Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010: Nhiều cơ hội cho khối C, D

Nếu trước đây khối D chủ yếu tuyển vào các ngành ngoại ngữ, xã hội – nhân văn thì gần đây được tuyển cả vào các ngành công nghệ, kinh tế… Còn khối C cũng có nhiều ngành hơn để thí sinh chọn lựa. Đáng chú ý, phổ điểm chuẩn của khối C, D khá rộng.

Ngành tuyển khối D ngày càng nhiều

 

Năm 2010, bên cạnh khối A, nhiều trường ĐH, CĐ tuyển cả khối D vào các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng… Cơ hội cho thí sinh thi khối D không còn bó hẹp ở các ngành ngoại ngữ hoặc các ngành xã hội.

Thí sinh thi khối D cũng có nhiều cơ hội chọn lựa trường thi phù hợp năng lực học tập khi phổ điểm chuẩn nhiều năm qua của khối D khá rộng.

 

Năm 2009, nhiều trường ĐH ngoài công lập có điểm chuẩn khối D bằng với điểm sàn (13 điểm). Nhiều trường ĐH vùng khác như ĐH Huế, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH An Giang… có điểm chuẩn khối ngành kinh tế khối D khoảng 14-18 điểm.

 

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, khối ngành kinh tế tuyển sinh khối D ở một số trường có điểm chuẩn rất cao. Dẫn đầu các trường này phải kể đến: Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội: 23,5 – 24,5 điểm, cơ sở 2 TPHCM: 21 – 22 điểm.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có điểm chuẩn rất cao từ 21 – 26 điểm, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng từ 17 – 21,5 điểm…

 

 

Trong khi đó, nhóm ngành xã hội – nhân văn có điểm chuẩn cao thuộc về ngành báo chí, thường có điểm chuẩn từ 18-20 điểm, quan hệ quốc tế (17,5-21,5 điểm), luật (17,5-18 điểm), Đông phương học (17-20 điểm), ngữ văn Anh (16-22)…

TS Phạm Tấn Hạ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Theo điều tra sinh viên tốt nghiệp thì riêng ngành ngữ văn Anh của trường, sau ba tháng đã có 92,1% sinh viên tìm được việc làm. Ngành này hiện đang rất cần nhân lực, chứ không hẳn ngoại ngữ chỉ là phương tiện hỗ trợ”.

 

Ở hệ CĐ, kỳ thi tuyển sinh năm 2009, ngoại trừ các trường như CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Tài chính – Quản trị kinh doanh (Hưng Yên), CĐ Kinh tế TPHCM… có điểm từ 15-18 thì hầu hết điểm chuẩn các ngành đào tạo khối D đều khoảng 10-13 điểm.

 

Khối C: Nhiều ngành điểm bằng “sàn”

 

Những ngành “dễ thở” ở khối C nhiều năm qua vẫn là các ngành như triết học, thư viện thông tin, lưu trữ học, nhân học, xã hội học, văn hóa học, Việt Nam học, công tác xã hội… Điểm chuẩn tại nhiều trường ở khoảng 14 điểm. Nhiều ngành khác như báo chí, luật có điểm chuẩn cao hơn nhưng cũng tùy từng trường.

Ví dụ, ngành báo chí ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay ở mức: 19,5 – 21 điểm; Học viện Báo chí Tuyên truyền luôn ở mức 19-21,5 điểm; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM: 17,5 – 20 điểm.

Còn ở Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng là 14 điểm; Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế: từ 15,5 – 16 điểm. Ngành luật ở Trường ĐH Luật Hà Nội có điểm chuẩn từ 20,5 – 21 điểm, Trường ĐH Luật TPHCM: 16 – 21 điểm, Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội: 19-20,5 điểm.

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH khác thì có điểm chuẩn ngành luật trong khoảng từ 15,5 – 19. Ở khối sư phạm ngữ văn, lịch sử, địa lý cũng có điểm chuẩn luôn ở các trường tốp trên từ 17-23 điểm nhưng nhiều trường khác có điểm chuẩn từ 15-17,5…

 

Còn các trường CĐ có tuyển sinh khối C có điểm chuẩn dao động khoảng 11-13 điểm, trừ một vài trường có điểm từ 15 trở lên.

Khối C được tuyển sinh ở các trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, CĐ Phát thanh Truyền hình 2, CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch, CĐ Phát thanh truyền hình 1, CĐ Truyền hình, CĐ Nội vụ; hệ CĐ trong Trường ĐH Lao động Xã hội, ĐH Mở TPHCM và nhiều trường CĐ ngoài công lập.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *