Bên bờ hạnh phúc

Trung tâm thị trấn Trảng Bàng – Tây Ninh có cả một dãy phố dài chỉ toàn nhà hàng quảng cáo món bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng. Chúng tôi bước vào một nhà hàng có tiếng mà hỏi bất cứ ai ở thị trấn này, họ đều chỉ tới: nhà hàng Năm Dung.

Món bánh Trảng Bàng – vị ngon của Tây Ninh.

Giống như các món cuốn tôm, dấm bỗng, chấm nước chấm cà cuống của Hà Nội, hay bánh tráng cuốn cá lóc chiên xù chấm mắm nêm của miền Nam, nguyên liệu của món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cũng rất đơn giản: chủ yếu là thịt đùi, chân giò heo luộc, một ít kiệu muối, cà rốt, su hào (hay củ cải) dầm dấm chua ngọt, giá sống, dưa chuột, và với rất nhiều loại rau được cuốn trong chiếc bánh tráng chấm với nước chấm tỏi, ớt được xay nhuyễn cũng chua chua ngọt ngọt.

Thế nhưng, sự độc đáo và khác lạ của món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng nằm ở chính chiếc bánh tráng, và ở chính các loại rau gia vị.

Bánh tráng phải làm toàn bằng bột gạo, có pha chút muối đậm hơn bánh thường, khi tráng cũng được tráng dầy hơn bánh thường. Xong, bánh được đem nướng, nhưng không được nướng lửa than, bánh sẽ cháy mà tốt nhất là nướng bằng than vỏ đậu phộng (vỏ củ lạc), độ nóng đều, nhẹ.

Sau khi nướng xong, có thể để một thời gian lâu. Còn vì sao gọi là phơi sương? Trước khi ăn, vào buổi tối, khi nhìn thấy những chậu kiểng ươn ướt man mát hơi sương, người ta đem các vỉ bánh ra phơi độ một, hai phút để hơi sương thấm vào bánh, làm cho bánh có thêm tinh lực của đất trời.

Không có khế chua, chuối chát, dứa (khóm, thơm), ngọt nhẹ như của các món cuốn khác, đặc sắc nhất của món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là có hàng chục loại rau. Ngoài những loại rau thơm quen thuộc như riếp cá, húng, tía tô, hẹ… là những loại rau có đủ vị chua, cay, ngọt, chát gắn bó thân thuộc với cuộc sống, sinh hoạt của người Trảng Bàng.

Theo amthucvietnam 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *