Thăm khám sớm giúp phát hiện kịp thời, ngăn ngừa, điều trị hiệu quả các vấn đề về mắt ở người lớn và trẻ em, tránh suy giảm thị lực dẫn đến mù lòa.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Bệnh lý mắt ở người lớn và trẻ em”, các chuyên gia tại Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về triệu chứng, cách phòng ngừa cũng như các phương pháp điều trị, phẫu thuật tiên tiến, chuẩn xác giúp điều trị hiệu quả các bệnh lý nhãn khoa ở trẻ em và người lớn.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Bệnh lý mắt ở người lớn và trẻ em”
Chương trình tư vấn có sự tham dự của ba chuyên gia: TTUT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Trung tâm Mắt công nghệ cao, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS.CKII Bùi Việt Hưng, Trưởng khoa Dịch kính Võng mạc, Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Mở đầu chương trình TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 40 triệu người mù, một nửa trong đó là do bệnh đục thuỷ tinh thể gây nên. Ở Việt Nam, theo cuộc điều tra KAP do Bộ Y tế cùng các tổ chức phi chính phủ thực hiện về các bệnh lý mắt gây mù, đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân hàng đầu với tỷ lệ khoảng 74%, tiếp đến là các bệnh đáy mắt, dịch kính võng mạc, sau đó là các trường hợp bị đục giác mạc và glocom. Đáng chú ý là nhóm người trong độ tuổi từ 65 – 75 tuổi có đến 65% mắc đục thuỷ tinh thể và từ 75 tuổi trở lên thì tỷ lệ mắc lên tới trên 70%.
Không chỉ ở người lớn, các bệnh lý về mắt ở trẻ em cũng là vấn đề đáng cảnh báo, bởi theo nghiên cứu gần đây nhất cho thấy có khoảng trên 30.000 trẻ em bị mù do bệnh lý về mắt.
Về điều trị đục thuỷ tinh thể, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp chia sẻ phương pháp triệt để nhất là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh sở hữu hệ thống Alcon Vision Suite ứng dụng trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể. Hệ thống gồm năm thiết bị kết nối đồng bộ trước, trong và sau thực hiện gồm: khám cận lâm sàng, chẩn đoán, phẫu thuật và hỗ trợ theo dõi sau mổ. Năm thiết bị tạo sức mạnh tổng thể, có thể kiểm soát, nâng cao độ chính xác ở mọi quy trình, giảm thiểu biến chứng sau phẫu thuật.
TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp chia sẻ về bệnh đục thuỷ tinh thể ở người già.
Về phương pháp điều trị, kiểm soát tình trạng các bệnh lý tật khúc xạ ở trẻ em được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ: “Đối với tật khúc xạ đặc biệt là cận thị, thông thường sẽ tiến triển dần theo độ tuổi. Khi độ cận tăng đến mức 6 diop trở lên, nhãn cầu sẽ bị kéo dài và có thể gây ra các biến chứng ở đáy mắt như thoái hoá võng mạc chu biên và hình thành ra những vết rách khiến võng mạc bị bong tróc từ đó dẫn đến mù lòa”.
Theo PGS thu Hiền, để điều trị và khắc phục tật khúc xạ, có hai nhóm phương pháp quang học và phương pháp phẫu thuật. Quang học là phương pháp sử dụng kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Phương pháp này an toàn, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả mang tính tạm thời. Còn đối với phương pháp phẫu thuật sẽ áp dụng cho những trường hợp trên 18 tuổi, công suất khúc xạ trong khoảng 6 tháng – 1 năm không thay đổi, có thể sử dụng phương pháp laser hoặc đặt thấu kính nội nhãn.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ về phương pháp điều trị, kiểm soát tật khúc xạ ở trẻ em.
Trong buổi chia sẻ BS.CKII Bùi Việt Hưng cho biết: Đối với các nhóm bệnh về dịch kính võng mạc hay còn gọi là đáy mắt được chia thành nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa. Nhóm bệnh nội khoa viêm màng bồ đào, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc gây phù hoàng điểm… Và đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường là nguy cơ gây suy giảm thị lực đứng thứ 3 sau đục thuỷ tinh thể.
Đối với các nhóm bệnh ngoại khoa, thường gặp nhất là bong rách võng mạc. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây bong/rách võng mạc là tỷ lệ cận thị tăng nhanh chóng và không được kiểm soát tốt. Bong/rách võng mạc được xếp vào hệ cấp cứu của nhãn khoa, cần được xử lý sớm.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như trong y học đặc biệt là ngành nhãn khoa đã có những sự cải tiến vượt bậc về phương tiện chẩn đoán và điều trị theo từng nhóm bệnh lý về mắt. Với nhóm bệnh lý khúc xạ, có thể kể đến các thiết bị Pentacam lập bản đồ giác mạc, máy đếm tế bào nội mô, đo độ bền cơ sinh học của giác mạc… Hiện nay, đã có nhiều máy chụp cắt lớp võng mạc với độ phân giải cao giúp quan sát hệ thống mạch máu trong mắt, đánh giá chính xác tình trạng tiến triển của bệnh, mức độ nặng của bệnh và từ đó đưa ra được hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
BS.CKII Bùi Việt Hưng chia sẻ về bệnh đáy mắt và việc ứng dụng thiết bị tiên tiến hiện đại vào chẩn đoán, điều trị bệnh về mắt.
Về điều trị bệnh hiện đã có các máy móc hiện đại, tiên tiến như: Máy phẫu thuật cắt dịch kính với tốc độ cao giúp hạn chế gây ra các biến chứng sau phẫu thuật; Kính hiển vi quan sát 3 chiều hình ảnh nổi – hình ảnh 3D mang lại độ rõ nét cao giúp bác sĩ có thể quan sát, dễ dàng thao tác phẫu thuật các mô của đáy mắt võng mạc – mô rất bé, rất mỏng… Không thể bỏ qua nhóm các thiết bị phẫu thuật khúc xạ hiện đại như VISUMAX 800, MEL 90… và hệ thống Alcon Vision Suite chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể.
Các chuyên gia lưu ý, có rất nhiều trường hợp bị mù do các bệnh lý về mắt có thể phòng ngừa và chữa trị được. Do đó, việc thăm khám phát hiện bệnh sớm có phương pháp điều trị phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao cho quá trình phục hồi thị lực, tránh gây nên những biến chứng ảnh hưởng đến mắt có thể dẫn tới mù lòa.
Đinh Huệ