Viêm màng não và viêm não thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ chưa có miễn dịch, tỷ lệ tử vong cao đồng thời để lại nhiều di chứng nặng dù điều trị khỏi. Tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo hàng đầu.

Mới đây, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vừa ghi nhận chùm 6 ca bệnh não mô cầu, là người trong cùng một gia đình, trong đó có 2 ca tử vong. Sau đó, con trai của một người dự đám tang của gia đình người bệnh cũng nhập viện, theo dõi viêm màng não do não mô cầu.

Chương trình tư vấn trực tuyến tối 25/6 với chủ đề “Cập nhật diễn biến nguy hiểm của viêm màng não, viêm não Nhật Bản ở trẻ em và người lớn”.

Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết viêm màng não, viêm não là những bệnh cảnh nặng, khó phát hiện và theo dõi khiến tỷ lệ tử vong cao. Nếu qua khỏi, bệnh vẫn để lại nhiều di chứng không phục hồi về thần kinh và chức năng vận động.

Để độc giả hiểu rõ các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng ngừa hiệu quả, các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, nhi khoa, thần kinh đã trả lời trực tiếp các thắc mắc trong buổi livestream diễn ra tối 25/6 với chủ đề: “Cập nhật diễn biến nguy hiểm của viêm màng não, viêm não Nhật Bản ở trẻ em và người lớn”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: ThS.BSNT Hoàng Minh Tiến, bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, bác sĩ điều trị, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây.

Mở đầu chương trình, ThS.BSNT Hoàng Minh Tiến cho biết viêm màng não và viêm não là các tổn thương ở màng não và nhu mô não có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Theo bác sĩ Tiến, tác nhân truyền nhiễm gây ra viêm màng não và viêm não khá đa dạng gồm: vi khuẩn, virus, nấm… Trong đó, vi khuẩn phế cầu, não mô cầu, Hib, E.coli, liên cầu khuẩn nhóm B; virus viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sởi, Enterovirus (gây bệnh tay chân miệng) là các tác nhân gây viêm màng não và viêm não phổ biến, thường gặp.

Các nhóm dễ mắc viêm màng não, viêm não là trẻ nhỏ, trẻ dưới 5 tuổi, người già, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, HIV, lupus ban đỏ hệ thống…

Bác sĩ Tiến lưu ý bệnh đặc biệt nguy hiểm do các triệu chứng không điển hình, khó phát hiện sớm. Ở trẻ, bệnh dễ nhầm lẫn với triệu chứng viêm đường hô hấp thông thường như cảm cúm.

“Tuy nhiên, có một số triệu chứng có thể phân biệt như trẻ nhũ nhi bỏ bú, nôn vọt, quấy khóc, li bì, ngủ gà. Các triệu chứng ở trẻ lớn khá giống người lớn gồm sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cứng cổ. Người bệnh cần được đưa nhập viện và theo dõi tình trạng, thực hiện các xét nghiệm như chọc dò dịch não tủy, chụp cắt lớp sọ não để xác định bệnh”, bác sĩ Tiến cho hay.

BS.CKI Hoàng Tuyết Sương trong buổi tư vấn trực tuyến tối 25/6.

BS.CKI Hoàng Tuyết Sương nhấn mạnh các bệnh viêm não, viêm màng não rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thần kinh và não bộ. “Ở giai đoạn cấp, bệnh gây ra những biến đổi cấp tính như đau đầu dữ dội, rối loạn tri giác, cứng cổ, buồn nôn và nôn ói. Về lâu dài, khi mà tình trạng viêm lan sang toàn bộ những thành phần trong não, đặc biệt ở cấu trúc tại vỏ não, dưới vỏ và đặc biệt là thân não thì bệnh có thể để lại các di chứng vĩnh viễn như co giật, động kinh hoặc gây tàn phế, liệt, yếu về vận động, ảnh hưởng tới nhận thức về lâu dài”, bác sĩ Sương lý giải.

Điển hình như bệnh viêm màng não do não mô cầu lây qua đường hô hấp, có thể gây tử vong trong 24 giờ sau khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng 50%. Dù được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong vẫn lên đến 8-15%, theo Cục Y tế dự phòng. Ở người đã khỏi bệnh, 10-20% chịu di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, rối loạn tâm lý.

Với bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, tỷ lệ tử vong từ 20-30%. Nếu qua khỏi, 30-50% bệnh nhân vẫn có khả năng gặp các di chứng suốt đời như điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.

Để phòng bệnh, bác sĩ Huỳnh Trần An Khương nhấn mạnh biện pháp tiêm ngừa vắc xin là cách quan trọng hàng đầu, cung cấp miễn dịch đặc hiệu với bệnh. Hiện các tác nhân gây viêm màng não và viêm não đã có vắc xin phòng ngừa là phế cầu, Hib, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, sởi, thủy đậu. Các vắc xin đã phổ biến đầy đủ trong chương trình tiêm chủng dịch vụ cho cả trẻ em và người lớn.

Như vắc xin phế cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn. Vắc xin ngừa Hib được phối hợp trong vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 24 tháng tuổi. Vắc xin não mô cầu có nhiều loại.

Vắc xin ngừa não mô cầu nhóm B thế hệ mới tiêm cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi. Vắc xin ngừa não mô cầu BC tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi. Vắc xin não mô cầu nhóm ACYW tiêm cho người từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Vắc xin viêm não Nhật Bản phổ biến trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, tiêm sớm nhất cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Vắc xin sởi có sởi đơn và kết hợp sởi – rubella, sởi – quai bị – rubella tiêm sớm nhất cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Vắc xin thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn.

Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương trong buổi tư vấn trực tuyến tối 25/6.

Bác sĩ Khương nhấn mạnh mỗi loại vắc xin có lịch tiêm cơ bản và lịch tiêm nhắc khác nhau theo từng độ tuổi. Trẻ em và người lớn khi đi tiêm ngừa cần tiêm đủ liều, đúng lịch, kể cả các lịch nhắc để duy trì kháng thể ở mức cao, giúp bảo vệ cơ thể. Bác sĩ Khương cũng lưu ý người lớn là nguồn lây bệnh chính cho trẻ sơ sinh khi trẻ chưa có tiếp xúc xã hội và chưa đến tuổi tiêm ngừa. Do đó tiêm ngừa cần bao phủ tất cả thành viên trong gia đình để “tạo kén” giúp bảo vệ trẻ em, phụ nữ mang thai cũng như người cao tuổi có bệnh nền.

Bên cạnh tiêm ngừa, theo bác sĩ Khương cần kết hợp đa biện pháp để phòng viêm não và viêm màng não. Cụ thể người dân cần giữ vệ sinh họng miệng, giữ thói quen đeo khẩu trang, giữa khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giáo dục trẻ cách phòng bệnh như không đưa tay lên mắt mũi miệng.

Khi người dân có biểu hiện như sốt cao, đau đầu, cứng cổ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được theo dõi, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *