Số ca mắc sởi đang tăng nhanh từng ngày, nhiều trường hợp biến chứng nặng, nhập viện điều trị, thậm chí tử vong. Ngay thời điểm này, trẻ em và người lớn cần gấp rút tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin sởi để có cơ hội tạo miễn dịch sớm, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%, chặn dịch bệnh lan rộng.

Đây là một trong những nội dung khuyến cáo quan trọng của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế dự phòng, Nhi khoa trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM – Tiêm vắc xin gì phòng bệnh sởi cho Trẻ em & Người lớn” diễn ra vào tối ngày 6/9/2024.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, gồm BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng Đơn vị Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7; BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn khán giả trong bối cảnh TP HCM đã công bố dịch sởi và đang triển khai chiến dịch tiêm 1 mũi vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC do Việt Nam sản xuất) cho trẻ từ 1-5 tuổi đang sống tại địa bàn thành phố.

Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Chương trình tư vấn “Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM – Tiêm vắc xin gì phòng bệnh sởi cho Trẻ em & Người lớn” do Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức.

Mở đầu chương trình, BS Hạnh Lê cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, lây lan dễ dàng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở. Bệnh sởi phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh gây sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nhiều người có quan niệm sởi chỉ là bệnh trẻ con và chóng khỏi, tuy nhiên bác sĩ Hạnh Lê cho rằng đây là quan niệm sai lầm khi người lớn cũng có nguy cơ mắc sởi, biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị kéo dài. Bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện nên nhiều bệnh nhân vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi khiến mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt lây cho nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai mắc sởi dễ gặp các biến chứng như viêm phổi, tăng khả năng thai chết lưu, sinh non, mắc dị tật, nhẹ cân khi sinh ra.

BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê lưu ý phụ huynh cần chú ý phòng bệnh và nhận biết sớm triệu chứng sởi ở trẻ.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, chỉ trong 1 tuần (từ 26/8 – 1/9), TP.HCM ghi nhận thêm 106 ca sởi trên địa bàn, tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước đó. Đáng lo ngại, bệnh sởi có xu hướng dịch chuyển sang trẻ trên 5 tuổi khi ca bệnh ở nhóm này chiếm 1/4 tổng số ca mắc, trong khi giai đoạn đầu của dịch ít gặp.

Lý giải nguyên nhân bệnh sởi tăng cao trong năm nay, bác sĩ Nguyễn Minh Luân cho biết do ảnh hưởng giãn cách xã hội và tình hình cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn sau dịch Covid-19, nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Qua 4-5 năm, số trẻ tích lũy trong cộng đồng tăng cao là nguyên nhân khiến bệnh lây theo “dây chuyền”, dễ dàng bùng phát thành dịch. Khi trẻ nhỏ dần được bổ sung vaccine thì bệnh sẽ có xu hướng dịch chuyển sang trẻ lớn và người lớn, do đó để tạo miễn dịch cộng đồng, tất cả mọi người đều cần tiêm vaccine.

Bác sĩ Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh sởi nguy hiểm nhất ở biến chứng hậu bệnh.

Ngoài cảnh giác biến chứng khi mắc sởi, bác sĩ Luân cũng lưu ý sởi có thể gây ra các biến chứng hậu sởi như suy giảm miễn dịch, viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi và tâm thần, suy dinh dưỡng…

Mô tả về tình trạng suy giảm miễn dịch sau mắc sởi, bác sĩ Luân cho biết virus sởi có thể gây phá hủy số lượng tế bào miễn dịch tương đương một người mắc HIV nhưng không điều trị trong vòng 5-10 năm.

“Sau khi mắc HIV thì các tế bào miễn dịch sẽ không hồi phục được. Song sau khi mắc sởi, tế bào miễn dịch có thể hồi phục, nhưng thường mất đến 2-3 năm. Trong giai đoạn này, cơ thể có nguy cơ bị tấn công bởi các virus, vi khuẩn trước đây từng gặp bởi không còn kháng thể”, bác sĩ Luân phân tích và cho biết trong vòng 5 năm tiếp theo sau khi mắc sởi, người bệnh có 50% nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo tư vấn về vắc xin và lịch tiêm sởi cho trẻ em và người lớn.

BS Nguyễn Tiến Đạo cho biết ai cũng có thể mắc bệnh sởi, đặc biệt những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh, đặc biệt trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi. Người lớn trong gia đình cũng cần chủ động tiêm ngừa sởi để phòng bệnh sớm.

Việt Nam hiện có nhiều loại vắc xin chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn trong chương trình TCMR và dịch vụ, gồm: mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp sởi – rubella (MRVac); loại phối hợp 3 trong 1 sởi – quai bị – rubella (Priorix – Bỉ) dành cho trẻ từ 9 tháng và MMR II (Mỹ) chỉ định cho nhóm từ 12 tháng. Trẻ từ 7 tuổi và người lớn tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng.

Trong vùng dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức, chuyên gia cho biết, vắc xin phòng sởi MVVac hoặc MMR II có thể tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh đó, trẻ em có thể được rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin từ 3 tháng xuống còn 1 tháng để cơ thể có miễn dịch phòng bệnh sớm. Phụ nữ nên hoàn thành lịch chủng ngừa phòng sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng.

Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm tại 55 tỉnh, thành làm việc xuyên trưa, từ thứ 2 đến chủ nhật. VNVC có đủ vắc xin cho trẻ em và người lớn, đặc biệt vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng và người lớn, gồm: mũi sởi đơn MVVac (Polyvac – Việt Nam), mũi sởi phối hợp quai bị – rubella Priorix (GSK – Bỉ) và MMR II (MSD – Mỹ). Vắc xin có mức giá bình ổn, không phát sinh chi phí phụ, đồng thời có nhiều chương trình ưu đãi giá, quà tặng.

Tất cả vắc xin ở VNVC được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế; quy trình tiêm chủng an toàn; đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng tiêm nhẹ nhàng; trung tâm có phòng xử trí phản ứng sau tiêm hiện đại, đủ phương tiện y khoa cao cấp. Người dân có nhu cầu tư vấn, tiêm chủng vắc xin sởi hoặc các vắc xin có thể đến trực tiếp các trung tâm VNVC hoặc gọi đến số hotline.

Mộc Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *