Mùa tuyển sinh năm ngoái, nhiều CĐ thuộc khối kinh tế, kỹ thuật, y dược, công nghệ có tổ chức thi tuyển đã trở nên cực kỳ “hot” khi lượng hồ sơ đăng ký ban đầu cao hơn nhiều hơn ĐH. Chính điều này đã tạo ra không khí “chọi” căng thẳng không kém ở kỳ thi tuyển sinh ĐH.
Rộng đường với khối A, B
Trong số các CĐ có lượng thí sinh dự thi và mức điểm chuẩn cao phải kể đến CĐ Kinh tế đối ngoại TP HCM. Năm 2009, lượng đăng ký vào trường này lên tới trên 32.000 hồ sơ, tỷ lệ “chọi” là 1/21, khiến nhiều thí sinh tỏ ra “choáng”. Tuy nhiên, đến ngày thi, số thí sinh dự thi thực tế tụt xuống còn xấp xỉ 23.000, tỷ lệ “chọi” cũng giảm xuống 1/15.
Thực tế, trường này luôn có tỷ lệ “chọi” cao, điểm chuẩn cũng luôn “chót vót” với 21 điểm ở khối A; 18 điểm của khối D1 (năm 2008 khối A: 26,5, khối D1: 23; năm 2007 khối A: 23, khối D1: 19,5). “Mức điểm chuẩn cao như vậy nên năm nào trường cũng phải tuyển thêm nguyện vọng 2”, Phó hiệu trưởng Phan Thành Nguyên cho biết.
Trong khi đó, CĐ Tài chính Hải quan TP HCM có 1.900 chỉ tiêu cho 5 ngành nhưng có đến 14.152 thí sinh dự thi. Tỷ lệ “chọi” của trường chỉ là 1/7, nhưng điểm chuẩn luôn từ 17- 21,5. Tương tự, chỉ với 4 ngành đào tạo nhưng tỷ lệ “chọi” của Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng lên tới 1/6, điểm chuẩn từ 15-17,5.
Với mức điểm khá cao của các ngành khối A, thí sinh luôn phải băn khoăn chọn trường nào để dễ đậu.Tuy nhiên, ở mức điểm 10-13, vẫn có rất nhiều trường rộng cửa đón thí sinh, như: CĐ Công nghiệp thực phẩm TP HCM, CĐ Tài chính kế toán, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP HCM, CĐ Xây dựng số 3, CĐ Công thương TP HCM, CĐ Xây dựng miền Tây, CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, CĐ Giao thông vận tải 2, CĐ Giao thông vận tải 3…
Cụ thể, các trường tuyển sinh khối B phần lớn đều tuyển các ngành Nuôi trồng thủy sản, Thú y, Chăn nuôi, Trồng trọt, Quản lý đất đai, Thủy lợi… với điểm chuẩn từ 11-13. Hầu hết các trường tuyển ngành này đều là CĐ cộng đồng địa phương, còn lại là CĐ Tài nguyên môi trường, CĐ Thủy sản.
Khối C: Khan hiếm!
Trong hơn 220 CĐ trên toàn quốc, ngoại trừ các trường sư phạm có tuyển khối C (nhưng phần lớn chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại địa phương) thì những thí sinh muốn học khối C ngoài hệ thống sư phạm luôn phải “đỏ mắt” tìm trường.
Ở phía Nam, CĐ Phát thanh Truyền hình 2, CĐ Văn hóa nghệ thuật TP HCM, CĐ Cộng đồng Bình Thuận, CĐ Cộng đồng Hậu Giang được xem là “địa chỉ hiếm” đối với những thí sinh muốn học trường công lập. Với các trường ngoài công lập, có các CĐ: Bách Việt, Dân lập Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, Nguyễn Tất Thành, CĐ Đức Trí, Kinh tế công nghệ TP.HCM, Đông Á, Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn.
Còn hệ CĐ trong các trường ĐH thì có: ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Lao động xã hội cơ sở 2 TP HCM, ĐH Quảng Bình, ĐH Trà Vinh, ĐH Mở TP HCM, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Hùng Vương TP HCM.
Ở phía Bắc, mỗi trường chỉ tuyển một ngành khối C, phần lớn tập trung vào ngành Thư ký văn phòng, Việt Nam học, Quản trị du lịch, Quản lý văn hóa, gồm: CĐ Công nghiệp Việt – Hung, CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ Kỹ thuật khách sạn và du lịch, CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại, CĐ Phát thanh truyền hình 1, CĐ Sư phạm Trung ương, CĐ Truyền hình, CĐ Nội vụ, CĐ Bách khoa Hưng Yên.
Điểm chuẩn hằng năm của khối C dao động khoảng 11-13 điểm, trừ một vài trường có điểm từ 15 trở lên.
Theo Đất Việt