Chiến dịch Tổng tấn công xuân 1968, Tiểu đoàn 857 được Quân khu 9 giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt sân bay Vĩnh Long với 66 máy bay các loại, trên 150 tên Mỹ gồm sĩ quan, chuyên viên kỹ thuật, giặc lái.

Khi nhận nhiệm vụ đánh sân bay, cán bộ – chiến sĩ Tiểu đoàn 857 rất phấn khởi. Nhưng có một điều lo lắng là tiểu đoàn chưa nghiên cứu sân bay. Chỉ có đại đội đặc công được nghiên cứu chiến đấu.

Tiểu đoàn làm phương án chiến đấu. Muốn đánh chiếm sân bay phải có mũi thọc sâu. Đây là lực lượng quyết định cho thắng lợi của trận đánh.

Cán bộ được triệu tập, phát động chọn người mũi trưởng. Tất cả biết rằng, đánh mũi trưởng mũi thọc sâu vào sân bay có thể hy sinh. Hàng trăm cán bộ – chiến sĩ đưa tay quyết tâm. Đồng chí Liêm không để tay xuống nếu không được chọn.

Với tài năng, bản lĩnh chỉ huy và lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi trận đánh”, đồng chí Liêm đã được chọn làm mũi trưởng mũi thọc sâu đánh vào sân bay Vĩnh Long.

Tinh thần dũng cảm và lời hứa nhiệt huyết của Trần Thanh Liêm đã thể hiện qua hành động. Sau tiếng nổ bộc phá cuối cùng, cửa mở đã thông. Hỏa lực địch ngăn chặn quyết liệt, nhưng mũi thọc sâu do đồng chí Liêm làm mũi trưởng như mũi tên lao thẳng vào tim quân thù.

Đang đánh chiếm đường băng thứ nhất thì một tốp quân Mỹ ra ngăn chặn, cả mũi thọc sâu dũng cảm kiên cường tiêu diệt và đẩy lùi bọn này.

Tiếng hô xung phong của đồng chí mũi trưởng đã thúc giục toàn đội hình không sợ hy sinh, xông lên tiêu diệt từng tên Mỹ và chiếm đường băng thứ hai. Mục tiêu phải đạt được của mũi thọc sâu là dùng thủ pháo phá hủy máy bay. Gần 33 phút chiến đấu, tiếng thủ pháo nổ liên tục. Kết quả là 63 máy bay các loại đã bị phá hủy. Mỹ đưa xe “nồi đồng” phản kích, bịt cửa mở của ta. Đồng chí động viên anh em hãy bình tĩnh và sáng tạo trong chiến đấu. Đồng chí cùng một tổ phát triển đánh cháy kho đạn rốc-két. Đây là kho đạn đầy tội ác của giặc Mỹ đổ lên đầu người dân vô tội. Đạn trong kho nổ tứ tung cùng phản ứng dữ dội của xe “nồi đồng”, nhưng mũi tiến công của đồng chí Liêm vẫn phát triển đến kho xăng của sân bay, sau khi đánh cháy kho xăng mới chịu rút ra để bảo toàn lực lượng. Khi lọt vào hàng rào phòng ngự chống xung phong của địch, Trần Thanh Liêm đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đồng chí đã hy sinh lúc 5 giờ ngày mùng Một Tết năm 1968.

Trận đánh vào hậu cứ sân bay Vĩnh Long, lực lượng không cân xứng, địch 10 ta 1, hỏa lực địch hơn hẳn ta, nhưng ta có lòng dũng cảm, chí căm thù giặc của cán bộ – chiến sĩ, tiêu biểu là đồng chí Trần Thanh Liêm, Đại đội phó, mũi trưởng mũi thọc sâu. Ta đã tiêu diệt và phá hủy 63 máy bay, hàng trăm tên giặc Mỹ xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi khác đánh chiếm, làm chủ thị xã Vĩnh Long 6 ngày đêm.

Đơn vị đánh sân bay đã được tặng một Huân chương Quân công hạng Nhì.

Anh hùng LLVTND – Liệt sĩ Trần Thanh Liêm

Đồng chí Trần Thanh Liêm đã chiến đấu với tinh thần lạc quan cách mạng, kiên cường, mưu trí, dũng cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đồng chí đã tạo nên những chiến công làm cho đồng đội kính nể, kẻ thù khiếp sợ. Những chiến công đó khẳng định, không có gian khổ khó khăn nào lung lay được ý chí người chiến sĩ đặc công được tôi luyện trong chiến đấu. Không sức mạnh nào hơn quyết tâm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Là người chỉ huy năng động dũng cảm, đã ra quân là phải đánh, đánh là phải thắng, nhưng trong tập thể, đồng chí Trần Thanh Liêm vẫn giữ tác phong bình dị, chân thành, cởi mở, luôn hòa mình giúp đỡ đồng đội, luôn nhận những khó khăn về mình, tiêu biểu là hành động dũng cảm trong trận đánh chiếm sân bay Vĩnh Long. Đồng chí mất đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Đồng chí Trần Thanh Liêm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :

– Huân chương Chiến công hạng Nhất

– Huân chương Chiến công hạng Nhất (đánh sân bay)

– Nhiều Bằng khen, giấy khen của Tỉnh đội và Quân khu 9

Ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký lệnh số 557/CTN tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Liệt sĩ Trần Thanh Liêm.

PHẠM CÔNG LỘC – Theo sách “Những người con trung hiếu” 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *