Thầy Nguyễn Vũ Thanh Liêm (giáo viên Văn trường THPT chuyên HN-Amsterdam) cho biết cấu trúc của đề thi Văn có hai phần: Phần chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức và một câu yêu cầu HS viết bài văn nghị luận xã hội ngắn); phần riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học). Theo thầy Liêm đề thường ra từ dễ đến khó, mức độ khó của câu 2 điểm và 3 điểm sẽ ít hơn so với câu 5 điểm. Vì vậy, thí sinh nên làm lần lượt các câu, không nên làm trước câu 5 điểm sẽ mất thời gian. 

Các sỹ tử đang chuẩn bị bước vào đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010

Ở phần chung, với câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức HS phải nắm vững kiến thức khái quát về văn học VN ở các giai đoạn, tác gia văn học… Vì là câu ít điểm nên sẽ chấm theo định lượng, thí sinh nên đếm ý cho đủ, viết ngắn gọn, không được lan man và dài dòng.

Câu hỏi nghị luận xã hội luôn là đề mở có thể cho phép thí sinh nêu ý kiến riêng. Ở câu này HS phải lập luận chặt chẽ, đưa ra được ý kiến của bản thân là hay nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ bố cục của một bài văn (mở bài, thân bài, kết luận).

Mức độ khó của đề Văn khối C và D tương đương nhau, nhưng dung lượng viết của khối C bao giờ cũng dài hơn khối D. Vì vậy, phần riêng của khối C đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được tiềm năng lớn, khả năng phân tích, khối lượng kiến thức đưa vào bài viết của khối C cũng nhiều hơn.

Địa lý: Bố trí thời gian hợp lý

Để giúp các sĩ tử làm bài một cách có hiệu quả nhất, cô Bùi Thị Bích Ngọc (Ban Sử Địa – NXB Giáo dục HN) trao đổi một số kinh nghiệm: đọc kĩ đề bài, sau đó chọn câu dễ làm trước. Cần phải bố trí thời gian hợp lí giữa phần tự luận và kĩ năng. Đối với phần tự luận phải xác định được dạng bài là chứng minh, phân tích hay giải thích… rồi gạch ý ra nháp trước khi viết vào bài. Không nên trả lời dài dòng mà nên chắc ý và đúng ý. Trong quá trình làm bài, nên xuống dòng, gạch đầu dòng và có những tiêu mục rõ ràng, rành mạch thì người chấm phân biệt dễ dàng hơn.

Phần kĩ năng, nếu đề bài yêu cầu vẽ lược đồ thì cần chú ý xem chiều dài khung lược đồ, không được bỏ qua phạm vi lãnh thổ, đảo và các quần đảo… cố gắng lấy theo kí hiệu SGK để phù hợp, quen thuộc với người chấm.

Đối với vẽ biểu đồ, quan trọng nhất phải chọn biểu đồ thích hợp, và dựa vào các dấu hiệu để không chọn sai biểu đồ. Ví dụ: đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ cơ cấu, nếu chỉ có ít năm (khoảng 3 năm) chắc chắn là biểu đồ tròn. Nhưng cơ cấu nhiều năm sẽ là biểu đồ miền. Hoặc biểu đồ tốc độ tăng trưởng sẽ là biểu đồ đường… Xử lý số liệu phải cẩn thận, tỉ mỉ và nhanh. Nếu sai ở bước này sẽ dẫn đến sai ở phân tích, nhận xét. Phần nhận xét biểu đồ phải gắn với kiến thức đã học để tìm nguyên nhân. Vẽ đúng, đẹp, ghi đầy đủ tên biểu đồ và chú giải, đặc biệt tránh chú giải rườm rà.

Lịch sử: Tối kỵ làm nháp và thay giấy thi

PGS. TS Đặng Thanh Toán (khoa Sử – ĐHSP HN) cho biết: “Đề thi Sử những năm gần đây có 4 câu thì khoảng 2 câu phát huy tính thông minh, tích cực của HS. 50% của đề dành cho những HS thuộc bài, 50% còn lại để phân hóa HS. Với những câu khó HS phải bình tĩnh, không vội vã”.

Khi làm bài, cố gắng theo trật tự các câu hỏi vì mỗi câu có thang điểm khác nhau. Nếu thí sinh đảo lộn thì có khi người chấm sẽ nhầm điểm của câu này sang câu kia. Nhưng nếu trong trường hợp không thuộc thì thí sinh nên linh động chuyển sang câu tiếp theo. Một bài thi 180 phút nên viết khoảng 6-8 trang. Chỉ nên gạch đầu dòng khi viết nội dung hiệp định, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm.

Vì câu nào cũng có điểm, nên không được bỏ trống dù thuộc ít hay nhiều. Xác định rõ giới hạn không gian, thời gian của lịch sử. Trả lời đúng, đủ những yêu cầu câu hỏi nêu ra.

Để không mất thời gian thí sinh chỉ nên viết mở bài, kết luận ngắn gọn, đặc biệt tối kị việc nháp và thay giấy thi trong quá trình làm bài. Ngoài những sự kiện quan trọng như Hội nghị thành lập Đảng, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám… phải nhớ đầy đủ mốc thời gian, thì thí sinh chỉ cần nhớ năm diễn ra sự kiện hoặc nơi xảy ra sự kiện.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *