Mùa hè nhiều trẻ tham gia khóa học ngoại khóa, đi du lịch và về quê, tăng nguy cơ mắc các bệnh theo mùa như cúm, sởi, viêm màng não, viêm não Nhật Bản… Việc thờ ơ, chưa tiêm vắc xin, không tiêm đúng lịch hoặc bỏ quên mũi nhắc là nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh và chịu di chứng vĩnh viễn.
Đó là thông tin được 3 chuyên gia hàng đầu về Y tế dự phòng, Bệnh truyền nhiễm và Nhi khoa gồm: ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu, Bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Tiêm vắc xin nào để bảo vệ trẻ em trong kỳ nghỉ hè?” do Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức vào 20h Thứ 6, ngày 7/6/2024.
Độc giả có thể theo dõi toàn bộ chương trình Tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY và tiếp tục gửi các thắc mắc để được các chuyên gia đầu ngành của VNVC, BVĐK Tâm Anh giải đáp.
Chương trình Tư vấn trực tuyến: “Tiêm vắc xin nào để bảo vệ trẻ em trong kỳ nghỉ hè?”
Mở đầu chương trình, các chuyên gia đã cùng cập nhật về diễn biến mới nhất của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa hè như chỉ 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 200 ca sởi, hàng trăm ca ho gà ở các tỉnh thành. Trong đó, các ca mắc sởi và ho gà chủ yếu là chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ, trong đó Hà Nội ghi nhận số ca ho gà tăng cao bất thường với 98 ca. Các bệnh khác như cúm A, cúm B, viêm não Nhật Bản, viêm màng não… cũng được ghi nhận ở nhiều địa phương.
Lý giải nguyên nhân trẻ dễ mắc bệnh trong mùa hè, Bác sĩ Bảo Châu cho biết cho biết có nhiều yếu tố. Ví dụ, di chuyển đột ngột từ nhiệt độ ngoài trời 38-40 độ sang phòng máy lạnh 20-25 sẽ khiến trẻ không kịp thích nghi nên dễ mắc bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản cấp và viêm phổi. Mùa hè với khí hậu nóng ẩm cũng tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển, làm bùng dịch trong cộng đồng. Ngoài ra, trẻ em với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên càng dễ mắc bệnh.
“Dịp hè nhiều gia đình thường lựa chọn về quê, đi du lịch nơi đông người. Việc tiếp xúc với môi trường đông đúc, đặc biệt tiếp xúc với nhiều người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng, từ đó trẻ mắc bệnh, dễ gặp biến chứng”, Bác sĩ Bảo Châu chia sẻ.
BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu tư vấn các bệnh truyền nhiễm trẻ có thể gặp trong mùa hè.
Theo đó, những bệnh trẻ dễ gặp trong mùa hè gồm: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, bởi thời tiết nắng nóng sẽ làm cho thức ăn nhanh hỏng, ôi thiu. Mùa hè trẻ khát nước hơn nên dễ uống phải nước không hợp vệ sinh cũng dễ mắc bệnh đường ruột.
Đặc biệt, nhiều phụ huynh thường lầm tưởng mùa hè không có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, song các bệnh như sởi – quai bị – rubella, cúm, viêm phổi, thủy đậu… cũng có xu hướng tăng vào mùa hè. Bên cạnh đó, các bệnh về não như viêm màng não, viêm não Nhật Bản cũng có diễn biến phức tạp, gây biến chứng thần kinh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tính mạng trẻ.
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh mùa hè bùng phát nhất là đối với trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch kém. Năm 2024 lại là năm nằm trong chu kỳ 2-4 năm tăng mạnh của một số bệnh truyền nhiễm.
Mới đây, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đã ghi nhận 4 trẻ mắc bệnh sởi trong năm 2024, đều là những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Đây cũng là một lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch nếu trẻ không được tiêm vắc xin.
ThS Nguyễn Diệu Thúy cho biết, sởi cũng có chu kỳ bùng phát mỗi 4-5 năm và dễ lây trong mùa hè. Theo thống kê, tại châu Âu trong năm 2023, số ca sởi gấp 30 lần số ca bệnh năm 2022. Đầu năm 2024 ca bệnh sởi diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực. Tại Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm, số ca sởi cả nước ghi nhận 130 ca, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023 và tiếp tục tăng vào các tháng tiếp theo. Sởi lây mạnh qua đường hô hấp, 1 trẻ mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa có miễn dịch. Sởi có thể bội nhiễm với các vi khuẩn khác và biến chứng như viêm các vị trí tai giữa, xoang, phổi, phế quản, màng não; tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt…
“Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2022 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh sởi”, ThS Diệu Thúy nói.
ThS Nguyễn Diệu Thúy cho biết bệnh sởi, ho gà đang có diễn biến phức tạp.
Ho gà cũng là bệnh truyền nhiễm gia tăng bất thường trong thời gian gần đây. 5 tháng đầu năm, có nước ghi nhận hơn 120 ca ho gà, gần 60% trường hợp dưới 2 tháng, 80% chưa tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Một số người lớn mắc ho gà trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ. Vi khuẩn ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.
Tại Việt Nam, vắc xin ho gà có ở các loại vắc xin phối hợp (6 trong 1, 5 trong 1) được khuyến cáo tiêm ở chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ với phác đồ 4 mũi cần hoàn thành trong 2 năm đầu đời. Mặt khác, ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời, cần duy trì tiêm nhắc khi trẻ 4-7 tuổi, khi trẻ 9-15 tuổi, phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai, người lớn cần duy trì tiêm nhắc mỗi 10 năm.
BS Trần Huỳnh Tấn khuyến cáo tất cả trẻ đều cần tiêm vắc xin để được bảo vệ trong mùa hè.
Theo BS Trần Huỳnh Tấn, để giảm nguy cơ mắc các dịch bệnh nguy hiểm trong mùa hè, phụ huynh cần khẩn trương tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin quan trọng cho trẻ, tiêm bù, tiêm đuổi những vắc xin đang thiếu hoặc bỏ lỡ.
Mở đầu cho kế hoạch tiêm chủng trọn đời, trẻ 0-2 tuổi cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin như viêm gan B, lao (mốc sơ sinh); phế cầu khuẩn, 6 trong 1, Rotavirus, não mô cầu khuẩn nhóm B (mốc 2 tháng tuổi); cúm, não mô cầu khuẩn nhóm BC (mốc 6 tháng); thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, viêm não Nhật Bản, sởi, não mô cầu khuẩn nhóm ACYW (mốc 9 tháng); viêm gan A, viêm gan AB, sởi – quai bị – rubella… (mốc 12 tháng); tả, thương hàn… (mốc 24 tháng).
Cần lưu ý mỗi năm trẻ cần tiêm nhắc vắc xin cúm do các chủng virus cúm biến đổi liên tục mỗi năm và kháng thể duy trì ngắn dưới 1 năm. Tiếp theo, trẻ nên tiêm mũi phòng các bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván; tiêm nhắc đối với nhóm dưới 7 tuổi và dưới 15 tuổi. Ngoài ra, trẻ còn cần lưu ý tiêm đầy đủ các loại vắc xin như sởi, thủy đậu, HPV, viêm não Nhật Bản, não mô cầu… Phụ huynh có thể liên hệ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn về các loại vắc xin đầy đủ nhất.
Ngoài vắc xin, phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho con bằng cách giúp trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân tốt, bổ sung vi chất trong bữa ăn như vitamin A, C, D; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường… Nếu có biểu hiện ốm, gia đình nên đưa đi khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và nghỉ học nếu cần thiết.
Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 180 Trung tâm trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vắc xin quan trọng và cần thiết cho trẻ em, người lớn với giá bình ổn, nhiều ưu đãi. Khách hàng tiêm chủng tại VNVC hoặc người dân có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng, tìm hiểu các loại vắc xin phù hợp và nhiều thông tin quan trọng về tiêm chủng vắc xin qua App VNVC để có được các thông tin khoa học, đầy đủ, không bỏ lỡ lịch tiêm và nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn. Để được tư vấn về vắc xin và lịch tiêm, người dân có thể gọi đến hotline hoặc đến các Trung tâm VNVC để được tự vấn và đặt lịch.