Tài chính ngân hàng lên ngôi
Tại Khoa Kinh tế – ĐH Quốc gia TPHCM, 2 ngành trên luôn nằm trong tốp 3 ngành điểm chuẩn cao nhất với mức điểm ngành quản trị kinh doanh cả 2 khối thi A, D1 là 19 (năm 2007), 19,5 (2008), 19 (2009); ngành tài chính – ngân hàng có mức điểm tương ứng 19-22-18. Hai ngành học này tại Trường ĐH Sài Gòn cũng dẫn đầu về điểm chuẩn năm 2009 với mức 17 điểm (khối D1).
Những ngành học này cũng có sự cạnh tranh cao tại các trường ĐH vùng. Cụ thể, tại Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế, trong 2 năm 2008, 2009, ngành tài chính ngân hàng liên tiếp dẫn đầu về điểm chuẩn với mức 21 – 19 (khối A), 21 – 18 (khối D).
Quản trị kinh doanh có mức điểm trúng tuyển khá cao: 17 – 15,5 (khối A), 16 – 15,5 (khối D). Tại Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng, ngành ngân hàng cũng chiếm vị trí số 1 về điểm chuẩn năm 2009 với 21,5 điểm, kế đến là nhóm ngành quản trị kinh doanh có điểm chuẩn các ngành quản trị kinh doanh tổng quát (19), quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ (17,5), quản trị kinh doanh quốc tế (18,5), quản trị kinh doanh thương mại (17,5).
Ở các trường ngoài công lập, 2 ngành học trên cũng “đắt hàng”. Năm 2009, tại Trường ĐH Hoa Sen, dẫn đầu về điểm chuẩn là ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng với 18 điểm.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhận định: “Những năm qua, nhóm ngành kinh tế có lượng thí sinh dự thi đông, điểm trúng tuyển rất cao. Những ngành này có nhu cầu khá lớn vì Việt đang hội nhập quốc tế. Nhu cầu này không chỉ 3-4 năm tới mà còn tiếp tục cần trong những năm tiếp theo”.
Báo chí – truyền thông: Lựa chọn số 1
Theo TS Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thời đại phát triển kinh tế đi kèm với sự bùng nổ thông tin đã và đang mang lại cho nghề báo một vị trí nổi bật trong xã hội và theo đó, báo chí – truyền thông trở thành một ngành học khá thời thượng trong các trường ĐH, nhất là về khả năng tìm việc làm. Thực tế cũng cho thấy trong khối ngành xã hội – nhân văn, báo chí – truyền thông luôn có điểm chuẩn rất cao.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tư vấn cho học sinh chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” của Báo NLĐ. Ảnh: N.HỮU |
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ngành báo chí và truyền thông luôn dẫn đầu về điểm chuẩn. Cụ thể: năm 2007 điểm chuẩn khối C là 17,5, khối D1: 18; năm 2008 khối C: 20, khối D1: 19; năm 2009 khối C, D1: 19.
Năm 2009, ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế, là một trong hai ngành thi khối C có điểm chuẩn cao nhất với mức 16 điểm, chỉ sau ngành luật – 17,5.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành học này cũng có điểm chuẩn rất cao: Năm 2008, khối C: 19,5, khối D1: 19; năm 2009, khối C: 19,5, khối D1: 20. Điểm chuẩn các ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng rất cao. Năm 2009, báo in điểm chuẩn là 21 (khối C), 18,5 (khối D1), báo ảnh: 19 (khối C), 17 (khối D1); báo phát thanh: 21 (khối C), 17,5 (khối D1); báo truyền hình: 21 (khối C), 18,5 (khối D1), quay phim truyền hình 20,5 (khối C), 17 (khối D1).
Ngữ văn, lịch sử dẫn đầu khối sư phạm
Trong khi đó, ở khối sư phạm, ngữ văn và lịch sử là 2 ngành học được nhiều thí sinh chọn lựa và có điểm chuẩn luôn nằm ở tốp trên. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngành sư phạm ngữ văn (khối C) luôn có điểm chuẩn cao thứ 2 sau ngành sư phạm toán với mức 17 (năm 2007), 18,5 (2008), 19 (2009); kế đến là sư phạm lịch sử (khối C) với điểm chuẩn 3 năm gần đây là 17 – 18 -18. Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong các ngành thi khối C, sư phạm ngữ văn có điểm chuẩn cao nhất với mức 16 (năm 2008), 15 (2009). Ngành sư phạm lịch sử tại Trường ĐH SP Huế – ĐH Huế cũng có điểm chuẩn cao nhất khối C năm 2009 ở mức 19, sư phạm ngữ văn đứng kế tiếp với mức điểm 18,5.
Tại các trường ĐH khác như ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng – ĐH Đà Nẵng… điểm chuẩn của 2 ngành này cũng dẫn đầu với mức trúng tuyển 18 trở lên. |
Theo Người lao động