Bên bờ hạnh phúc

Nhiều món ăn ngoài công dụng cung cấp chất dinh dưỡng, chữa bệnh, chống lão hóa… còn giúp cơ thể sảng khoái, nhẹ nhàng sau khi ăn. Đó là nhờ công dụng tiêu thực của nguyên liệu tạo nên món.

Theo lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM, những trái cây có chứa một số men như thơm, bưởi, cam, me… và các loại củ có công dụng ấm hệ tiêu hóa như gừng, riềng, sả, tiêu… đều có tác dụng tiêu thực.

Trái thơm (khóm, dứa) là nguyên liệu để làm nhiều món ngon như: lòng gà xào thơm, thịt bò xào thơm, canh chua nấu với các loại cá, bún cá Nha Trang… Những món này không chỉ cho vị rất ngon mà còn có tác dụng trợ giúp cho hệ tiêu hóa vì thơm có khả năng “thủ tiêu” nhanh chóng các loại đạm. Nếu sau khi ăn một món nào đó mà thấy cảm giác nặng bụng, khó tiêu, nhất là lỡ dùng quá nhiều các loại thịt nướng, hãy uống một ly nước ép thơm hoặc ăn một miếng thơm. Trong trường hợp muốn ăn thơm cho nhẹ bụng, nhưng đã quá ngán những món nêu trên, hãy đổi vị với một số món như tôm rim thơm. Khi làm món này, ngoài thơm, tôm, còn có các gia vị như gừng, bột cà ri, giúp cho món dậy màu và dậy mùi. Sự có mặt của gừng với công dụng làm ấm nóng cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động “sung” hơn. Món cơm trái thơm khá cầu kỳ cũng dùng gừng và thơm làm nguyên liệu, nhưng có kèm thêm các loại quả, hạt như: ớt chuông, cà rốt, hạt điều…

Trái cóc cũng là món hỗ trợ tiêu hóa tuyệt vời. Trong món gỏi cóc, cóc được chọn là những quả to dày cơm, đem bào mỏng sau đó trộn với tôm khô, đậu phộng, rau răm. Do cóc đã có vị chua, nên đôi khi chỉ cần nấu nước mắm đường cho kèo kẹo và đổ lên trên cùng. Khi ăn, trộn đều cho cóc thấm đẫm các vị chua, mặn, ngọt, bùi. Món này dân nhậu thường làm “mồi” nhắm, vừa ngon miệng vừa khỏe người. Tuy nhiên, để tiện làm nhẹ gánh cơ thể mỗi khi có cảm giác ăn không tiêu, nên ngâm sẵn một lọ cóc trong nhà. Món nước cóc ép cũng giúp ích khi bụng dạ lình xình “gây sự”.

Gỏi bưởi là món tiêu thực hữu hiệu. Tuy nhiên, các loại bưởi quá ngọt như bưởi da xanh không hiệu quả bằng các loại có vị hơi chua, gỏi ngon mà “thuốc” cũng hiệu quả hơn. Hiện, có nhiều món ngon ăn kèm với bưởi như tôm xốt bưởi, chỉ cần một múi bưởi để làm nước xốt cũng cho vị chua ngọt rất đặc biệt. Trong món salad bưởi chỉ cần khoảng nửa quả, trộn cùng thịt bò xắt hạt lựu xào chín tới, hành tây xắt mỏng, rau cải xoong. Món này không những dễ tiêu mà còn ngăn ngừa cảm mạo từ xa, nhờ sự hiện diện của hành tây và vitamin C trong rau cải xoong.

Cùng công dụng với bưởi có cam. Cam được dùng để chế biến nhiều món ngon, thông dụng nhất, nhiều người biết nấu nhất là món gà xốt cam. Có người cho nước cốt cam vào nấu với gà nhưng cũng có người làm nước xốt cam rưới lên gà đã tẩm ướp và chiên giòn. Trong món salad cam, ngoài “nhân vật chính” còn có các loại trái cây khác như: táo, lê, trái bơ. Tất cả xắt hạt lựu, riêng nước xốt trộn salad hơi đặc biệt một chút là dùng nước cam, mù tạt, đường, muối, tiêu. Để tăng phần hấp dẫn, không nên bỏ vỏ cam mà cắt đôi trái, lấy hết múi cam, dùng nửa vỏ cam để đựng salad…

Các món có chứa me đều có công dụng giúp cho hệ tiêu hóa “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Các loại canh chua nấu với me, tôm xốt me, cua rang me… đều thuộc các “mặt hàng” mà hệ tiêu hóa ưa thích. Me còn được dùng làm món ăn vặt như: me trộn muối ớt, me ngào đường, ô mai me. Trong giải khát, có món nước đá me rắc với đậu phộng, khiến vị nước me trộn lẫn chua, ngọt, bùi rất… ngon.

Món dân dã thường có mặt trong các hàng bán nghêu, sò, ốc, hến chốn Sài thành là hột vịt lộn xào me lại có cả hai nhân vật giúp hệ tiêu hóa đến đích nhanh chóng: me, rau răm. Theo Đông y, món này có khả năng trợ sức khỏe người yếu sinh lý, đau đầu, chóng mặt. Đó là nhờ hột vịt lộn có công dụng dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể tăng trưởng; rau răm tiêu thực, chống đầy bụng, khó tiêu. Như vậy, các món gỏi khi trộn thêm rau răm vừa tăng hương thơm vừa giúp tiêu hóa các chất đạm động vật. Món thịt bò thuôn hành răm cũng giúp tăng cường khí huyết nhưng lại nhẹ bụng, dễ tiêu nhờ lượng rau răm “dày đặc” trong tô. Trong các món cháo trai, cháo hến, sự có mặt của rau răm cùng tiêu, hành vừa giúp ngon miệng vừa tác dụng ấm dạ, dễ tiêu hóa.

Rau ngổ (ngò om) trong Đông y cũng là “thuốc” giúp kích thích tiêu hóa. Rau ngổ giúp canh bí đỏ, canh chua, phở… dậy mùi, vì thế khi người mệt mỏi, có cảm giác khó tiêu nên “tận dụng” các vị thuốc thơm ngon này.

Đa số món ăn thường được các bà nội trợ nêm hành ngò, ngoài công dụng làm cho món ăn thơm và có màu sắc tươi tắn, cặp đôi này còn có công dụng là làm trợ thủ đắc lực cho hệ tiêu hóa và giúp giải cảm.

Một món “thuốc tiêu” ngon miệng là gừng. Gừng có công dụng giảm đầy hơi, chống nôn khi đi tàu xe, vì thế khi đi xa nên “thủ” một ít mứt gừng hoặc gừng tươi và ăn các món có gừng như: gà kho gừng, vịt kho gừng…

Theo PNOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *