởi, vị mặn của gia vị, tất cả thấm tan đầu lưỡi. Nhấp vào một chút cay cay. Hương vị không chê vào đâu được, cứ thế mà câu chuyện càng râm ran, đậm đà tình nghĩa.

Thụy Mẫn – Báo Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *